NGƯỜI THẦY THUỐC CỦA HAI NỀN Y HỌC

Cập nhật lúc:   11:30:03 - 27/09/2017 Số lượt xem:   1443 Người đăng:   Administrator
Có một bác sĩ được đào tạo chuyên sâu cả hai lĩnh vực Đông và Tây y đầu tiên ở tỉnh Phú Yên
Có một bác sĩ được đào tạo chuyên sâu cả hai lĩnh vực Đông và Tây y đầu tiên ở tỉnh Phú Yên, đã từng giữ những chức vụ đầu ngành của nền Y học Cổ truyền (YHCT) tỉnh nhà: Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, Giám đốc bệnh viện YHCT tỉnh, đó là thầy thuốc ưu tú, ThS, BS Lê Văn Thức. 

 
Một buổi chiều oi ả của cái nắng rực lửa đầu tháng 6 này, chúng tôi đến thăm BS Lê Văn Thức tại nhà riêng để tìm hiểu thêm về công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) thuộc lĩnh vực bảo tồn và phát triển những cây thuốc nam thông dụng ở tỉnh Phú Yên do ông làm chủ nhiệm đề tài. Công trình đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh nghiệm thu, xếp loại xuất sắc; được UBND Tỉnh cho phép in thành sách phát hành rộng rãi trong nhân dân mấy năm trước.

Trong ngôi nhà khang trang, sạch sẽ, gọn gàng ở cuối đường Lê Thành Phương, phường 2, thành phố Tuy Hòa, BS Lê Văn Thức đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thân mật. Tuy mới tiếp xúc lần đầu, nhưng chúng tôi đã cảm nhận ngay sự gần gũi, chân tình, sự khiêm tốn, giản dị của ông, một người thầy thuốc mà qua ánh mắt, qua giọng nói đã toát lên vẻ nhanh nhạy, chuẩn xác của bác sỹ Tây y và vẻ thanh cao, điềm đạm của một lương y khả kính.

Nghỉ hưu từ năm 2010, nhưng Bác sĩ Lê Văn Thức chưa ngày nào rời xa công việc chuyên môn. Với ông nghỉ hưu không có nghĩa là nghỉ làm việc, và làm việc với ông trở thành nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Cho nên từ lúc nghỉ hưu đến nay, Bác sỹ Lê Văn Thức vừa phát huy chuyên môn của một bác sỹ y khoa, ông vẫn say mê tìm tòi, nghiên cứu về các cây thuốc, các bài thuốc Y học cổ truyền (YHCT). Theo ông sự kết hợp giữa Tây y và Đông y để chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh, vừa giảm bớt chi phí lại đạt được kết quả tốt. Vốn đã kính trọng đạo đức, lối sống, quá trình cống hiến của ông từ trước, nhưng hôm nay được nghe ông kể thêm về cuộc sống và những suy tư, trăn trở của mình về nghề y; chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn về ông, người thầy thuốc đã được Nhà nước đào tạo chuyên sâu cả hai nền y học: Đông và Tây y. Bác sĩ Lê Văn Thức đã cống hiến suốt đời mình cho ngành y tỉnh Phú Yên, quê hương thứ hai của ông...

Ngồi trên ghế salon, ông nhìn xa xăm như hồi tưởng về tuổi thơ ấu của mình. Rồi bằng giọng kể trầm ấm, khúc triết Bác sĩ Lê Văn Thức đã làm tôi lắng nghe một cách say sưa từng chặng đường, từng nỗi gian lao, vất vả về ngành y mà ông đã trải qua. Ông thi đậu vào Trường Đại học Y Hà Nội từ năm 1969. Kết thúc năm học thứ hai (năm 1971). Khi ấy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt; cùng với hàng vạn thanh niên, sinh viên các trường đại học ở miền Bắc tình nguyện xin vào Nam chiến đấu, ông sẵn sàng xếp bút nghiêng lên đường nhập ngũ. Ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị -Thiên, đã cùng đồng đội bám trụ ở chảo lửa Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm lịch sử. Mưa bom bão đạn của kẻ thù đã không khuất phục được ông, ông cùng đồng đội tiếp tục Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước với một ước nguyện cháy bỏng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến năm 1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, đất nước độc lập, non sông thu về một mối, ông cùng các đồng đội - sinh viên của các trường đại học được quay về trường học tiếp. Năm 1980, ông tốt nghiệp đại học y khoa Hà Nội và được nhà trường giữ lại để đào tạo tiếp hệ bác sĩ nội trú (bây giờ gọi là bác sĩ nội trú - cao học). Năm 1984, Bác sĩ Lê Văn Thức được phân về bệnh viện Đông y tỉnh Phú Khánh, làm Trưởng khoa Ngoại phụ và đến năm 1985 được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn. Năm 1989, khi tỉnh nhà được tái lập, ông được điều về làm Chủ tịch Hội Đông y Phú Yên. Hơn 12 năm sau, cấp trên lại điều ông về làm Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền cho đến ngày nghỉ hưu. Điều đặc biệt là trong mấy chục năm gắn bó với ngành y, ông luôn chú tâm vào nghiên cứu cách chữa bệnh Đông – Tây y kết hợp. Ông tâm sự: Phú Yên là vùng đất có khí hậu thổ nhưỡng rất phù hợp với cây thuốc nam. Bao năm gắn bó với ngành y, ông đã lăn lộn khắp các vùng miền trong tỉnh, vừa để chữa trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa khám phá, tìm tòi, nghiên cứu những cây thuốc, bài thuốc dân gian quý còn lưu truyền trong nhân dân. Nghiên cứu cách trồng và sử dụng những cây thuốc Nam sao cho hiệu quả nhất. Trong hai năm (2008-2009), ông đã cùng các cộng sự ngày đêm miệt mài nghiên cứu, thâm nhập thực tế sưu tầm các cây thuốc nam, các bài thuốc quý có trong dân gian để chuyển giao cho tuyến y tế cơ sở chữa bệnh; Kết quả này cũng chính là thành công của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về bảo tồn và phát triển cây thuốc nam thông dụng ở tỉnh Phú Yên. Đề tài được Hội đồng khoa học cấp tỉnh xếp loại xuất sắc, đã ghi nhận sự nỗ lực và những thành quả lao động sáng tạo của Bác sỹ Lê Văn Thức trong lĩnh vực y học cổ truyền.

Quá trình công tác ở bệnh viện YHCT tỉnh, Bác sỹ Lê Văn Thức lần lượt với các cương vị: Trưởng khoa, Phó giám đốc, Giám đốc, ở vị trí công tác nào ông cũng luôn thể hiện bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ. Là người lãnh đạo ông luôn tâm niệm bản thân phải gương mẫu "Sáng về y đức, giỏi về y thuật" bên cạnh đó còn phải gắn trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ nối tiếp về y đức của người thầy thuốc. Phát huy tối đa những kiến thức được đào tạo chuyên sâu từ trường đại học, ông đã cùng tập thể CB,CNVC đơn vị đưa bệnh viện YHCT tỉnh không ngừng phát triển. Trình độ chuyên môn cao cùng với sự tận tâm, nhiệt tình, tận tuỵ của tập thể y, bác sỹ. điều dưỡng viên bệnh viện YHCT tỉnh có được hôm nay là có sự đóng góp đáng kể của Bác sỹ Lê Văn Thức. Ông tâm sự: “Không ai mong vào bệnh viện do bệnh tật hoặc gặp tai nạn rủi ro. Chúng tôi luôn quán triệt tinh thần phải quan tâm, chăm sóc người bệnh như người thân, sẻ chia với nỗi đau của người bệnh, đồng cảm với lo lắng của người nhà bệnh nhân…”.
 

Bác sĩ Lê Văn Thức, đi tìm các cây thuốc ở rừng của huyện Sơn Hòa-Phú Yên - Ảnh: CTV

 
Ngoài công tác quản lý, bản thân ông là người đã trực tiếp tham gia thăm khám, chữa bệnh hàng ngày cho bệnh nhân; góp ý, uốn nắn về chuyên môn cũng như y đức cho CB,CNVC trong bệnh viện; tham gia công tác chỉ đạo về YHCT cho tuyến dưới; chủ trì cùng hội đồng khoa học của bệnh viện xây dựng công thức, quy trình sản xuất 17 loại cao, đơn, hoàn, tán có chất lượng tốt phục vụ cho bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện. Kết quả là từ khi ông làm giám đốc, bệnh viện liên tục hoàn thành vượt mức mọi chỉ tiêu được giao. Đội ngũ CB,CNVC trong bệnh viện luôn đoàn kết, phát huy tốt những quy định về y đức, chất lượng điều trị ngày càng được nâng cao, nên bệnh viện liên tục đạt danh hiệu “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”, được Chính phủ tặng Huân chương lao động hạng III, cờ thi đua xuất sắc của Bộ y tế, của UBND Tỉnh cùng nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền và ngành y tế các cấp. Với cương vị là Bí thư chi bộ, ông đã cùng Cấp uỷ lãnh đạo chi bộ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng nên chi bộ bệnh viện cũng liên tục đạt danh hiệu: "Trong sạch vững mạnh” và “Trong sạch vững mạnh xuất sắc”. Cùng với công tác lãnh đạo, quản lý, Bác sỹ Lê Văn Thức còn tham gia tuyên truyền hướng dẫn cách chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng bằng các bài báo chuyên môn đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng…. Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Minh Hưởng, nguyên Giám đốc Sở y tế Phú Yên, khẳng định: "Nhiều năm qua, cán bộ, thầy thuốc, nhân viên Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh luôn phấn đấu giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hoá bằng tấm lòng, y đức, y thuật thể hiện qua từng lời nói, cử chỉ, hành động với người bệnh. Ban giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh dưới sự lãnh đạo của Bác sỹ Lê Văn Thức luôn đặt ra chủ trương xây dựng đội ngũ thầy thuốc sáng về y đức, giỏi về y thuật, đặc biệt coi trọng y đức, được cụ thể hoá qua sự ân cần trong từng lời nói, việc làm của mỗi cán bộ, y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên bệnh viện.”

Thời làm Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, từ một tỉnh mới được tái lập chưa có hội hoạt động, ông đã cùng BCH tỉnh hội bám sát cơ sở để xây dựng mạng lưới tổ chức hội, nên chỉ một năm sau, tổ chức hội được thành lập và đi vào hoạt động từ xã, phường đến tuyến tỉnh một cách hoàn chỉnh. Ngoài việc tập hợp, động viên các hội viên hành nghề chuyên môn, ông đã triển khai các hoạt động sáng tạo như tổ chức các hội nghị thừa kế-NCKH về YHCT, tổ chức trung tâm ứng dụng thừa kế và các phòng chẩn trị để khám, chữa bệnh cho nhân dân, điều tra dược liệu, nuôi trồng và tuyên truyền cho nhân dân sử dụng thuốc nam-châm cứu, làm công tác từ thiện nhân đạo v.v...Với những đóng góp nổi bật, Hội Đông y tỉnh Phú Yên trở thành một trong những tỉnh hội dẫn đầu của khu vực miền Trung và cả nước, được TW hội Đông y Việt Nam tặng cờ xuất sắc 5 năm liền.

Khi được hỏi về thế mạnh của từng nền y học, ông chia sẻ: Mỗi nền y học có những thế mạnh khác nhau. Tây y thiên về chữa bệnh từ bộ phận cụ thể đến toàn thân, dụng dược và các phương tiện, máy móc hiện đại, mang lại hiệu quả nhanh cho nhiều bệnh, nhưng cũng có nhiều bệnh chữa trị kém hiệu quả, bệnh nhân lại hứng chịu những tác dụng có hại của nhiều loại thuốc. Còn Đông y thiên về chữa bệnh toàn diện, lấy điều hoà âm-dương trong cơ thể là chính, nên tuy hiệu quả chậm hơn nhưng lại bền vững, thuốc ít có tác dụng phụ. Qua nhiều năm công tác ông nghiệm thấy rằng nếu như mỗi người thầy thuốc am hiểu sâu sắc cả hai nền y học, bệnh nào, giai đoạn nào của bệnh nên điều trị Tây y hoặc Đông y, giai đoạn nào nên kết hợp Đông-Tây y thì hiệu quả mang lại cho người bệnh sẽ khôn lường.

Tuy ở tuổi nghỉ hưu, những điều ông trăn trở vẫn là làm sao ngành y tỉnh nhà ngày càng phát triển, đặc biệt là có sự kết hợp nhuần nhuyễn YHCT với y học hiện đại. Theo ông muốn đạt được như vậy, phải tháo gỡ những khó khăn như: Cần đầu tư thích đáng để đào tạo, bổ túc đội ngũ cán bộ, nhất là ở tuyến cơ sở thông thạo việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu bằng YHCT và kết hợp với YHHĐ, đẩy mạnh việc trồng và sử dụng thuốc nam-châm cứu ở tuyến xã, phường để chữa bệnh ngay khi bệnh mới phát nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu cả hai nền y học; các cấp lãnh đạo quan tâm thích đáng để động viên, đầu tư cho nền YHCT v.v…

Cả cuộc đời cống hiến cho ngành y, đến nay tuy đã về hưu, nhưng BS Lê Văn Thức vẫn tận tình tham gia khám, chữa bệnh tại nhà bằng phương pháp Đông-Tây y kết hợp để tiếp tục đúc rút những kinh nghiệm phòng, chữa bệnh hiệu quả từ hai nền y học, để giúp ích cho người bệnh. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, những lương y, bác sỹ như thầy thuốc ưu tú, ThS, BS Lê Văn Thức, luôn tận tâm với nghề nghiệp, xứng đáng là những tấm gương sáng về y đức là điều rất hạnh phúc và may mắn cho người bệnh. Mong rằng những người thầy thuốc - mẹ hiền ấy luôn tỏa sáng để dìu dắt và làm động lực cho đội ngũ thầy thuốc trẻ noi theo, để ngành y tế tỉnh nhà có một đội ngũ thầy thuốc vừa hồng, vừa chuyên, xứng đáng với niềm tin cậy, yêu mến của nhân dân ■
THÙY TRANG
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 33
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 274.799
account_box Trong năm: 23.422
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.742