Giải pháp xây dựng làng nghề trồng hoa và cây cảnh Phước Hậu gắn với phát triển du lịch

Cập nhật lúc:   10:41:47 - 27/09/2017 Số lượt xem:   1863 Người đăng:   Administrator
Người dân làng nghề trồng hoa ở Phước Hậu (P.9-TP Tuy Hòa-Phú Yên) chăm sóc hoa Cúc vàng, chuẩn bị bán hoa tết. Ảnh: Mỹ Bình Người dân làng nghề trồng hoa ở Phước Hậu (P.9-TP Tuy Hòa-Phú Yên) chăm sóc hoa Cúc vàng, chuẩn bị bán hoa tết. Ảnh: Mỹ Bình
Trong khuôn khổ thực hiện công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đề tài “Đánh giá toàn diện tiềm năng và đề xuất
Trong khuôn khổ thực hiện công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đề tài “Đánh giá toàn diện tiềm năng và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch khu vực núi Chóp Chài, thành phố Tuy Hòa”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên - cơ quan chủ trì đề tài đã hai lần tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa của địa phương và các chuyên gia trung ương, với mong muốn đề xuất được giải pháp phát triển du lịch khu vực núi Chóp Chài. Xoay quanh chủ đề này, Tạp chí Trí thức Phú Yên trân trọng giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn để bạn đọc cùng tham khảo. 

1. Vài nét khái quát về Phước Hậu

Phước Hậu là danh xưng gọi chung cho ba khu phố Phước Hậu 1, Phước Hậu 2, Phước Hậu 3, thuộc phường 9, thành phố Tuy Hòa, tinh Phú Yên hiện nay.

Danh xưng Phước Hậu có khá lâu, khi lập địa bạ vào đời Gia Long (1815) đã thấy ghi, nhưng làng này hình thành từ giữa thế kỷ XVII, trước gọi là Pháp Đông của Phước Toàn xã. Một tên gọi dân dã trước đây còn được biết tới là “Xóm Sủng”. Ngữ âm và ngữ nghĩa của danh xưng này phản ánh địa bàn không bằng phẳng của Phước Hậu. Tên các xóm (Ngoài, Giữa, Trong, Lẫm, Đường, Quán, Hóc, Rừng, Mới…), các gò (Thủ Kỳ, Thượng Điền, Ông Dõi), các dốc (Cây Châu, Cây Sanh, Ông In, Ông Quỡn…), Các giồng (Điếm), các động cát…cho thấy bức tranh địa mạo của làng Phước Hậu khá đa dạng. Phước Hậu có quốc lộ 1 và đường xe lửa Bắc Nam chạy ngang qua ngôi làng ở ngay sát chân núi Chóp Chài.

Dân làng Phước Hậu rất yêu nước, có truyền thống cách mạng. Những trang sử của làng Phước Hậu từ khi có Đảng đến nay thật vẻ vang. Phước Hậu đã có Chi bộ Đảng đầu tiên từ ngày 20-10-1935 với ba đảng viên trong làng: Nguyễn Quốc Thoại, Nguyễn Chấn, Đỗ Tương. Phước Hậu là cái nôi cách mạng khi khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Ủy ban Việt Minh lâm thời Phủ Tuy Hòa ra đời ở đây (4-1945). Đại hội thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Yên cũng tổ chức ở đây (17-7-1945). Ngày khởi nghĩa 25-8-1945 Ban chỉ huy khởi nghĩa phủ Tuy Hòa do Nguyễn Quốc Thoại làm Trưởng ban cùng đại đội tự vệ từ Phước Hậu ra đi cướp chính quyền ở Phủ Tuy Hòa thắng lợi. Trong kháng chiến chống pháp, chống Mỹ Phước Hậu có 119 liệt sĩ và có 5 bà mẹ được công nhận là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Xa xưa Phước Hậu là vùng nông thôn, dân làng hầu hết là nông dân, nguồn sống chính là nông nghiệp, một số hộ làm nghề thủ công, buôn bán nhỏ. Người dân Phước Hậu chất phác, cần cù, lao động giỏi. Cánh đồng Phước Hậu rộng hơn 200 ha, có mương dẫn nước từ đập Đồng Cam, nên gọi là “Đồng Thủy” là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng lúa nước. Người dân Phước Hậu còn có nghề làm vườn như trồng sắn nước, hoa, cây cảnh, cây thuốc lá, đã một thời “thuốc lá xóm Sủng” ngon nổi tiếng, “sắn nước Phước Hậu” ngọt mà giá rất rẻ. Nghề phụ truyền thống thì có làm võng. Dân làng Phước Hậu rất yêu thích văn nghệ. Trong dân gian còn lưu truyền nhiều làn điệu dân ca, hò khoan, hò đối đáp, Hô bài chòi, Hát bội…Hiện tại Phước Hậu đã là đô thị, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân đã được nâng cao hơn trước rất nhiều, nhưng nhiều giá trị văn hóa và ngành nghề truyền thống vẫn được bảo lưu, trong đó có nghề trồng hoa, cây cảnh là điều kiện thuận lợi để phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch.

2. Thực trạng nghề trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu

Nghề trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu có từ rất lâu, lúc đầu chỉ có một số ít hộ, và nghề trồng hoa, cây cảnh được xem là nghề phụ, trồng để sử dụng trong gia đình và bán cho người dân vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, sản phẩm tiêu thụ tại địa phương là chính. Cùng với sự phát triển của xã hội và nhu cầu sử dụng hoa và cây cảnh của nhiều đối tượng tăng lên, thêm nữa thu nhập từ nghề trồng hoa, cây cảnh cũng cao hơn làm nông nên nghề trồng hoa và cây cảnh của Phước Hậu phát triển rất nhanh. Sản phẩm hoa và cây cảnh chủ yếu của Phước Hậu là mai, lộc vừng, ba chia, quất, cây sung cảnh, hoa cúc, gần đây người dân còn trồng thêm hoa lily để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đầu tháng 10/2014, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt cho Hội Nông dân phường 9 vay vốn từ Quỹ giải quyết việc làm tỉnh để phát triển dự án trồng hoa và cây cảnh. Dự án này có tổng số vốn gần 1,2 tỷ đồng; trong đó, vay từ Quỹ giải quyết việc làm tỉnh Phú Yên 300 triệu đồng để mua giống, vật tư và phân bón. Thời hạn vay trong 3 năm, lãi suất 0,6%/tháng. Dự án được thực hiện tại khu phố Phước Hậu 3 (phường 9) nơi có hơn 500 hộ trồng hoa, cây cảnh bán vào dịp tết. Mỗi năm, người dân ở đây cung cấp ra thị trường không dưới 200 nghìn chậu hoa, cây cảnh các loại; trong đó chủ yếu là mai, cúc, quất, thược dược, vạn thọ, hoa giấy…Những năm gần đây hoa, cây cảnh ở Phước Hậu không chỉ cung cấp cho thị trường Phú Yên mà còn được thương lái đặt mua đem đi bán ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định và khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Hiệu quả kinh tế từ trồng hoa và cây cảnh cao hơn nhiều so với một số ngành nghề khác. Kinh tế phát triển, tộc độ đô thị hóa nhanh làm cho diện mạo Phước Hậu đổi thay rất nhiều, nhà cửa của người dân khang trang đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, rất thuận lợi cho việc đi lại của các phương tiện xe cơ giới; hệ thống điện chiếu sáng, nước máy, Internet, các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng của người dân phong phú, mặt khác hiện tại Phước Hậu có vài trăm hộ có thâm niên trong nghề trồng hoa và cây cảnh. Đây là những tiền đề, điều kiện thuận lợi để xây dựng làng nghề, tạo ra những sản phẩm hoa, cây cảnh có chất lượng cao đáp ứng với nhu cầu của thị trường và gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Phước Hậu cũng đang đối diện với không ít khó khăn, vướng mắc cần giải quyết để có thể tìm ra được những giải pháp xây dựng làng nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với phát triển du lịch. Cụ thể:

Thứ nhất, do dân số tăng nhanh nên diện tích thổ cư của các hộ gia đình ở Phước Hậu rất hẹp. Hiện tại số hộ gia đình có diện tích đất rộng để làm các nhà vườn gần như không có. Tình trạng thiếu đất cho vùng sản xuất, giá cho thuê đất cao là cản trở lớn đối với các hộ gia đình trồng hoa và cây cảnh.

Thứ hai, khảo sát tại các gia đình ở Phước Hậu nhận thấy hầu hết các hộ gia đình đều có cây cảnh nhưng số lượng không nhiều. Nguyên nhân diện tích đất ở hẹp không thể trưng bày được nhiều cây cảnh, mặt khác gần đây đầu ra của cây cảnh không ổn định, giá cả không tăng nên một số gia đình đã giảm mức đầu tư.

Thứ ba, nghề trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu đều là tự phát, do người dân tự làm, tự học hỏi lẫn nhau, đến thời điểm hiện tại chưa có một quy hoạch nào được cấp chính quyền phê duyệt về việc xây dựng làng nghề trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu, đây là nguyên nhân chính nhất dẫn tới qui mô làng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu nhỏ lẻ, phân tán. Chưa đáp ứng được nhu cầu gắn làng hoa, cây cảnh với phát triển du lịch.

Thứ tư, nhiều hộ gia đình còn khó tiếp cận vốn tín dụng, do thủ tục còn nhiều phức tạp; chính sách hỗ trợ người dân vay vốn từ Quỹ hỗ trợ việc làm còn hạn hẹp; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng hoa và cây cảnh để tạo những sản phẩm chất lượng cao còn hạn chế. Năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh hoa và cây cảnh còn nhiều khó khăn do tác động của biển đổi khí hậu, rủi ro tiềm ẩn…là những vướng mắc, cản trở cần tháo gỡ để việc xây dựng làng nghề trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu gắn với phát triển du lịch.

3. Khuyến nghị một số giải pháp

Xây dựng làng nghề trồng hoa và cây cảnh gắn với phát triển du lịch ở Phước Hậu cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó cần chú trọng những giải pháp chính như sau:

Một là, tổ chức điều tra, khảo sát thật kỹ quỹ đất của Phước Hậu từ đó xây dựng quy hoạch cụ thể làng hoa và cây cảnh Phước Hậu trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, phát triển du lịch của toàn phường 9 gắn với phát triển du lịch khu vực núi Chóp Chài. Quản lý sử dụng đất nông nghiệp một cách hợp lý, đầu tư đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để phát huy lợi thế của Phước Hậu với lợi ích của người dân được hưởng. Khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ các hộ nông dân có thể chuyển nhượng, thuê đất nông nghiệp, đất vườn dễ dàng, thuận lợi để mở rộng diện tích trồng hoa và cây cảnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thật để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tạo năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, khuyến khích các hộ gia đình liên kết trong đầu tư xây dựng làng hoa và cây cảnh theo hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi hàng hóa gắn với phát triển du lịch. Các cấp, các ngành cần tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tiếp nhận công nghệ mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng hoa và cây cảnh để tạo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Chú trọng bon sai tượng hình, sản phẩm này có giá thành cao và đang được khách du lịch rất quan tâm.

Thứ ba, việc xây dựng làng hoa và cây cảnh gắn với phát triển du lịch không nên bó hẹp trong địa bàn Phước Hậu mà cần mở rộng ra quy mô toàn phường 9. Vì 6 khu phố Ninh Tịnh đất đai còn rộng và có nhiều hộ gia đình có nghề trồng hoa và cây cảnh lâu năm. Đây là một lợi thế và mang tính khả thi cao.

Thứ tư, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi một số chính sách ưu đãi về thuế đất đai, vật tư nông nghiệp, dịch vụ…nhằm khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ các hộ gia đình, các doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất hoa và cây cảnh quy mô lớn; có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích các nghệ nhân tham gia đào tạo nghề trồng hoa và cây cảnh.

Thứ năm, đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra và chủ động được nhiều giống hoa có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thứ sáu, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, của hiệp hội du lịch đối với xây dựng làng hoa và cây cảnh Phước Hậu gắn với phát triển du lịch. 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 42
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 274.808
account_box Trong năm: 23.431
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.751