HÌNH TƯỢNG CON KHỈ TRÊN THÁP CỔ

Cập nhật lúc:   10:41:26 - 27/09/2017 Số lượt xem:   1312 Người đăng:   Administrator
Hình tượng các chú khỉ chơi nhạc cụ ăn mừng chiến thắng Hình tượng các chú khỉ chơi nhạc cụ ăn mừng chiến thắng
Quảng Nam được biết đến với hai Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vào tháng 12/1999
Quảng Nam được biết đến với hai Di sản Thế giới được UNESCO công nhận vào tháng 12/1999 là Khu đô thị cổ Hội An và Khu tháp Chăm Mỹ Sơn. Đặc biệt, ngoài khu tháp Chăm Mỹ Sơn giờ đây đã quá nổi tiếng cả trong và ngoài nước, thì dấu ấn của nền văn hoá Chămpa còn lưu lại trên đất Quảng Nam khá nhiều và vẫn còn tồn tại đến ngày nay như: Tháp Bằng An, Tháp Sáng (Phật viện Đồng Dương), Nhóm tháp Chiên Đàn, phế tích An Phú, nhóm tháp Khương Mỹ... và 26 phế tích Chăm khác nằm rải rác ở các địa phương Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An, Phú Ninh, Núi Thành, Thăng Bình... Cùng với đó là hàng ngàn những tác phẩm điêu khắc bằng đá sa thạch gắn liền với các công trình kiến trúc và đã được các nhà khảo cổ học phát hiện trong quá trình khai quật. Qua những gì còn lưu dấu lại đến ngày nay, có thể nói người Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hoá đa dạng và độc đáo. Đặc biệt, trong nghệ thuật tạo hình, người Chăm đã để lại di sản kiến trúc đền tháp đồ sộ và những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. 

Trong các loại hình điêu khắc Chămpa, con khỉ là hình tượng được thể hiện khá phổ biến. Khỉ là con vật linh tôn giáo, nó vừa là ân nhân vừa là bạn của con người. Trong các công trình kiến trúc Chăm ở Quảng Nam thì đặc biệt là khu tháp Chăm Khương Mỹ, hình tượng con khỉ được thể hiện nhiều nhất với nhiều tư thế, sắc thái biểu cảm đa dạng tạo những ấn tượng khác lạ trong nghệ thuật, tuy nhiên hình ảnh các chú khỉ cũng đã được cách điệu hoá cao.
 
Nhóm tháp Khương Mỹ thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, sát bên đường tránh Quốc lộ 1 đoạn đi qua thành phố Tam Kỳ. Nhóm tháp Khương Mỹ gồm ba tháp, xếp một hàng theo trục Bắc-Nam, cửa ra vào ở hướng Đông. Đây là kiểu tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, mái tháp gồm ba tầng, trên cùng là chóp tháp bằng sa thạch.
 
Tháp Bắc là tháp nhỏ nhất trong ba tháp, có một cửa ra vào và năm cửa giả, tiền sảnh tháp đã bị sụp đổ một phần. Tháp Giữa lớn hơn tháp Bắc và được bảo tồn tương đối tốt, cũng có một cửa ra vào và năm cửa giả. Cuối cùng là tháp Nam, tháp lớn nhất trong ba tháp và được bảo tồn tốt; có cấu trúc gần như hai tháp kia. Các nhà nghiên cứu cho rằng tháp Nam được xây dựng trước tiên, sau đó đến tháp Giữa và cuối cùng là tháp Bắc.
 
Phần lớn các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy ở Khương Mỹ đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc này phần lớn mang tính chất Vishu giáo, lại vắng bóng Siva và Braha, nên một số nhà nghiên cứu cho rằng nhóm tháp Khương Mỹ là một khu đền thờ thần Vishu. Tuy số lượng những tác phẩm điêu khắc ở Khương Mỹ không nhiều nhưng chúng thể hiện được sự chuyển tiếp mạnh mẽ của phong cách Đồng Dương sang nét nhẹ nhàng, trang nhã của phong cách Trà Kiệu; do đó các nhà nghiên cứu đã xếp nhóm tháp Khương Mỹ vào một phong cách riêng: Phong cách Khương Mỹ, có niên đại vào dầu thế kỷ X. Nhóm tháp Khương Mỹ đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 100-VH-QĐ ngày 21/01/1989.

Hình tượng chú khỉ đội hành lý trên đầu vượt biển
Đặc biệt, cuộc khai quật vào năm 2007, các nhà khảo cổ học đã làm xuất lộ 17 khối sa thạch có điêu khắc độc đáo quanh chân tháp. Đây là những khối đá có công năng bao giữ phần chân đế bằng gạch của tháp, đáng chú ý là các khối đá này không xếp liền kề nhau mà được xếp xen kẽ với các mảng chạm khắc bằng gạch, thể hiện một số cảnh sinh hoạt của loài khỉ như các chú khỉ... Theo các nhà nghiên cứu Văn hoá Chăm, những tượng khỉ này dường như có liên quan đến trường ca Ramayana nổi tiếng. Trong trường ca Ramayana, nàng Sita - vợ của hoàng tử Rama (một hóa thân của thần Vishnu) bị quỷ vương Ravana bắt đem về giam cầm trong lâu đài ở Sri-Lanka. Trên đường đi tìm Sita, Rama đã giúp đỡ vua Sugriva đánh bại kẻ tiếm ngôi; để trả ơn, Sugriva đã cử viên tướng tài ba nhất của mình là chúa khỉ Hanuman cùng đoàn quân khỉ giúp Rama đi cứu Sita. Cuộc hành quân của Rama đến Sri-Lanka khá gian nan, nhưng cuối cùng với sự giúp sức của đoàn quân khỉ, Rama đã tiêu diệt được quỷ vương Ravana cùng thuộc hạ...
 
Trên những mảng phù điêu được phát hiện tại Khương Mỹ vào năm 2007, các nghệ nhân Chăm-pa đã thể hiện nhiều động tác khác nhau của các chú khỉ: một vài chú đang gánh, ôm vác hành lý; vài chú khỉ đội hành lý trên đầu, có lẽ chúng đang lội nước để vượt biển. Một cảnh khá tinh nghịch thể hiện chú khỉ bị một con rùa hoặc vích cắn vào bộ phận sinh dục, cạnh đó là một chú khỉ đứng rụt cổ, tay trái gãi đầu, tay phải chỉ vào con rùa trông rất vui nhộn . Kế tiếp là mảng điêu khắc thể hiện cũng chú khỉ bị rùa cắn, thấp hơn là một chú khỉ con dường như đang tìm cách gỡ con rùa ra giúp. Một bức chạm khác thể hiện sự mệt mỏi của các chú khỉ: Một chú lưng còng xuống, hai tay ôm bầu nước; chú ở giữa đưa hai tay nâng một vật gì đó; chú bên trái đang ngồi nghỉ trên tảng đá, tay chống cằm. Một bức chạm thể hiện 3 chú khỉ đang đánh trống và xập xõa, nhảy múa khá tưng bừng, có lẽ là mừng chiến thắng... Hình tượng những chú khỉ được thể hiện rất sống động và ngộ nghĩnh, đáng yêu và đặc biệt là tất cả các chú khỉ đều được thể hiện bộ phận giới tính rất rõ ràng...
Xuân Bính Thân này, trên bước đường thiên lý Bắc Nam nếu có dịp đi ngang qua vùng đất Núi Thành, quý khách nên bỏ ít chút thời gian ghé thăm Khu tháp Chăm Khương Mỹ để chiêm nghiệm mưa nắng trần gian rơi đầy trên những tháp cổ u tịch nghìn năm, để tận mắt chứng kiến những hình tượng các chú khỉ ngộ nghỉnh, đáng yêu và để thưởng thức nghệ thuật điêu khắc và tạo hình độc đáo trên đá sa thạch của người Chămpa xưa./. 
MAI LÂM
 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 1
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.837
account_box Trong năm: 23.460
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.780