Phú Yên đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong giai đoạn cách mạng mới

Cập nhật lúc:   10:41:17 - 27/09/2017 Số lượt xem:   2495 Người đăng:   Administrator
Phú Yên là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có bề dày lịch sử và giàu truyền thống cách mạng
Phú Yên là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có bề dày lịch sử và giàu truyền thống cách mạng, đồng thời là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú của 31 dân tộc anh em. Thời gian qua, tỉnh có nhiều hành động tích cực xây dựng văn hóa trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Chủ trương xây dựng con người phát triển toàn diện và môi trường văn hóa lành mạnh
 
Quán triệt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, Chương trình hành động của Tỉnh ủy Phú Yên số 22 - CTr/TU ngày 17-10-2014 thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định: Chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Phú Yên. Chính vì vậy, cả hệ thống chính trị của tỉnh không ngừng tăng cường tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; giáo dụctruyền thốnggia đình, lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; biên soạn, hướng dẫn và phát hành tài liệu cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập các nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh; triển khai sâu rộng Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh dần nâng cao nhận thức chính trị, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng; có ý thức bảo vệ và xây dựng cộng đồng dân cư; có tinh thần học tập, lao động sáng tạo, thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Phú Yên thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 447 trường học thuộc các bậc học, cấp học; 8 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp, 4 trung tâm và 12 cơ sở tin học - ngoại ngữ, 112 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Phong trào khuyến học diễn ra khá sôi nổi, thu hút được đông đảo các trí thức cũng như các cán bộ và nhân dân tham gia, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự nghiệp trồng người Phú Yên ngày càng phát triển. Đó chính là những nhân tố quan trọng để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức và giành được những kết quả nhất định trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
 
Công tác xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh được triển khai dưới rất nhiều hình thức gắn kết với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ xây dựng các thiết chế văn hóa đến phát động các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa; thôn, buôn, khu phố văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa; phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; các hội thi, hội diễn nghệ thuật được triển khai mạnh mẽ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 87,06% số hộ được công nhận gia đình văn hóa (trong đó dẫn đầu là huyện Tuy An với số hộ gia đình văn hóa đạt 92,14%, tiếp đến là thị xã Sông Cầu đạt 91,96%); có 69% thôn, buôn, khu phố và 30,35% xã, phường, thị trấn được công nhận danh hiệu văn hóa; 86% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Ngoài ra, Phú Yên còn triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cùng các hoạt động biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu các cấp, phong trào xây dựng gia đình, dòng họ khuyến học, xây dựng xã hội học tập, nhằm giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh trong mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị và cộng đồng, đồng thời góp phần nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho nhân dân, xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế.
 
Các thiết chế văn hóa luôn được Phú Yên quan tâm đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh có 60 nhà văn hóa, 1 thư viện cấp tỉnh, 8 thư viện cấp huyện, thị xã, 293 thư viện cấp cơ sở với 496 phòng đọc sách, 258 tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan, 78 bưu điện văn hóa xã; nhiều xã, phường, thị trấn có khu sinh hoạt văn hóa - thể thao, có sân khấu ngoài trời kiên cố, được trang bị âm thanh, ánh sáng; đáp ứng những hoạt động văn hóa, sinh hoạt và học tập ở cơ sở. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12-01-1998 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những kết quả quan trọng. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” được đẩy mạnh. Hoạt động báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản, phát thanh truyền hình tiếp tục được quy hoạch, sắp xếp lại. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh được đầu tư xây dựng với trang thiết bị tương đối hiện đại; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình. Đặc biệt, đài còn xây dựng 5 chương trình phát thanh tiếng dân tộc Ê-đê và Chăm, phát sóng 10 lần/tuần, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần làm phong phú thêm sự hưởng thụ thông tin và văn hóa của các tầng lớp nhân dân; từ đó tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Nỗ lực bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa
 
Phú Yên là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa với nét đặc sắc là sự đan xen, giao thoa và hòa hợp của nền văn hóa Việt - Chăm. Nơi đây còn lưu giữ bộ đàn đá và cặp kèn đá có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 năm cùng nhiều danh thắng, như Tháp Nhạn, chùa Đá Trắng, núi Đá Bia gắn liền với huyền thoại vua Lê Thánh Tông một thời mở cõi, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, gành Đá Dĩa, Mũi Điện,… và nhiều di tích lịch sử cách mạng, như nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Phú Yên; nhà thờ Bác Hồ, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Vũng Rô gắn với những chiến công của đoàn tàu không số trong kháng chiến chống Mỹ… Phú Yên còn có nhiều lễ, hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc cũng như nhiều hoạt động văn hóa cùng lễ hội tưởng niệm các danh nhân lịch sử, như lễ hội Lương Văn Chánh, lễ hội Lê Thành Phương, hội thơ nguyên tiêu, hội đua thuyền đầm Ô Loan, hội đua thuyền sông Chùa…
 
Trên cơ sở xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa, con người thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hằng năm, Phú Yên đều tổ chức đầu tư tôn tạo, trùng tu nhiều di tích lịch sử. Tháng 2 - 2012, Phú Yên đã khánh thành và đưa vào hoạt động công trình bảo tàng tỉnh với tổng kinh phí đầu tư gần 97 tỷ đồng. Đây là nơi trưng bày giới thiệu những hiện vật gắn với lịch sử hình thành, phát triển của đất và người Phú Yên qua các thời kỳ. Với hai phần trưng bày trong nhà và ngoài trời cùng nhiều hiện vật và các mô hình kiến trúc dân gian truyền thống, các di sản văn hóa vật thể tiêu biểu của địa phương, đồng thời là không gian tổ chức trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể, bảo tàng Phú Yên được kỳ vọng là một địa chỉ văn hóa đặc sắc, không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức tiếp nối truyền thống vẻ vang trong mỗi người dân Phú Yên. Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống của tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển; nhiều làn điệu dân ca, tuồng, bài chòi cổ được phục hồi, biểu diễn và thu hình phát sóng. Nhiều hình ảnh, tư liệu được sưu tầm, dàn dựng và chuyển thể thành các tác phẩm nghệ thuật. Việc triển khai dạy hát dân ca trong một số trường học cũng như một số lễ hội văn hóa dân gian được duy trì và phát triển. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức theo định kỳ lễ hội tưởng niệm các danh nhân lịch sử Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương; các lễ hội văn hóa, thể thao miền biển, sông nước; lễ hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số; triển khai Đề án khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống, nhằm khơi dậy các giá trị văn hóa đặc sắc, gắn kết với phát triển du lịch theo hướng bền vững, góp phần vào sự ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Hiện nay, Phú Yên đang tập trung xây dựng hồ sơ về bộ đàn đá, cặp kèn đá và phối hợp với các tỉnh miền Trung triển khai xây dựng hồ sơ khoa học nghệ thuật bài chòi dân gian để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
 
Song song với đó, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng và gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi cùng các chương trình 134, 135 và 30, 30A của Chính phủ. Tỉnh đã tổ chức dạy tiếng Ê-đê cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cán bộ, công chức công tác ở các huyện miền núi; tổ chức tốt Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc trên địa bàn tỉnh; phục dựng lễ cưới theo nghi thức truyền thống của người Chăm H’roi, lễ đâm trâu ở Phú Yên; duy trì các lễ hội truyền thống (lễ vào nhà mới, lễ mừng được mùa, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, lễ cúng vòng đời...), khôi phục nghề thủ công truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ, trang phục truyền thống và các loại dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hoạt động trên cũng được xã hội hóa cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cùng với các cơ sở văn hóa của Nhà nước, hàng trăm tổ chức dịch vụ văn hóa tư nhân, các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật ở Phú Yên được thành lập và hoạt động đúng định hướng của Đảng, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng văn hóa địa phương.
 
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong tương lai
 
Qua hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa, số lượng và chất lượng các hoạt động văn hóa cơ sở ở Phú Yên ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cấp ủy đảng ở Phú Yên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu quan tâm đến lĩnh vực văn hóa; công tác quản lý nhà nước về văn hóa còn bộc lộ nhiều hạn chế; việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, công tác xây dựng đời sống văn hóa chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên; việc khai thác, sử dụng các công trình văn hóa ở một số nơi chưa hiệu quả. Do vậy, để hoàn thành được mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Phú Yên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 có 90 - 95% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; hơn 80% số xã, thị trấn có Nhà văn hóa và khu thể thao; 70% số thôn, buôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 55 - 60% người dân sử dụng in-tơ-nét; có 80% di tích cấp quốc gia, 50% di tích cấp tỉnh được trùng tu, tôn tạo; 80 - 90% số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có các thiết chế văn hóa, thể thao thiết yếu; phủ sóng truyền hình số mặt đất đạt 80% địa bàn dân cư, Phú Yên xác định cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, cụ thể là:
 
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh về yêu cầu xây dựng phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn cách mạng mới. Đẩy mạnh việc thực thi pháp luật và các chính sách về phát triển văn hóa trong toàn xã hội. Khơi dậy sức sáng tạo, sự chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa; tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và thực hiện quyền làm chủ của mình, nhất là trong hoạt động sáng tạo văn hóa.
 
Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng về nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Phú Yên; thể chế hóa nghị quyết của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chú trọng xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh trong các tổ chức Đảng, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.
 
Thứ ba, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó chú trọng gắn kết nội dung xây dựng gia đình văn hóa; làng, thôn, buôn, khu phố văn hóa với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, phát triển lực lượng văn nghệ quần chúng. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; kiên trì đấu tranh xóa bỏ các tập tục lạc hậu; giữ gìn, bảo vệ môi trường văn hóa, môi trường thiên nhiên.
 
Thứ tư, chú trọng xây dựng các đề án/dự án khôi phục, bảo tồn, phát triển một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống đặc sắc của Phú Yên có nguy cơ mai một, như tuồng, dân ca, bài chòi, hò khoan và một số loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số, như hát sử thi (hát khan), aray (một thể loại hát dân ca trữ tình, hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Ê-đê), hơ mon (hát kể sử thi)… Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đoàn nghệ thuật, câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống ngoài công lập đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đầu tư xây dựng một số chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng có chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân và hội nhập quốc tế. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tôn vinh, trọng dụng và phát huy tài năng của các văn nghệ sĩ, nghệ nhân có nhiều cống hiến cho đất nước, cho tỉnh, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích nhân dân sáng tạo, trao truyền, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
 
Thứ năm, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa; phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ quản lý của tỉnh có trình độ đại học hoặc trên đại học chuyên ngành văn hóa, thể dục - thể thao, du lịch; 80% cán bộ chuyên ngành văn hóa có trình độ đại học hoặc trên đại học, 20% có trình độ cao đẳng, trung cấp. Mở rộng công tác liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong nước và các cơ quan, đơn vị liên quan ở Trung ương nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Thứ sáu, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ, hiến tặng, đóng góp nguồn lực cho hoạt động văn hóa. Khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế với các đơn vị công lập để khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình văn hóa công cộng của tỉnh. Gắn kết hoạt động văn hóa với phát triển du lịch bền vững; đầu tư xây dựng làng văn hóa - du lịch buôn La Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh); thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân); đầu tư tôn tạo khu căn cứ địa cách mạng tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ gắn với khu di tích lịch sử quốc gia nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hoà) thành điểm du lịch văn hóa, du lịch về nguồn, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. 
Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 106
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.352
account_box Trong năm: 23.975
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.295