PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN Ở TỈNH PHÚ YÊN: Thực trạng và giải pháp

Cập nhật lúc:   17:05:43 - 04/01/2018 Số lượt xem:   4743 Người đăng:   Administrator
Tàu bốc xếp hàng hóa ở cảng Vũng Rô. Ảnh: CTV Tàu bốc xếp hàng hóa ở cảng Vũng Rô. Ảnh: CTV
Trong thời gian qua kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã đạt được những kết quả khá quan trọng, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có, ...
Trong thời gian qua kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã đạt được những kết quả khá quan trọng, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, … nên cuộc sống người dân tại các xã ven biển còn rất khó khăn. Vì vậy, việc nghiên cứu để “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển”1 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI là hết sức cần thiết và có ý nghĩa. 
 
Phú Yên nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ có đường bờ biển dài 189km bắt đầu từ Xuân Hải (thị xã Sông Cầu) đến Vũng Rô (huyện Đông Hoà), diện tích vùng biển và ven biển khoảng 34 nghìn km2, gần đường hàng hải quốc tế, là một trong những cửa ngõ quan trọng phía biển Đông đối với các tỉnh Tây Nguyên và nước bạn (Nam Lào, Đông Bắc Campuchia) có quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 25 nối Gia Lai, quốc lộ 29 nối Đắc Lắc, có cảng biển Vũng Rô, sân bay Tuy Hoà.
 
Với diện tích vùng biển và ven biển tỉnh Phú Yên có khoảng 34 nghìn km2, nằm trong vùng biển đa dạng về hải sản với khoảng 500 loài cá, 38 loài tôm, 15 loài mực và các loài hải sản khác như sò, điệp... Dọc bờ biển có nhiều đầm, vịnh, cửa sông lớn với diện tích mặt nước hơn 15.000 ha; cùng với hơn 2.000 ha đất ngập mặn ven biển. Vì vậy, đây là ngư trường rộng lớn, là môi trường thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt nhiều loài có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, sò huyết, cá mú,...
 
Đồng thời với khả năng khai thác và nuôi trồng thủy sản lớn2, đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển một số lĩnh vực chế biến như: Chế biến thủy sản đông lạnh, chế biến thủy sản khô, tẩm sấy, chế biến nước mắm, các món ăn đặc sản phục vụ cho xuất khẩu và nhu cầu khách du lịch … Ngoài ra, còn có thể phát triển một số lĩnh vực phục vụ cho khai thác và nuôi trồng thủy sản như: Nghề đóng mới - sửa chữa tàu thuyền, ngư lưới cụ, dịch vụ cảng cá.
 
Với đường bờ biển dài 189km, có nhiều đầm, vịnh, bãi tắm đẹp tự nhiên; vùng ven biển Phú Yên còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử và các lễ hội đặc sắc của ngư dân, tạo nên những nét văn hoá riêng rất thuận lợi phát triển du lịch tổng hợp, nhất là du lịch biển.
 
Trong lĩnh vực phát triển cảng biển và dịch vụ hàng hải ở Phú Yên có nhiều tiềm năng và lợi thế, bởi vì dọc bờ biển Phú Yên có các vũng, vịnh kín gió, là nơi trú ngụ tốt cho các tàu thuyền, đặc biệt vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, Vũng Rô có mặt bằng rộng và nhiều điều kiện thuận lợi phát triển cảng, công nghiệp cảng và các dịch vụ hàng hải. Với số dân hơn 500.000 người đang sinh sống ở các vùng ven biển và đảo (chiếm hơn 56% dân số toàn Tỉnh), tổng số lao động làm nghề cá (khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần) chiếm 10% dân số cả Tỉnh; chất lượng không ngừng tăng lên. Đây là một nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định kết quả khai thác tiềm năng nguồn lợi biển… Với tính chất quan trọng như vậy, cho nên ngày 29/8/2008 tại Quyết định số 122/2008/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020 đã xác định: Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ là cửa ngõ hướng biển của vùng Tây Nguyên cũng như là động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của tỉnh Phú Yên mà còn là của dải ven biển miền Trung; là không gian chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ, đóng vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng.
 
Trong thời gian qua, kinh tế biển ở Phú Yên đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần vào sự nghiệp phát triển quê hương đất nước, như: Về khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản: Trong giai đoạn 2010 – 2015, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 5,3%/ năm, ngành thuỷ sản đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh, riêng năm 2014 đóng góp 35,8% tổng giá trị xuất khẩu). Sản lượng khai thác bình quân khoảng 48.300 tấn/năm, trong đó cá ngừ đại dương khoảng 5.000 tấn/năm3. Năng lực khai thác thủy sản được tăng cường, đội tàu đánh bắt xa bờ phát triển đáng kể, ngư trường khai thác được mở rộng. Năm 2015, toàn tỉnh có 6.000 tàu thuyền, trong đó tàu công suất từ 90CV trở lên có 1.000 chiếc, tăng 47% so với năm 2011 (680 tàu).
 
Với diện tích nuôi trồng thủy sản bình quân khoảng 2.900 ha/năm, cho nên trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thu hút được nhiều thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, Phương thức nuôi trồng đã chuyển đổi theo hướng thâm canh công nghiệp mới (những năm trước đây phương thức nuôi trồng thủy sản còn chủ yếu là nuôi quảng và quảng canh cải tiến; đến nay, phần lớn là nuôi bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp), một số công nghệ mới bước đầu được áp dụng, hình thành cơ cấu nuôi trồng đa dạng. với nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, cá mú, sò huyết, vẹm xanh…, sản lượng đạt 9.700 tấn/năm.
 
 
Cá ngừ đại dương về bến Tuy Hòa, sau chuyến ra khơi dài ngày. Ảnh: CTV
Đối với lĩnh vực chế biến thủy hải sản đang được đầu tư, phát triển mở rộng. Hiện toàn tỉnh có 06 cơ sở chế biến thuỷ sản xuất khẩu có quy mô vừa, hàng năm sản lượng chế biến xuất khẩu khoảng 4.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 33 triệu USD/năm, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu là: tôm, cá, mực đông lạnh… đã góp phần tăng thêm giá trị của sản phẩm thủy sản và tạo động lực phát triển ngành thuỷ sản theo chuỗi giá trị, cải thiện nâng cao thu nhập của các cộng đồng ngư dân.
 
Đối với du lịch biển có bước chuyển biến tích cực, Lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu thuyền đã đáp ứng cơ bản nhu cầu cho bà con ngư dân. Toàn tỉnh có 28 cơ sở đóng sửa chữa tàu cá, trong đó có 18 cơ sở có đăng ký kinh doanh, hiện nay có 02 cơ sở đáp ứng được yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá (công suất máy chính từ 400 CV trở lên) quy định.
 
Hiện có 01 dự án lọc hóa dầu đang tích cực triển khai (dự án lọc hóa dầu Vũng Rô công suất 8 triệu tấn/năm, đã giao mặt bằng và tổ chức động thổ giai đoạn I. Đây là dự án lớn của tỉnh Phú Yên, đồng thời là một trong những dự án lọc hóa dầu lớn của nước ta.) Và hiện nay lãnh đạo các cấp, các ngành đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Công tác khuyến công, khuyến ngư để ứng dụng các công nghệ tiên tiến để phục vụ sản xuất cho các ngành kinh tế biển được chú trọng.
 
Với ưu thế kinh tế biển ở Phú Yên hiện có nhưng trong hoạt động vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Chưa thật sự bền vững, còn xuất hiện nhiều yếu tố bấp bênh, tự phát. Sản lượng khai thác, công nghệ bảo quản cá ngừ và một số đối tượng thủy sản đánh bắt vùng khơi có xu hướng sụt giảm so với các tỉnh lân cận. Trong nuôi trồng thủy sản dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Sản lượng thủy sản được chế biến tỷ lệ còn thấp, công nghệ chế biến còn lạc hậu, giá trị thủy sản xuất khẩu có xu hướng giảm dần5. Ngành du lịch biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Kết cấu hạ tầng các khu du lịch chưa đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đơn điệu, nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế. Tài nguyên du lịch biển phong phú, đa dạng nhưng chưa khai thác hiệu quả. Kinh tế đảo có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác có hiệu quả. Quy mô các cảng biển còn nhỏ so với nhu cầu và tiềm năng có thể khai thác, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền chưa theo kịp với yêu cầu. Các dịch vụ hàng hải chưa phát triển. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nguồn lao động chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển. Cơ cấu ngành nghề của người lao động chưa hợp lý, chưa có các chuyên gia đầu ngành đối với các ngành mũi nhọn. Việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa thật sự là động lực cho sự phát triển. Công nghệ trong khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản còn lạc hậu.
 
Việc áp dụng những thành tựu khoa học thế giới vào sản xuất con giống, thức ăn và các giải pháp phòng trị bệnh còn hạn chế.
 
Để kinh tế biển ở tỉnh Phú Yên phát triển hơn nữa cần có một số giải pháp sau:
 
- Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế vùng biển và ven biển.
 
- Hoàn thiện quy hoạch kinh tế - xã hội các địa phương ven biển và quy hoạch các ngành có liên quan, gắn quy hoạch với vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường biển.
 
- Huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đa dạng mọi nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế biển. Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư triển khai thực hiện.
 
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nghề cho người lao động, trong đó tập trung các ngành nghề: đánh bắt, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản, du lịch biển… Gắn với chuyển giao kỹ thuật và quy trình sản xuất tiên tiến; hình thành đội ngũ các chuyên gia trong mọi lĩnh vực, đồng thời quan tâm thu hút các nguồn chất xám từ bên ngoài.
 
- Nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các loại sản phẩm. Tập trung vào nghiên cứu chọn tạo, chuyển giao và tổ chức sản xuất giống thủy sản có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao; ứng dụng công nghệ và trang thiết bị tiên tiến vào nuôi trồng, khai thác hải sản nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra, tăng hiệu quả khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
 
- Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tăng mức đầu tư kết cấu hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản chủ lực, vùng sản xuất muối, nâng cấp và xây dựng mới các dự án kết cấu hạ tầng phục vụ đánh bắt thủy sản; tập trung lập quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hạ tầng phục vụ Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô.
 
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa và thị trường nước ngoài; tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực Duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên trong phát triển các lĩnh vực, nhất là du lịch.
 
- Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người sản xuất đã được nhà nước ban hành; xây dựng và ban hành mới các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất một số lĩnh vực mũi nhọn. Tổ chức lại sản xuất hợp lý, khuyến khích, thu hút đầu tư và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả trên biển cũng như gắn giữa biển và bờ. Hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về các lĩnh vực kinh tế biển 
 
Chú thích:
 
1. Đảng bộ tỉnh Phú Yên, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI, tr. 61.
 
2. Tổng trữ lượng cá khoảng 46.000 tấn, trữ lượng cho phép khai thác khoảng 35.000 tấn/năm.
 
3. Đảng bộ tỉnh Phú Yên, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI, tr. 13.
 
4. Đã xây dựng tuyến đường động lực ven biển từ TP. Tuy Hòa đến gành Đá Dĩa, từ TP. Tuy Hòa đi Bãi Môn – Vũng Rô, đường Độc Lập đến làng du lịch Quốc tế ven biển TP Tuy Hòa.
 
5. Giá trị thủy sản xuất khẩu giảm từ 40,1 triệu USD năm 2010 xuống còn 32,6 triệu USD năm 2014. 
Link 
ThS. Huỳnh Văn Thuấn
Phó Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu,
Trường Chính trị tỉnh Phú Yên
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 74
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.320
account_box Trong năm: 23.943
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.263