Nền tảng giúp kinh tế hộ gia đình nông nghiệp phát triển bền vững

Cập nhật lúc:   15:08:18 - 26/09/2017 Số lượt xem:   1030 Người đăng:   Administrator
Mô hình sản xuất áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM ở HTX Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) . Ảnh: MINH DUYÊN Mô hình sản xuất áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM ở HTX Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) . Ảnh: MINH DUYÊN
Từ thành công của các vụ sản xuất trước, vụ hè thu năm 2016, các Hợp tác xã (HTX) tiếp tục phối hợp
Từ thành công của các vụ sản xuất trước, vụ hè thu năm 2016, các Hợp tác xã (HTX) tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để triển khai các mô hình sản xuất lúa chất lượng, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ thành viên HTX nông nghiệp phát triển bền vững. 

Thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp đã phối hợp với trạm khuyến nông các huyện trình diễn các mô hình sản xuất lúa ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Ông Trần Văn Trinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), cho biết: Vụ hè thu 2016, tại đơn vị, mô hình sản xuất lúa ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM được triển khai trên diện tích 2ha, giống ML213, thu hút 30 nông dân tham gia. Trong đó, 1ha được người dân canh tác theo cách truyền thống và 1ha còn lại áp dụng kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp. Nhờ giảm tối đa lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí của ruộng mô hình giảm so với ruộng đối chứng nên cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2,5 triệu đồng/ha.

Tại HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa An Tây (huyện Phú Hòa), trong vụ hè thu 2016, đơn vị này triển khai mô hình giảm lượng giống gieo sạ gắn với kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa. Ông Đặng Minh Nghĩa, Giám đốc HTX, cho biết: 15ha ruộng mô hình được sử dụng giống ĐV108 đã thu hút 76 thành viên HTX tham gia. Ruộng mô hình chỉ sử dụng lượng giống 4kg/sào, trong khi ruộng của bà con từ 9-11kg/sào. Ruộng mô hình cho năng suất từ 70-80 tạ/ha/vụ, cao hơn 3-5 tạ/ ha/vụ so với ruộng thường. Nhờ giảm lượng giống gieo sạ, giảm công chăm sóc nên hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1-2 triệu đồng/ha/vụ.

Đưa lúa lai lên đất núi nhằm nâng cao sản lượng là mục đích của mô hình lúa lai tại HTX Nông nghiệp dịch vụ thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa). Theo Giám đốc HTX Nguyễn Văn Yên, vụ hè thu này là lần đầu tiên đơn vị làm mô hình lúa lai với loại giống TH3-3 trên diện tích 5ha. Hiện năng suất ruộng mô hình đạt trên 77 tạ/ha, cao hơn năng suất ruộng đại trà hơn 4 tạ/ ha. Lợi nhuận bình quân của ruộng mô hình trên 25,8 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình gần 3,8 triệu đồng/ha. Từ đây, HTX sẽ nhân rộng việc sử dụng lúa lai làm lúa giống cho các vụ sản xuất sau.

Tại huyện Tây Hòa, mô hình cánh đồng liên kết với doanh nghiệp giúp tiêu thụ lúa sau thu hoạch cho các hộ thành viên được triển khai tại một số HTX nông nghiệp. Ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, cho biết: Vụ hè thu 2016, đơn vị phối hợp với Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina, Phòng NN-PTNT huyện trình diễn mô hình cánh đồng canh tác bằng phân hữu cơ trên diện tích 10ha, sử dụng giống nguyên chủng ML48, với 89 hộ thành viên tham gia. Mô hình này nằm trong chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm nên sau thu hoạch người dân bán lúa cho công ty với giá 1kg lúa tươi bằng 1kg lúa khô. Ngoài ra, khi tham gia mô hình, các hộ thành viên còn được Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa hỗ trợ 100% giống gieo sạ cấp nguyên chủng và Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina ứng trước 100% phân bón.

Nhờ mô hình, nhiều thành viên HTX được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới, giúp giảm chi phí đầu vào. Ông Trần Minh Hùng, thành viên HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), cho hay: Gia đình tôi tham gia mô hình trên diện tích 4 sào. Nhờ được học kỹ thuật IPM, tôi đã sử dụng hợp lý phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật cho suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Nhờ đó chi phí sản xuất giảm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 1 triệu đồng/4 sào so với cách làm cũ.

Còn theo ông Hoàng Khoa Định ở thôn Phú Ân, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) thì ngày trước với 2 sào lúa, gia đình ông vẫn phải dùng tới hơn 20kg lúa để gieo sạ nhưng nay chỉ cần dùng 8kg, giảm được 12kg mà năng suất lúa lại cao hơn. “Lúc đầu mới làm tôi cũng sợ năng suất lúa giảm, vì từ trước tới nay mình vẫn quen cách canh tác cũ, khó mà thay đổi ngay. Được HTX và cán bộ nông nghiệp hướng dẫn tận tình, tôi an tâm làm. Giờ tôi rất mừng vì hiệu quả kinh tế hơn hẳn”, ông Định nói.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, chia sẻ: Xây dựng mô hình sản xuất lúa tại các HTX là kênh hiệu quả trong việc đưa kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất. Đồng thời đây là cách chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ các HTX để các đơn vị này triển khai sâu rộng tới các hộ nông dân trên địa bàn. 
Minh Duyên
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 24
accessibility Hôm qua: 80
account_circle Trong tháng: 275.178
account_box Trong năm: 23.801
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.121