Cách mạng tháng Tám 1945 ở Phú Yên và những bài học kinh nghiệm cho sự phát triển kinh tế - xã hội ngày nay

Cập nhật lúc:   17:29:30 - 04/01/2018 Số lượt xem:   5936 Người đăng:   Administrator
Đoàn quân Nam tiến lên đường vào Nam chiến đấu, 11-10-1945. Ảnh: Tư liệu Đoàn quân Nam tiến lên đường vào Nam chiến đấu, 11-10-1945. Ảnh: Tư liệu
1. Sự chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Phú Yên Từ sau ngày 9-3-1945,
1. Sự chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Phú Yên
Từ sau ngày 9-3-1945, lợi dụng tình hình không ổn định, một số tù chính trị ở Trà Kê đã ra khỏi tù và hoạt động tại Phú Yên như Bùi Công Trừng, Hà Huy Giáp. Họ tiếp xúc, trao đổi tình hình, phổ biến chủ trương của Đảng với một số đảng viên, trí thức đang hoạt động ở Tuy Hòa gồm Đinh Nho Khôi, Đinh Nho Bát, Nguyễn Ái, Nguyễn Tiếm, Nguyễn Chính, Nguyễn Văn Nguyên. Cùng thời gian này, Trần Suyền là sinh viên đang học tại Hà Nội về Tuy Hòa tuyên truyền nội dung Báo Cứu quốc và bản diễn ca chương trình Việt Minh. 
 
Tháng 4-1945, ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh Phú Yên được thành lập, Đinh Nho Khôi làm thư ký. Như vậy, từ tháng 4-1945, đường lối cứu nước của Mặt trận Việt Minh đã đến Phú Yên, tuy nhiên chưa phát triển sâu rộng trong quần chúng cả tỉnh mà chỉ tuyên truyền trong phạm vi khu Tuy Hòa.
 
Từ ngày 15 đến ngày 20-5-1945, gần 300 chiến sĩ cộng sản thoát khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột trở về các tỉnh Trung Kỳ, tham gia phong trào cách mạng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. ở Phú Yên, có các đồng chí Trương Kiểm, Lê Cấp, Đoàn Sơ và Hoàng Văn Phúc, được đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực trong Đảng ủy nhà tù Buôn Ma Thuột phân công về hoạt động ở Phú Yên. Những người từ nhà tù Buôn Ma Thuột trở về đều đã tiếp thu chủ trương đấu tranh của Mặt trận Việt Minh và họ đã cùng cán bộ, trí thức yêu nước trong nhóm Đinh Nho Khôi ở Tuy Hòa tiến hành cuộc vận động cách mạng.
 
Đây là cơ hội để các cán bộ, đảng viên cả tỉnh hoạt động trở lại sau thời gian mất liên lạc, chờ đợi. Một số cán bộ cốt cán của tỉnh ra khỏi tù về Phú Yên tham gia hoạt động trên quê hương mình. Tuy nhiên lúc này, hoạt động của các cán bộ đảng viên chưa liên hệ với nhau rộng rãi, do đó hình thành các nhóm: Tuy An, Sông Cầu và La Hai, phạm vi hoạt động dần dần được mở rộng ra cả huyện Đồng Xuân. Riêng nhóm ở khu Tuy Hòa đã thành lập ủy ban Việt Minh lâm thời. Bên cạnh đó, ở phủ Tuy Hòa còn có nhóm do Trần Đình San, Vĩnh Mai tổ chức.
 
Việc vận động quần chúng, thống nhất các lực lượng cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa, liên lạc với cán bộ, đảng viên địa phương là công việc đầu tiên của các tù chính trị từ Buôn Ma Thuột về Phú Yên. Họ tiếp xúc với Nguyễn Thái, Nguyễn Văn Nguyên, Huỳnh Lưu và nhóm Việt Minh ở Tuy Hòa.
 
Nội dung chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai:
Thứ nhất, tập trung tuyên truyền giác ngộ quần chúng, phát triển các tổ chức nhanh chóng và rộng khắp tỉnh, vận động quần chúng biểu tình vũ trang.
Thứ hai, phát triển các đơn vị tự vệ và vũ trang cho lực lượng tự vệ.
Thứ ba, chuẩn bị Đại hội Mặt trận Việt Minh để bầu ra ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh. Phổ biến các chủ trương của Tỉnh ủy ở Đại hội Mặt trận Việt Minh.
Thứ tư, dự kiến nhân sự để thành lập ủy ban dân tộc giải phóng  .
 
Sự ra đời của Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên đã chính thức đánh dấu khôi phục trở lại vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản ở Phú Yên. Đây là nhân tố cơ bản và quyết định cho cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Phú Yên giành thắng lợi.
 
Đại diện Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên, đồng chí Trương Chí Cương đã liên lạc được với kỳ bộ Đảng và kỳ bộ Việt Minh Trung Kỳ, từ Quảng Ngãi, đồng chí tiếp nhận được chỉ thị của Đảng “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Lúc này, Việt Minh Phú Yên có cơ sở vững chắc trong các tầng lớp nhân dân giúp sự lãnh đạo phong trào thống nhất, phù hợp với tình hình thay đổi mỗi ngày trong tỉnh, đồng thời theo dõi sự phát triển có lợi cho cách mạng trong nước tác động đến Phú Yên.
 
Không khí khởi nghĩa sục sôi trên phạm vi toàn tỉnh. Nhiều tầng lớp nhân dân trước đây còn lưỡng lự nay đã chuyển hẳn sang hàng ngũ Việt Minh. Chính phủ bù nhìn ở địa phương, các tổ chức trong bộ máy cai trị thực dân, binh lính bảo an đều dao động, ngả về phía cách mạng. Tất cả điều kiện trên đã giúp cho lực lượng Việt Minh Phú Yên phát triển thuận lợi, chuẩn bị cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong tháng Tám năm 1945.
 
2. Khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945
Bước sang tháng 8-1945, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển có lợi cho phong trào cách mạng Đông Dương và Việt Nam. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, điều đó làm quân Nhật ở Đông Dương hoang mang cực độ, chính phủ bù nhìn lo sợ. Lúc này, cách mạng Việt Nam đang chuẩn bị tiến đến những ngày quyết định. Phong trào chống phát xít và bù nhìn tay sai phát triển mạnh. Không khí khởi nghĩa sục sôi trên khắp cả nước.
 
Ở Phú Yên, từ tỉnh, huyện đến xã chính quyền tay sai bị tê liệt hoàn toàn, khí thế cách mạng trong quần chúng nhân dân dâng cao, chờ lệnh khởi nghĩa. Do thông tin liên lạc khó khăn, Phú Yên chưa nhận được kế hoạch khởi nghĩa của Trung ương (14-8-1945), nhưng ủy ban Việt Minh Phú Yên chủ động phát động cuộc biểu tình vũ trang thị uy toàn tỉnh chuẩn bị tiến tới giành  chính quyền.
 
Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh Phú Yên, không khí chuẩn bị khởi nghĩa khẩn trương, sôi nổi của quần chúng cách mạng không chỉ thu hút các tầng  lớp đang còn do dự hay bàng quan trong giai cấp địa chủ, tư sản ngã theo cách mạng mà còn thúc đẩy sự tan rã nhanh chóng bộ máy chính quyền bù nhìn và các tổ chức tay sai thân Nhật. Tại Phú Yên lúc này, đội ngũ quan lại, viên chức, binh lính nằm trong guồng máy cai trị của Pháp đều rệu rã, hoang mang cực độ. Chính phủ bù nhìn thân Nhật mới hình thành chưa ổn định. Nắm được cơ hội này, Việt Minh các cấp đã tuyên truyền, thuyết phục họ làm theo yêu cầu của mình.
Từ ngày 14-8 đến ngày 23-8, các cuộc biểu tình vũ trang thị uy có hàng ngàn người tham gia công khai, được tổ chức ở La Hai, Tuy An, Đồng Bò, đưa phong trào cách mạng lên đỉnh cao chưa từng có.
 
Ngày 20-8-1945, đồng chí Nguyễn Văn Nguyên thư ký ủy ban Việt Minh tỉnh khi biết tin Nhật đầu hàng quân đồng minh đã huy động lực lượng từ Đồng Xuân về Sông Cầu chuẩn bị khởi nghĩa.
 
Tối ngày 20-8, tại Chí Thạnh - Tuy An, ủy ban Việt Minh tỉnh nhận định: “Nhật đầu hàng Đồng minh là thời cơ khách quan vô cùng thuận lợi để chúng ta tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, nếu chậm trễ sẽ không còn cơ hội. Khởi nghĩa là nhiệm vụ cực kỳ trọng đại, là đỉnh cao của bạo lực cách mạng, khởi nghĩa phải có lực lượng mạnh, cùng đồng thời với cả nước”.
 
 
Các đoàn dân công tiếp tế chiến trường ở ga La Hai sau Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: nguồn Báo Phú Yên
Ở La Hai, Sông Cầu, Gò Dúi, Hòa Bình, Hòa Đa, ủy ban Việt Minh tổ chức mít tinh nêu mục đích và ý nghĩa của khởi nghĩa cướp chính quyền được tuyên truyền và lan ra khắp toàn tỉnh, quần chúng hưởng ứng, xung phong đi về tỉnh lỵ.
 
Sau các cuộc biểu tình mạnh mẽ và quyết liệt của quần chúng nhân dân toàn tỉnh, phát xít Nhật ở Phú Yên bị cô lập hoàn toàn. Sáng ngày 22-8- 1945, chúng gấp rút chuyển quân vào Nha Trang. ở khu Tuy Hòa, lực lượng lính bảo an đã theo Việt Minh, quân Nhật không dám chống cự, giữ thái độ trung lập rút về cố thủ sở đường Đồng Bò và núi Nhạn Tháp.
 
Tại Tuy An, ngày 22-8-1945, từ sáng sớm, ủy ban Việt Minh tổ chức biểu tình ở Chí Thạnh gồm các tổng phía Bắc và một cuộc biểu tình khác ở Hòa Đa - Chợ Xổm với lực lượng tham gia 2000 người có trang bị gậy gộc, giáo mác tiến về phủ, uy hiếp chính quyền tay sai địa phương.
 
Tại phủ và khu Tuy Hòa, ngày 23-8-1945, cuộc biểu tình do Đinh Nho Khôi tổ chức liên kết với lực lượng của Lê Duy Trinh, Nguyễn Chấn, Trần Đình San. Lực lượng quần chúng ở khu Tuy Hòa tham gia đông đảo. Lúc đầu Việt Minh tập trung ở sân bay Tuy Hòa sau đó lan tỏa khắp phủ. Chính phủ bù nhìn từ xã đến phủ huyện đều bị tê liệt, một  số tay sai thân Nhật bỏ trốn, nhiều chức sắc đi tìm Việt Minh để giao nộp chính  quyền.
 
3. Vận dụng tinh thần Cách mạng Tháng Tám 1945 vào xây dựng và phát triển quê hương
Trước bối cảnh đổi mới, Phú Yên tiếp tục khẳng định được vai trò và sức sống mãnh liệt của thành công Cách mạng Tháng Tám và vận dụng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội cùng với khu vực Nam Trung Bộ và cả nước tiến lên.
 
Một là, chủ động hội nhập thay đổi mới của nền kinh tế đất nước và quốc tế, từng vùng miền trong nước tự xây dựng định hướng phát triển riêng cho mình. Tỉnh Phú Yên đang sử dụng hiệu quả những nguồn lực tại chỗ để khai thác như: các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống; các khu công nghiệp lớn nhỏ xuất hiện tạo sản phẩm công nghiệp cho đất nước và xuất khẩu; các khu du lịch thu hút khách tham quan… nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ ở Phú Yên đã giải quyết việc làm cho nhân dân trong vùng…
 
Thứ hai, biết phát huy lợi thế, sức mạnh của mình từ vị trí địa lí, đặc thù kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp và đặc biệt là nguồn nhân lực dồi dào. Khu vực này dần dần trở thành địa chỉ mới trong giao lưu, hội nhập với các khu vực khác trong nước như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Bắc. Quá trình đô thị hóa ngày một mạnh mẽ, vùng nông thôn chuyển biến mạnh, đời sống và sinh hoạt người dân ngày một đổi mới.
Thứ ba, tiếp thu và vận dụng phù hợp các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và xây dựng định hướng phát triển mỗi tỉnh, biết kế thừa nguồn vốn (tự nhiên và xã hội) có sẵn của từng địa phương. Những kinh nghiệm, bài học được rút ra ở mỗi giai đoạn đổi mới, Đảng bộ năng động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân để khai thác hiệu quả kinh tế địa phương: Trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và hoạt động thương mại, đối với Phú Yên, công nghiệp còn non yếu hơn các vùng khác trong nước, song những năm gần đây, lĩnh vực được chú trọng và có hướng phát triển nhanh. Như xây dựng những khu công nghiệp như Hòa Hiệp, Sông Cầu và sân bay Tuy Hòa… Từ năm 2008 đã có chủ trương chấp nhận 52 dự án, trong số đó có 48 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án nước ngoài. Cấp giấy chứng nhận cho 5 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 248,6 tỉ đồng và 6 dự án nước ngoài với 5 tỉ USD.
 
Thứ tư, liên kết vùng miền, để hình thành và phát triển thành vùng kinh tế đủ lực hội nhập cả nước và quốc tế đang xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng,  hệ thống giao thông hiện đại… nhằm thu hút sự đầu tư từ bên ngoài. Nắm bắt cơ hội, tiếp nhận những kỹ thuật hiện đại trong quá trình sản xuất, song không xóa bỏ những ngành nghề truyền thống mà ứng dụng kỹ thuật và phát triển nó. Tiếp cận với xu hướng đổi mới trên nhiều lĩnh vực trên cơ sở biết bảo vệ bản sắc, truyền thống văn hóa.
 
Thứ năm, phát triển kinh tế gắn với chuyển biến đời sống xã hội. Nhiều đô thị bắt đầu phát triển mạnh cơ sở hạ tầng và đa dạng hoá các ngành kinh tế, khiến mức độ tập trung dân cư tăng nhanh, hình thành nhu cầu khách quan mở rộng và nâng cấp đô thị.
Biết vận dụng sáng tạo chủ trương đổi mới của Đảng và phát huy sức mạnh, tinh thần đoàn kết, nhất trí của toàn dân cùng với sự năng động của vùng đất và con người Phú Yên tăng cường khai thác tiềm năng và thế mạnh của mình để diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh được cải thiện, phát triển ngày càng rõ nét 
Link  
TS. NGUYỄN VĂN THƯỞNG
Đại học Phú Yên
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 103
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.349
account_box Trong năm: 23.972
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.292