Phát triển nông nghiệp Phú Yên theo hướng bền vững

Cập nhật lúc:   15:10:15 - 26/09/2017 Số lượt xem:   3861 Người đăng:   Administrator
Mô hình sản xuất lúa chất lượng TBR45 tại xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Anh: CTV Mô hình sản xuất lúa chất lượng TBR45 tại xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Anh: CTV
1. Tiềm năng phát triển nông nghiệp của Phú Yên Phú Yên có điều kiện địa lý - tự nhiên thuận lợi
1. Tiềm năng phát triển nông nghiệp của Phú Yên
 
Phú Yên có điều kiện địa lý - tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững. Tổng diện tích tự nhiên là 506.057,23 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 136.185,37 ha; đất đai màu mỡ, chủ yếu là đất phù sa, với diện tích 33.396 ha. Bên cạnh đó, diện tích đất đồi, rừng rộng lớn, trong đó có 11.279 ha đất mùn vàng đỏ thích hợp cho phát triển cây công nghiệp và đồng cỏ chăn nuôi gia súc. 
 
Đồng thời, với bờ biển dài 189 km, 16.000ha đầm, vịnh và 4.500ha diện tích mặt nước ngọt; vùng biển khai thác có hiệu quả lên đến 6.900km2 với nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp cho phát triển ngành nuôi trồng và đánh bắt thuỷ, hải sản.
 
Ngoài ra, với sự đầu tư của tỉnh, hệ thống thủy lợi ở Phú Yên hiện nay đã được kiên cố hóa, chủ động tưới tiêu cho phần lớn diện tích nông nghiệp. Hệ thống giao thông phát triển tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, có đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không tạo ra sự liên kết giữa Phú Yên với cả khu vực kinh tế trọng điểm Miền Trung – Tây Nguyên, đưa Phú Yên trở thành “cửa ngõ” phía Đông của Tây Nguyên; cùng với Khánh Hòa, hình thành khu kinh tế Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa làm động lực phát triển cho tỉnh.
 
2. Tình hình phát triển nông nghiệp của Phú Yên giai đoạn 2011 – 2015
 
Trong những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được chú trọng đầu tư, có bước phát triển ổn định và khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,3% năm. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 15,9% lên 19%, thủy sản tăng từ 32,5% lên 35,4%, lâm nghiệp giảm từ 1,4% xuống 1,2%, trồng trọt giảm từ 46,6% xuống 39,4%.
 
Trồng trọt tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,4%/ năm. Năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ lực của tỉnh tăng khá. Giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị diện tích trồng trọt đến cuối năm 2015 đạt 70 triệu đồng/ha, tăng gấp 1,4 lần. Lúa 2 vụ phát triển ổn định với diện tích khoảng 50.000 ha, sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm đạt 387.000 tấn; mía, sắn, cao su phát triển tập trung, quy mô lớn gắn với các nhà máy chế biến, năng suất, sản lượng ngày càng tăng.
 
Chăn nuôi tiếp tục phát triển tương đối ổn định với tốc độ tăng trưởng 6,2%/năm, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên; đã hình thành một số mô hình chăn nuôi trang trại, nuôi công nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả.
 
Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường. Thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh với quy mô khá lớn, góp phần tạo việc làm, thu nhập cải thiện đời sống nhân dân; trồng mới rừng tập trung bình quân 4.400 ha/năm, độ che phủ của tán rừng toàn tỉnh năm 2015 đạt khoảng 39%.
 
Sản xuất thủy sản ở một số lĩnh vực tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất tăng bình quân 5,1%/năm. Sản lượng đánh bắt thủy sản hàng năm đạt từ 45.000-50.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương đạt từ 4.300 – 6.000 tấn/năm; sản lượng nuôi trồng bình quân đạt khoảng 9.300 tấn/năm, trong đó tôm hùm đạt khoảng 600 – 650 tấn/năm; giá trị sản phẩm thu được trên đơn vị diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 640 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2011.
 
Cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch theo hướng giảm lao động trong nông, lâm, ngư nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc tại khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 54%/tổng lao động xã hội của tỉnh. Tỷ lệ thời gian sử dụng lao động nông thôn được nâng từ 85% năm 2010 lên 88% năm 2015. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nông dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến cuối năm 2015 đạt khoảng 25 triệu đồng/người, tăng hơn 2 lần so với năm 2010.
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm khoảng 8.700 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn được chú trọng đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện bộ mặt nông thôn. Trong 5 năm, đã bê tông hoá hơn 1.800 km đường giao thông nông thôn góp phần nâng tỉ lệ đường nông thôn được bê tông và nhựa hóa lên 70%, tăng 48% so năm 2010. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 17 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 19,3% so với tổng số xã toàn tỉnh), 24 xã đạt từ 05 đến 09 tiêu chí (chiếm 27,3%) và không còn xã đạt dưới 05 tiêu chí.
 
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, yếu kém, đó là: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp còn chậm, tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt trong nông nghiệp còn cao, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản còn hạn chế; khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản còn thấp. Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp thiếu bền vững và đang có xu hướng tăng chậm lại. Kiểm soát dịch bệnh cây trồng, vật nuôi chưa tốt. Thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp, nhất là nông dân vùng miền núi, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
 
Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển chậm và thiếu đồng bộ. Tiến độ đưa các xã đăng ký đạt chuẩn xã nông thôn mới còn chậm so với kế hoạch đề ra ở số địa phương. Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang thực hiện chưa thực sự rõ nét. Giá trị sản xuất thấp, diện tích sản xuất còn phân tán nhỏ lẻ, tính hợp tác và liên kết chưa cao.
 
3. Một số giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở Phú Yên giai đoạn hiện nay
 
Một là, phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, đạt giá trị gia tăng cao
 
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn; các vùng rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet Gap, các vùng chuyên canh lúa có năng suất, chất lượng cao, hình thành thương hiệu gạo, nông sản Phú Yên; hình thành, phát triển các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh.
 
Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo môi trường; tạo khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, thực phẩm an toàn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản bền vững, toàn diện trên các mặt khai thác và nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Chủ động, tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ. Tiếp tục hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghề cho lao động khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.
 
Hai là, tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
 
Tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ sản xuất… tổ chức lại sản xuất, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên nguyên tắc tự nguyện và bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên tham gia. Củng cố và nâng cao hiệu quả các hình thức kinh tế tập thể hiện có.
 
Vận động các hộ sản xuất, các trang trại liên kết góp đất, chuyển nhượng, chuyển đổi để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, hình thành cánh đồng lớn. Nhân rộng các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ và các tổ đồng quản lý nuôi trồng thủy sản.
 
Khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ gia đình… thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn. Tổ chức các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp và thị trường. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ theo hướng sản xuất lớn với những trang trại, gia trại…
 
Tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân; đẩy mạnh xây dựng các thương hiệu hàng hóa nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức và có chính sách hỗ trợ hệ thống các điểm bán hàng nông sản an toàn có nguồn gốc xuất xứ tại các siêu thị, chợ, khu dân cư.
 
Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới
 
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; khuyến khích khai thác quỹ đất để đấu giá tạo nguồn thu đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
 
Có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Nghiên cứu, thực hiện các cơ chế chính sách để tích tụ, tập trung ruộng đất, cho thuê đất tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đất để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn. Nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất, từ đó xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình phổ biến và nhân rộng.
 
Bốn là, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn
 
Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển đô thị. Tiếp tục rà soát và đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động trong công tác tưới, tiêu trên địa bàn. Huy động xã hội hóa đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường nông thôn.
 
Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh khu vực nông thôn tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân mua bán, trao đổi vật tư, hàng hóa nông sản; kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề, thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn, tăng thu nhập và mức sống của người dân.
 
Năm là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất
 
Tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, bao gồm cả công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành; đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng các sản phẩm đặc sản trong nông nghiệp và thủy sản, tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp trong tỉnh.
 
Đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tuân thủ các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Tỉnh ủy Phú Yên: Chương trình hành động số 30 – Ctr/TU, ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
2. Tỉnh ủy Phú Yên: Báo cáo số 188-BC-TU, ngày 21/8/2013 của Tỉnh ủy Phú Yên về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
3. Tỉnh ủy Phú Yên: Chương trình hành động số 08 – CTr/TU, ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng dựng nông thôn mới.
4. UBND tỉnh Phú Yên: Quyết định số 1008/ QĐ-UBND ngày 16/6/2015 của UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

ThS. Nguyễn Văn Ca
Trường Chính trị tỉnh Phú Yên
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 95
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 268.737
account_box Trong năm: 20.497
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.817