Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp: Động lực để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Cập nhật lúc:   13:59:54 - 21/05/2018 Số lượt xem:   787 Người đăng:   Administrator
Bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ giới thiệu một số mô hình sản xuất thành công tại trung tâm - Ảnh: THÁI HÀ Bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ giới thiệu một số mô hình sản xuất thành công tại trung tâm - Ảnh: THÁI HÀ
Hiện nay, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang phát triển trên toàn thế giới, mang lại cho từng cá nhân, địa phương, quốc gia cơ hội bứt phá để vươn lên mạnh mẽ.
Theo xu thế phát triển đó, tại Phú Yên, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Thành lập Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH-CN). Tuy nhiên, để trung tâm này hoạt động hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải thiết lập được hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp
 
Vừa qua, Sở KH-CN phối hợp với Trung tâm Dịch vụ tổng hợp (Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Góp ý phương án nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp KH-CN tỉnh Phú Yên”. Một trong những ý kiến được tất cả chuyên gia đồng thuận cao chính là: muốn xây dựng thành công Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp KH-CN thì trước hết phải thiết lập được môi trường sinh thái khởi nghiệp.
 
Tại Việt Nam, câu chuyện khởi nghiệp ĐMST vẫn còn khá mới mẻ, nhưng Chính phủ rất xem trọng. Minh chứng là năm 2016 đã được Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp với mục đích dành ưu tiên cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có hoạt động đầu tư mạo hiểm (đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo với tư duy chấp nhận rủi ro) nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Sau hơn hai năm triển khai, đến nay, từ “khởi nghiệp” đã được nhắc nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng; kèm theo đó là các cuộc thi khởi nghiệp đã được các tỉnh, thành phố vận động, tổ chức rầm rộ; tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp cũng đã lan tỏa ở những người trẻ tuổi.
 
Để làm rõ hơn vấn đề khởi nghiệp ĐMST, ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Sông Hàn cho rằng, có thể phân thành hai khái niệm khi nói về khởi nghiệp gồm: khởi nghiệp lập nghiệp (hay khởi nghiệp kinh doanh bắt đầu sự nghiệp) và khởi nghiệp ĐMST. Trong đó, khởi nghiệp lập nghiệp là những mô hình khởi nghiệp truyền thống, thường nặng về doanh thu, ít rủi ro, khả năng kêu gọi vốn và phát triển thành doanh nghiệp lớn rất khó. Còn khởi nghiệp ĐMST tập trung vào hàm lượng tri thức, công nghệ và mô hình kinh doanh mới, khuyến khích sử dụng công nghệ hoặc những mô hình kinh doanh tạo hiệu quả lâu dài, từ đó tạo sức bật phát triển mạnh mẽ cho khởi nghiệp. Khởi nghiệp ĐMST được Nhà nước khuyến khích mạnh mẽ và đang có chính sách nhằm thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp.
 
Trong việc thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Lý Đình Quân nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu làm việc chung (co-working space) trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. Bởi, đây là nơi kết nối các yếu tố cấu thành của hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm: chính quyền địa phương, chuyên gia, nhóm khởi nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn... Đây cũng sẽ là nơi các đối tượng này gặp gỡ, chia sẻ, làm việc cùng nhau, là nơi nung nấu và ươm mầm cho tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp.
 
Khi khởi nghiệp ĐMST đang ngày càng sôi động hơn bao giờ hết, thì những hiểu biết, tư duy trong khởi nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của một dự án. Với con số 5% doanh nghiệp khởi nghiệp còn hoạt động sau 5 năm thành lập, thì việc thành lập một tổ chức định hướng phát triển cho dự án từ khi còn là một ý tưởng là rất cần thiết.
 
Cần những người tâm huyết
 
Khởi nghiệp là một mảng hấp dẫn thu hút cả cộng đồng tham gia. Cùng với đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ tạo ra một cộng đồng có cảm hứng, có tư duy khoa học để từ đó ĐMST, hình thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Quân, không thể ngồi trông chờ và nói Nhà nước phải làm gì, vì chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã có đầy đủ. Điều còn lại là làm như thế nào để tạo ra cơ hội cho bản thân, bởi như tỉ phú Jack Ma đã nói: “Bây giờ phải tự làm, khởi nghiệp phải tự đứng dậy, phải tự tạo ra cơ hội cho mình, chứ không phải là “nắm bắt” những cơ hội trôi dạt ngoài kia nữa”.
 
Phong trào khởi nghiệp ĐMST rõ ràng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực cho kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu tham gia vẫn còn thắc mắc nhiều nội dung như: cơ quan nào sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp có gì giống và khác nhau; tỉnh sẽ có những định hướng trước mắt nào để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, cũng như Tỉnh đoàn, ngân hàng, các câu lạc bộ, hiệp hội sẽ đóng vai trò gì trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, nhất là đội ngũ chuyên gia và các nhà đầu tư thì cần những phương án nào để kêu gọi được sự tham gia của 2 nguồn lực này ở cả trong và ngoài tỉnh...
 
Trả lời cho các vấn đề này, ông Lý Đình Quân khẳng định: Để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, các cấp lãnh đạo của tỉnh cần thống nhất về tư duy và tầm nhìn, phải thống nhất muốn đưa Phú Yên đi đến đâu và đạt được những kết quả gì cho khởi nghiệp. Tiếp theo đó, tỉnh sẽ đóng vai trò kết nối các nguồn lực; xây dựng các chính sách hỗ trợ; xây dựng hệ thống và mạng lưới cố vấn, nhà đầu tư; huy động sự đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp để thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; xây dựng và tổ chức nguồn nhân sự cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như Vườn ươm doanh nghiệp (incubators) hoặc tổ chức thúc đẩy kinh doanh (accelarators). Việc kết nối các yếu tố cấu thành trong hệ sinh thái khởi nghiệp là vai trò quan trọng nhất của chính quyền địa phương. Muốn hỗ trợ khởi nghiệp thì chúng ta phải biết khởi nghiệp là làm gì và vai trò của hệ sinh thái là như thế nào đối với hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Hệ sinh thái ấy phải giúp lan truyền giá trị và tinh thần, văn hóa doanh nhân; khuyến khích phát triển sự sáng tạo, đổi mới; hỗ trợ biến “đầu vào là ý tưởng” thành “đầu ra là doanh nghiệp, doanh nhân”.
 
Hiện Phú Yên đang xây dựng phương án cung cấp dịch vụ cho vườn ươm (thuê văn phòng, kế toán tài chính, tư vấn pháp lý, các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp; marketing; sản xuất sử dụng và hợp tác kinh doanh; kết nối và xúc tiến đầu tư)… Vì vậy, hội thảo này là một diễn đàn để các khách mời có dịp cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp trong công tác xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; tổ chức triển khai hoạt động hỗ trợ kết nối và phát huy năng lực của các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xác định chương trình hành động thực hiện Quyết định 844 gắn với các ngành/lĩnh vực/sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương; hỗ trợ ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm hình thành các sản phẩm ĐMST cho thị trường; liên kết truyền thông thúc đẩy sự tham gia và đóng góp tích cực của cộng đồng khởi nghiệp… Qua đó nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST tỉnh nhà.
 
ÔNG NGUYỄN KHÁNH TOÀN (TRUNG TÂM DỊCH VỤ TỔNG HỢP, BAN QUẢN LÝ KHU CÔNG NGHỆ CAO HÒA LẠC): Phối hợp đồng bộ để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp 
 
Phú Yên có tiềm lực về con người và điều kiện tự nhiên để phát triển khởi nghiệp ĐMST. Tuy nhiên, vì hệ sinh thái khởi nghiệp vùng (Phú Yên - Bình Định - Khánh Hòa) còn ở mức thấp so với cả nước và các hoạt động liên kết phát triển giữa các tỉnh còn hạn chế nên tỉnh chưa phát huy và sử dụng nguồn lực này hiệu quả; cũng như chưa có mối liên kết và phương án phối hợp các nguồn lực.
 
Là một địa phương còn non trẻ trong việc tiếp cận với hoạt động khởi nghiệp ĐMST nên việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Phú Yên không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà trước mắt, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp KH-CN sẽ trở thành đầu mối tiếp nhận và hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại Phú Yên.
 
Thời gian tới, để việc xây dựng trung tâm hiệu quả, cần có sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan chính quyền, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cũng cần tận dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng có sẵn, tiết kiệm kinh phí xây mới, đảm bảo chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
 
ÔNG NGUYỄN VIỆT AN (TRUNG TÂM DỊCH VỤ TỔNG HỢP, BAN QUẢN LÝ KHU CÔNG NGHỆ CAO HÒA LẠC): Huy động nhiều nguồn lực xây dựng vườn ươm doanh nghiệp 
 
Khi được thành lập, chức năng của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp KH-CN là hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KH-CN định hướng phát triển thành doanh nghiệp KH-CN; đầu mối kết nối ĐMST của tỉnh với địa phương khác và quốc tế; kênh thông tin thu thập, phản hồi và kiến nghị các cơ chế chính sách với hoạt động ĐMST. Nếu đi vào vận hành hiệu quả, vườn ươm của Phú Yên sẽ giải quyết được 3 vấn đề chính: giải quyết những hạn chế, nâng cao và phát triển năng lực cạnh tranh về KH-CN tỉnh Phú Yên; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ đưa ĐMST vào các lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
 
Quan điểm của tôi là sẽ xây dựng vườn ươm doanh nghiệp hoạt động trong 3 lĩnh vực (du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, trồng cây dược liệu). Trong đó, quá trình xây dựng và phát triển vườn ươm cần có sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trên cơ sở huy động các nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế; trong đó, Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, hỗ trợ vào giai đoạn đầu của vườn ươm. Bên cạnh đó, cũng cần gắn kết các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị nghiên cứu; khuyến khích các doanh nghiệp lớn hỗ trợ, đầu tư và đặt hàng cho khởi nghiệp ĐMST; chú trọng chất lượng ươm tạo, đảm bảo đúng tính chất ĐMST.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 60
accessibility Hôm qua: 80
account_circle Trong tháng: 275.214
account_box Trong năm: 23.837
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.157