Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Người đam mê nghiên cứu bảo tồn cây cảnh Linh Sam

Cập nhật lúc:   15:56:52 - 25/07/2018 Số lượt xem:   2851 Người đăng:   Administrator
Ông Nguyễn Văn Trúc - Chủ tịch Hội Sinh Vật cảnh tỉnh Phú Yên, phát biểu khai mạc Hội nghị BCH HSVC PY Ông Nguyễn Văn Trúc - Chủ tịch Hội Sinh Vật cảnh tỉnh Phú Yên, phát biểu khai mạc Hội nghị BCH HSVC PY
Lão thành Cách mạng Nguyễn Văn Trúc (26/4/1942), hiện là Chủ tịch Hội Sinh Vật cảnh tỉnh Phú Yên (Thành viên Liên hiệp Hội Phú Yên), người đã dành trọn những năm tháng tuổi hưu để nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây Linh Sam (Ba Chia) có nguy cơ tuyệt chủng, góp phần thêm sắc màu cho cây cảnh Bonsai ở xứ sở “Hoa vàng trên cỏ xanh”.
Ông Nguyễn Văn Trúc, 76 tuổi. Cái tuổi theo quan niệm ngày xưa đã quá “Thật thập cổ lai hy” nhưng khi tiếp xúc, chúng tôi thấy ông còn minh mẫn, chắc khỏe và luôn nhiệt tình trong công tác Hội Sinh vật cảnh và “cháy hết mình” với cây cảnh Bonsai, đặc biệt đam mê nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây Linh Sam (Ba chia).

Sinh ra và lớn lên ở thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên (Nay là huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách mạng. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, thời kháng chiến chống Mỹ ông từng là Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 (nay là huyện Phú Hòa) sau ngày Cách mạng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 thời tỉnh Phú Khánh (Phú Yên-Khánh Hòa) ông đã tham gia nhiều cương vị lãnh đạo, như: Chủ tịch UBND thị xã Tuy Hòa; Bí thư Thị ủy thị xã Tuy Hòa...Sau khi tái lập tỉnh Phú Yên (7/1989) ông chuyển lên làm việc ở Tỉnh ủy, giữ nhiều chức vụ, như: Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy; Phó Bí thư Tỉnh ủy...trước khi về hưu năm 2002 ông có thời gian 2 năm (1998-1999) đảm nhiệm chức vụ Quyền Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.

“Thủ lĩnh” Hội Sinh vật cảnh Phú Yên - Nguyễn Văn Trúc tiếp chúng tôi tại khu vườn của ông ở thôn Định Thọ, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa. Theo chân để nghe ông trải lòng về việc ông xây dựng phát triển kinh tế vườn-rừng và trồng cây cảnh, ông nói: “Sinh ra từ con nhà nông dân, khi còn đương chức làm việc phục vụ nhân dân và nay về hưu thì cũng trở lại làm người nông dân là an nhàn và chọn mô hình kinh tế vườn-rừng để phát triển kinh tế hộ gia đình là hiệu quả nhất”.

Đưa chúng tôi tham quan những mô hình trong “kinh tế vườn-rừng”, dừng lại trước hàng trăm gốc mai rừng với đủ kiểu dáng, ông chia sẻ “Sau khi về hưu 2002, năm 2003 ông bắt tay sưu tầm, nhân giống, cắt ghép loại mai rừng. Về loại mai này có nhiều giống, mỗi giống có mang đặt trưng riêng, như có loại cho ra hoa 8 cánh, 12 cánh, sắc màu vàng cũng khác nhau. Hiện nay người chơi chuộng mai rừng ở Phú Yên và Bình Định mà thôi.”

Chúng tôi tiếp tục theo chân ông qua khu vườn ươm giống cây Linh Sam (Ba chia) trong lúc người cháu của ông đang lựa chọn sắp xếp đưa những chậu cây Linh Sam giống ông đã ươm hạt cách nay hơn 1 tháng đang nảy mầm theo một khu vực và phân chia những chậu Linh Sam giống đã ra lá non để chuyển qua khu chăm sóc khác...Chúng tôi đặt vấn đề về cây cảnh Linh Sam, ông cười sảng khoái chia sẻ rất rành rọt về Linh Sam và quy trình kỹ thuật để ông bảo tồn, nhân giống loại giống cây này.

Ông khẳng định: “ Nói đến cây Linh Sam thì các tỉnh Nam Trung Bộ (Phú Yên-Bình Định-Khánh Hòa) đều có, nhưng dân chơi cây cảnh Bonsai về cây Linh Sam phải thừa nhận chỉ có Linh Sam ở vùng núi huyện Sông Hinh (Phú Yên) là có giá trị nhất. Vì Sông Hinh có loại Linh Sam hoa tím, lá rất nhỏ lí rí kích cỡ lá như hạt đậu hoặc hạt lúa và đủ loại dáng thế. Muốn có cây mới phải chiết cành hoặc cấy ghép, không thể ươm hạt như loài khác.”

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi cây Linh Sam ngoài thiên nhiên nhất là ở Sông Hinh ngày một hiếm, năm 2010 ông Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Phú Yên Nguyễn Văn Trúc bắt đầu tìm cách nhân giống loài cây này bằng cách mua cây nguyên liệu đem về chiết cành rồi đem cấy với giống linh sam Sông Hinh. Và khi ông rành rọt trao đổi kỹ thuật nhân giống Linh Sam chúng tôi mới biết niềm đam mê bảo tồn nhân giống cây Linh Sam.

Theo lời ông Trúc về kỹ thuật nhân giống như sau:  Chọn cành chiết trên cây mẹ phải là cành cây khỏe mạnh, có khả năng phát triển tốt, có như vậy cành chiết mới cho tỷ lệ sống cao. Có thể chọn cành chiết to hay nhỏ đều được nhưng thường không nên chọn cành chiết quá to hoặc quá nhỏ. Sau khi chọn cành chiết xong, tiến hành khoanh vỏ lên quanh khu vực cần chiết, chiều dài của đoạn cành sẽ chiết phụ thuộc vào đường kính của cành cây. Thường thì khoảng chiều dài khoanh vỏ sẽ bằng đường kính nhân lên bốn lần. Chờ cho vỏ đã khoanh khô, vết cắt ngay khu vực khoanh vỏ sùi mép ngay vị trí này cây sẽ tiến hành cho ra rễ cành chiết.

Khoảng thời gian chờ nó khô khoảng 1-3 tuần. Khi nào vết khoanh trên cành cần chiết khô thì nên dùng rễ bèo ta phơi khô nhúng nước cho ước bó xung quanh vết cắt đã khô. Tiếp theo sử dụng túi nilong trong bao quanh rồi buộc lại bằng dây nilon, nên sử dụng túi nilon trắng để rễ ra chúng ta có thể dễ dàng quan sát được.

Một thời gian ngắn sây cành chiết sẽ cho ra rễ khi rễ già đi có màu sẫm lại lúc này chúng ta có thể cắt nó mang đi trồng như những giống cây thông thường khác. Cây chiết cành mới trồng cần giữ ẩm và che bóng mát cho cây”

Một kỹ thuật cơ bản theo kinh nghiệm mà ông Trúc “Bật mí” khi chiết cành Linh Sam Lần đầu tiên sau khi trồng cành chiết Linh Sam nên tưới cây cho thật đẫm nước, dùng tay lắc nhẹ cây để cát trôi. Nén chặt gốc để nó ở nơi có ánh sáng tầm 8-9h và mát cho đến chiều, bình quân mỗi ngày tưới nước cho cây 1 lần thực hiện lập đi lập lại khoảng 3 tuần da ngay chỗ vết cắt hay nơi bị đục mọc chồi. 6 tháng sau là có thể tiến hành cắt tỉa đốn hạ cây như ý muốn. Và muốn cây ra nhiều hoa và nở rộ cùng thời điểm hãy cắt bỏ hết gai rồi hãm nước để lá rụng đi, tưới bổ sung thêm phân Kali nhiều vào.

“Ngoài tự nhiên hiện nay, giống này hầu như bị cạn kiệt, nên phải nhân giống. Sắp tới, tôi sẽ triển khai mô hình này cho anh em trong Hội Sinh vật cảnh, từ đó khuyến khích họ làm giàu từ chính cây Linh Sam” - ông Trúc tỏ bày.
 
nm2
Ông Nguyễn Văn Trúc, chăm sóc góc cây cảnh Linh Sam tại nhà riêng

Là một trong những người sành chơi Bonsai ở “xứ Nẫu” nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, hiện là Phó Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên, Phó Chủ nhiệm CLB Cây cảnh TP Tuy Hòa, cho biết: Linh sam là loại cây thuần Việt, chỉ có ở vùng núi các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận..., nơi khí hậu khá khắc nghiệt. Cả một thân cây khô, chỉ riêng một nhánh nhỏ sống, tạo cảm giác nó như một vật hóa thạch, cổ xưa, cái tưởng chừng đã chết, nhưng vẫn luôn trường tồn. Đó là cái hay, đặc biệt của Linh Sam”. Riêng về “cụ hai Trúc” ông có một tinh thần đam mê cây cảnh rất nhiệt huyết, đặc biệt là ông “sống-chết” với cây Linh Sam, hiện nay ông sưu tầm nhân giống bảo tồn cây Linh Sam lá nhỏ này là một việc làm có ý nghĩa rất khoa học, những hội viên Sinh vật cảnh như chúng tôi rất trân trọng.

Cũng theo ông Trúc, sắp tới Đại hội Hội SVC tỉnh nhiệm kỳ 3 (2018-2023) tổ chức vào cuối năm 2018, Hội sẽ đưa vào Nghị quyết về phát triển kinh tế hội viên bằng mô hình cây cảnh Bon sai Linh Sam Bởi anh em trong Hội rất nhiều người sở hữu số lượng cây lớn, đủ để nhân giống và cung cấp cho thị trường. Nó là loại cây thuần Việt, thu hút nhiều người chơi, nhu cầu lớn, chắc chắn đây sẽ là cây cảnh “hot” nhất trong thời gian tới”./.
 
Tác giả bài viết: Huỳnh Đức Thế
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 75
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.321
account_box Trong năm: 23.944
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.264