Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Nhà Khoa học có nhiều giải pháp hữu ích phục vụ cộng đồng

Cập nhật lúc:   10:18:12 - 24/09/2018 Số lượt xem:   848 Người đăng:   Administrator
BSCK1 Lê Bá Thính BSCK1 Lê Bá Thính
Bác sĩ CK1 (BSCK1) Lê Bá Thính, hiện là Chủ tịch Hội Châm cứu tỉnh Phú Yên (Thành viên Liên hiệp các Hội KH&KT Phú Yên) được đồng nghiệp, hội viên, bệnh nhân dành nhiều tình cảm và sự trân quý.
Bởi không chỉ là một bác sĩ tận tâm với người bệnh, tận lực với vai trò “thuyền trưởng” Hội Châm cứu, người luôn có niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã có nhiều giải pháp hữu ích phục vụ cho cộng đồng.

Quê hương thứ hai của chàng trai xứ Huế
 
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở đường Nguyễn Du, P7, TP Tuy Hòa, với chất giọng trầm nhẹ của người con xứ Huế, BSCK1 Lê Bá Thính, trải lòng và qua tâm sự chúng tôi mới vỡ lẽ sự phân vân lâu nay “Sao ông ở Huế mà sinh sống và làm việc ở Phú Yên?!”.

BSCK1 Lê Bá Thính (7/1958), ông sinh ra và lớn lên ở xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy) tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tộc họ Lê Bá ở Huế nổi tiếng là “Dòng học hiếu học” và ông cũng thừa hưởng sự hiếu học của dòng họ cũng như của gia đình.

Từ nhỏ, qua các cấp học Lê Bá Thính là một học sinh ngoan hiền, hiếu học. Năm 1976, ông thi đậu vào Trường Đại học Y khoa Huế, niên khóa (1976-1982) chuyên ngành Nội khoa. Ngay sau khi ra trường, ông được phân công về làm Bác sĩ điều trị tại Viện Điều dưỡng II của Bộ Lâm nghiệp đóng tại thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Khánh  (nay là TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Tháng 7/1989, tỉnh Phú Yên tái lập (chia tách từ tỉnh Phú Khánh: Phú Yên-Khánh Hòa) Viện Điều dưỡng II giải thể, ông được điều động về làm Bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên. Một nhiệm vụ “trái ngược” về chuyên môn được đào tạo, thời điểm ấy, Bác sĩ Tây y được mọi người xem quan trọng hơn Đông y, nhưng với tâm niệm rất y đức của Bác sĩ Lê Bá Thính “Đã là thầy thuốc thì ở đâu cũng chữa bệnh cứu người” nên ông vui vẻ nhận nhiệm vụ và ông trở về Huế đưa vợ con vào “xứ Nẫu”.

Hơn 30 năm BSCK1 Lê Bá Thính đã gắn chặc cuộc đời với Phú Yên và được kinh qua nhiều chức vụ ở Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên bằng chuyên môn y học dân tộc, ông đã xem Phú Yên là quê hương thứ hai của mình. Được biết hai người con của ông cũng tiếp bước “nối nghiệp” nghề của cha. Ông luôn là điểm tựa, là bệ phóng cho niềm đam mê y học của các con ông.
 
BSCK1 Lê Bá Thính, trình bày cách sử dụng “Phần mềm Thư viện e book y dược” tại một hội nghị của ngành

Đam mê nghiên cứu và những công trình khoa học hiệu quả

Sự tận tâm, tận hiến và lòng đam mê nghiên cứu khoa học cùng mạch ngầm y đức mạnh mẽ được truyền từ nhiều thế hệ trong gia đình, bác sĩ Lê Bá Thính dù ở cương vị nào cũng luôn nỗ lực làm tốt công việc của mình. Vì với ông, nghiên cứu khoa học cuối cùng cũng chỉ là để quay lại phục vụ người dân. Càng ý nghĩa hơn là ông đã khơi được niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật trong cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên và hội viên Hội Châm cứu tỉnh nhà.

Trong thời gian qua, BSCK1 Lê Bá Thính lần lượt thực hiện các đề tài khoa học như “Tra cứu website y tế” (Giải Khuyến khích tại Hội thi STKT Phú Yên lần thứ 5- năm 2012-2013); “Chôn chỉ (cấy chỉ) Catgut vào huyệt bằng phương pháp cải tiến”; phần mềm tin học “Tra cứu Y dược cổ truyền”; tham gia với ThS Lê Văn Thức, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thu thập thông tin, tư liệu về cây thuốc nam và những bài thuốc y học cổ truyền thông dụng ở tỉnh Phú Yên để phổ biến phòng và chữa bệnh cho nhân dân” giúp những người làm công tác y tế và nhân dân tham khảo áp dụng các cây thuốc nam và bài thuốc thường dùng điều trị các bệnh thông thường tại tỉnh nhà…

Đặc biệt năm 2017, ông đã cho ra đời sản phẩm “Thư viện Ebook Y dược” (Đạt giải Nhì, Hội thi STKT Phú Yên lần thứ 7 năm 2017-2018). Có thể nói đây là công trình đặc biệt với ông, vì ông chưa hề bước qua trường lớp nào và cũng không có chứng chỉ gì về tin học nhưng bù lại ông mày mò bỏ ra  6 năm làm việc miệt mài, nghiêm túc để tạo ra “Phần mềm Thư viện e book y dược” Phần mềm này thực sự là một thư viện thu nhỏ bao gồm rất nhiều đầu sách từ những y thư cổ đến sách y học hiện đại; từ tác phẩm trong nước đến ngoài nước; từ sách Đông y tới Tây y. Nếu so sánh với thực tế thì thư viện điện tử này phải chứa khoảng 6 tấn sách hoặc 500 đĩa CD và nếu mua sách giấy sẽ mất hàng tỉ đồng. Đây là một “kho” tài liệu được tập hợp từ rất nhiều website y tế, thư viện của các trường đại học, sách, báo, tạp chí trong và ngoài nước và là tài liệu hữu ích cho sinh viên ngành Y, cho giới nghiên cứu khoa học tham khảo; đồng thời người dân cũng có thể khai thác các thông tin y học thường thức phục vụ việc chăm sóc sức khỏe.

Nói đến bác sĩ Lê Bá Thính, nhiều nhà khoa học tại Phú Yên luôn dành nhiều tình cảm và sự trân trọng bởi không chỉ là một bác sĩ vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân, ông còn là người luôn có tinh thần tìm tòi, học hỏi, không ngừng nỗ lực để sáng tạo nhiều giải pháp hữu ích phục vụ cho việc khám, chữa bệnh..

Hơn 30 năm cống hiến sức lực cho chuyên môn và nghiên cứu khoa học, BSCK1 Lê Bá Thính được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam, danh hiệu “ Thầy thuôc ưu tú” được UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh Phú Yên tặng nhiều bằng khen.
Một trí thức khoa học xứ Cố đô đã gắn chặt và cống hiến cho quê hương Phú Yên thật đáng trân quý biết bao./.
 
Tác giả bài viết: Huỳnh Đức Thế
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 57
accessibility Hôm qua: 80
account_circle Trong tháng: 275.211
account_box Trong năm: 23.834
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.154