Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Trồng cây ăn trái theo mô hình VietGAP

Cập nhật lúc:   14:27:51 - 31/10/2018 Số lượt xem:   984 Người đăng:   Administrator
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông kiểm tra cây giống tại Công ty TNHH Hoàng Phượng trước khi giao nhận với nông dân - Ảnh: LÊ TRÂM Cán bộ Trung tâm Khuyến nông kiểm tra cây giống tại Công ty TNHH Hoàng Phượng trước khi giao nhận với nông dân - Ảnh: LÊ TRÂM
Những ngày qua, thời tiết có mưa phù hợp cho việc trồng cây ăn trái. Do đó, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã tiến hành giao hàng ngàn cây giống bưởi da xanh, mít Thái Changrai, sầu riêng Ri6 cho nông dân các huyện Tây Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh và Tuy An trồng theo mô hình VietGAP (sản xuất nông nghiệp an toàn và chất lượng cao).
Trồng cây ăn trái thay thế tiêu, cao su
 
Tại xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), Trung tâm Khuyến nông Phú Yên giao 1.575 cây giống bưởi da xanh cho 4 hộ tham gia trồng 3ha theo mô hình VietGAP. Ông Trần Văn Tiến, nông dân xã Sơn Thành Tây tham gia mô hình chia sẻ: Đất nhà tôi trước đây trồng tiêu nhưng tiêu bị bệnh chết rục gốc, giờ chuyển sang trồng cây ăn trái. Tôi chọn trồng bưởi da xanh. Trước khi trồng, tôi được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, hướng dẫn và xây dựng mô hình trồng bưởi da xanh VietGAP trên vườn của mình.
 
Những ngày qua, nông dân các xã Sơn Xuân, Sơn Định (huyện Sơn Hòa) và An Xuân (huyện Tuy An) tiến hành trồng 5.040 cây mít Thái Changrai trên diện tích 12ha. Đây là mô hình trồng thâm canh mít tại 3 xã liền kề của 2 huyện, mỗi xã trồng 1.680 cây trên diện tích 4ha.
 
Bà Bùi Thị Hiền, nông dân tham gia mô hình ở xã Sơn Xuân cho hay: Vùng này trước đây trồng cao su bị bão ngã đổ, nay chuyển sang trồng mít Thái Changrai. Mùa này có mưa rải rác nên khi nhận giống mít Thái Changrai về trồng, cây mau bén rễ. Tham gia mô hình trồng mít Thái Changrai theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật không khó, nông dân ai cũng có thể làm được. Việc sản xuất theo mô hình giúp nông dân nâng cao trình độ, tiếp cận và nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật trong thâm canh.
 
Theo ông Kpá Y Quyên, Phó Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, trong 3 năm gần đây, mỗi năm trên địa bàn huyện Sơn Hòa trồng mới 10-20ha cây ăn trái các loại cho giá trị kinh tế cao, chủ yếu tập trung ở 3 xã vùng cao nguyên Vân Hòa là Sơn Xuân, Sơn Định và Sơn Long.
 
Trước đây, người dân trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà theo hướng tự cung tự cấp; nay nhu cầu cây ăn trái trên thị trường ngày càng cao nên ở địa phương bắt đầu hình thành các mô hình trồng cây ăn trái tập trung với quy mô từ 1ha trở lên. Theo kế hoạch đến cuối năm nay, toàn huyện có 270ha cây ăn trái.
 
Hình thành vùng trồng cây ăn trái tập trung
 
Tại xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh), nông dân trồng 210 cây giống sầu riêng Ri6 trên diện tích 1ha. Trước đó, Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh triển khai thí điểm mô hình trồng cây ăn trái trên diện tích 20ha, trong đó có 12ha trồng sầu riêng.
 
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Nông dân huyện Sông Hinh đang tập trung chuyển đổi cây trồng từ cây cao su, tiêu bị bệnh chết và bão làm đổ ngã sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả. Mô hình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ tham gia đều nắm được quy trình canh tác, chăm sóc theo hướng dẫn.
 
Nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình, đề án, hiện nay trên địa bàn huyện Sông Hinh có hộ trồng sầu riêng Ri6 cho năng suất ổn định đạt 140kg/cây/năm. Nhiều người thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm.
 
Bà Ngô Thị Thúy Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phượng (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa), đơn vị cung ứng một số giống cây ăn trái cho hay: Những năm qua, công ty cung ứng một số giống cây ăn trái, cây lâm nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên và Phú Yên.
 
Riêng Phú Yên, công ty cung ứng cây giống của Viện Giống cây trồng miền Nam cho các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Tuy An. Sau khi nông dân đưa về trồng, các loại cây ăn trái thích nghi và phát triển tốt với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; cho năng suất cao.
 
Theo ông Ngô Thái Hưng, Trưởng Phòng Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Phú Yên), trong đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 có mô hình thí điểm trồng cây ăn trái theo hướng VietGAP nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và phúc lợi xã hội.
 
Thực hiện đề án, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên xây dựng mô hình phát triển cây ăn trái giá trị cao, khuyến khích người dân tiếp tục nhân rộng diện tích trồng cây ăn trái. Trung tâm cũng đã thành lập tổ công tác trực tiếp theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; đồng thời hỗ trợ một lượng lớn cây giống cho nông dân trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 12
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.848
account_box Trong năm: 23.471
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.791