Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Học sinh làm thiết bị giúp người chấn thương tay điều trị tại nhà

Cập nhật lúc:   16:02:58 - 08/04/2019 Số lượt xem:   975 Người đăng:   Administrator
Huỳnh Đức Nhâm giới thiệu sản phẩm “Thiết bị hỗ trợ thực hiện phác đồ điều trị thương tật tay tại nhà” - Ảnh: THÁI HÀ Huỳnh Đức Nhâm giới thiệu sản phẩm “Thiết bị hỗ trợ thực hiện phác đồ điều trị thương tật tay tại nhà” - Ảnh: THÁI HÀ
Nhiều lần đến bệnh viện thăm người thân, thấy một bác sĩ hay kỹ thuật viên chỉ tiến hành vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho một bệnh nhân nên Huỳnh Đức Nhâm, học sinh lớp 11A2 Trường THPT Nguyễn Huệ đã có ý tưởng và sáng tạo ra sản phẩm “Thiết bị hỗ trợ thực hiện phác đồ điều trị thương tật tay tại nhà”. Giải pháp trên đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2019.
Chia sẻ về giải pháp của mình, Nhâm cho biết: “Bệnh nhân điều trị phục hồi chức năng phải thường xuyên đến bệnh viện, một kèm một với bác sĩ để tập luyện các bài tập đúng kỹ thuật. Vì nếu tự tập tại nhà, bệnh nhân có thể tập sai kỹ thuật dẫn tới thương tổn nặng nề hơn. Việc tập luyện một kèm một tạo ra thời gian chết cho bác sĩ, làm giảm hiệu suất điều trị phục hồi chức năng. Vì lý do đó, em đã chế tạo một bộ khung xương ngoài mang vào tay và hai ứng dụng trên điện thoại: Một ứng dụng dành cho bác sĩ thiết lập động tác và lịch trình tập luyện gửi cho bệnh nhân, một ứng dụng dành cho bệnh nhân nhận bài tập và điều khiển bộ khung vận hành kéo cả cánh tay người tập vận động theo động tác đề ra”.
 
Theo thiết kế, sản phẩm cấu thành từ phần cứng và phần mềm. Phần cứng gồm bộ khung xương ngoài mang vào tay bệnh nhân chạy trên hệ điều hành Arduino Mega 2560 giúp điều khiển mọi hoạt động của bộ khung ngoài; động cơ 775 kèm theo giảm tốc giúp kéo khớp vai và khuỷu tay; module điều khiển động cơ BTS7960 giúp điều khiển động cơ 775; module encoder volume giúp xác định vị trí quay của khớp vai và khuỷu tay; module bluetooth HC06 giúp kết nối bộ khung với ứng dụng trên điện thoại; servo MG996 loại 1800 giúp kéo các đốt ngón tay; nguồn ATX 400W giúp cung cấp nguồn cho toàn bộ khung hoạt động; khung nhôm và các vật dụng khác như dây điện, công tắc, ốc vít… Phần mềm sẽ bao gồm: ứng dụng android trên điện thoại dành cho bác sĩ; ứng dụng android trên điện thoại điều khiển bộ khung xương ngoài dành cho bệnh nhân; máy chủ trung gian giao tiếp giữa 2 ứng dụng nêu trên.
 
Với thiết bị này, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên có thể dùng điện thoại với giao diện dễ sử dụng để thiết lập và gửi đến bệnh nhân các động tác, tần suất, thời gian tập luyện; đồng thời theo dõi tiến trình tập luyện của bệnh nhân từ xa. Ứng dụng trên điện thoại của bệnh nhân sẽ nhận các bài tập và yêu cầu từ bác sĩ, hiển thị dưới dạng danh sách các bài tập cần tập trong ngày. Bệnh nhân chọn một bài tập đồng thời mang bộ khung xương vào tay, ứng dụng sẽ gửi tín hiệu điều khiển bộ khung hoạt động kéo cánh tay vận động theo bài tập. Ngoài ra, ứng dụng này còn theo dõi tiến trình luyện tập của bệnh nhân để gửi cho bác sĩ theo dõi.
 
Theo Huỳnh Đức Nhâm, sản phẩm này là sự tích hợp nhiều chức năng luyện tập cho các khớp từ ngón tay đến vai; có thể tùy chỉnh linh hoạt để phù hợp với từng tình trạng thương tật; giúp bác sĩ và các chuyên gia y tế dễ dàng tự thiết lập động tác mà không cần nhờ đến kỹ thuật viên. Quan trọng hơn, thiết bị có thể giúp một bác sĩ điều trị cho hàng chục bệnh nhân từ xa một cách dễ dàng. Thiết bị có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao hiệu quả tập luyện phục hồi chức năng vận động tay; giải quyết tình trạng điều trị phục hồi chức năng một bác sĩ kèm một bệnh nhân mà thay vào đó một bác sĩ có thể điều trị và giám sát nhiều bệnh nhân; giải quyết vấn đề quá tải, thiếu hụt cơ sở hạ tầng tại các bệnh viện; tiết kiệm thời gian cho người tập khi không cần đến các cơ sở y tế thường xuyên.
 
Ông Trần Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Trước kia, nhà trường có nhiều học sinh tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia và mang về giải cao. Tiếp nối những thành công đó, giải pháp của Huỳnh Đức Nhâm mang về giải nhất đã đem lại niềm vinh dự, tự hào cho nhà trường. Qua mỗi cuộc thi, chúng tôi nhìn thấy sự trưởng thành rõ rệt của học sinh. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ và sự quan tâm đúng mức để các em có điều kiện nghiên cứu, thỏa niềm đam mê, qua đó cho ra đời những ý tưởng hay, những giải pháp tiện ích phục vụ cuộc sống”.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 53
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.889
account_box Trong năm: 23.512
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.832