Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Tiến sĩ Việt kiều có 200 bằng sáng chế về nông nghiệp

Cập nhật lúc:   10:13:39 - 11/11/2019 Số lượt xem:   829 Người đăng:   Administrator
TS Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu sản phẩm phân bón thông minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp TS Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu sản phẩm phân bón thông minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tốt nghiệp tiến sĩ về khoa học năng lượng và vật liệu tại Canada…, TS Nguyễn Thanh Mỹ về Việt Nam gầy dựng thành công Tập đoàn Mỹ Lan (trụ sở tại Trà Vinh).
Ở tuổi 60, vị tiến sĩ có 200 bằng sáng chế quyết định rời công ty và khởi nghiệp với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đến Phú Yên, ông đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết để giúp nền nông nghiệp tỉnh nhà có thể phát triển trong tình hình thế giới đang có nhiều biến động.
 
Tôi tò mò về TS Nguyễn Thanh Mỹ khi được nghe Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên Đặng Thị Thủy nói đã mời được một vị tiến sĩ rất uy tín là người Việt Nam có hàng trăm bằng sáng chế ở nước ngoài về nói chuyện tại Hội thảo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và câu chuyện về TS Mỹ đã khiến tôi thật sự khâm phục.
 
Khởi nghiệp bằng triết lý hướng về con người
 
Năm 2015, sau 10 năm làm Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan do ông gây dựng từ lúc về Việt Nam, TS Mỹ chủ động rời vị trí, trước là để nghỉ ngơi, sau là tạo điều kiện cho người trẻ thay thế để họ có cơ hội và mang lại nét mới cho công ty. Thế nhưng sau một thời gian ngắn ông cảm thấy mình vẫn còn đam mê với công việc. Vậy là ông khởi nghiệp ở một lĩnh vực hoàn toàn mới: nông nghiệp công nghệ cao và thành lập nên Công ty CP Rynan Agrifoods.
 
Với vị tiến sĩ đầy nhiệt huyết này, khởi nghiệp là một hành trình chủ động tạo ra sản phẩm hay cách phục vụ mới, tốt hơn để thỏa mãn nhu cầu đời sống xã hội. Và quan trọng hơn, khởi nghiệp phải mang những triết lý hẳn hoi. Với ông, triết lý này nằm ở bốn chữ “làm”, đó là làm đúng lại cái đang bị làm sai; làm tốt hơn cái đang tốt; làm cái chưa có và làm một dấu ấn tốt để lại cho cuộc sống.
 
Ví dụ như, nền nông nghiệp nước ta đang chạy theo năng suất, lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu quá nhiều dẫn đến hệ quả là thực phẩm bẩn; chưa kể đất, nước, không khí cũng bị ô nhiễm theo. Điều này sai nên phải sửa lại. Hay khoa học đã phát minh ra phân đạm, tốt cho cây trồng nhưng chỉ một phần được cây hấp thụ, một phần bị bốc hơi, rửa trôi gây ô nhiễm môi trường và lãng phí.
 
Để làm tốt hơn cái đang tốt, TS Nguyễn Thanh Mỹ đã tạo ra một loại phân bón thông minh, có khả năng tan chậm, chỉ cần bón một lần, phân sẽ đáp ứng từng giai đoạn phát triển của cây, hạn chế tối đa ô nhiễm và thất thoát. Để làm cái chưa có, TS Nguyễn Thanh Mỹ đã chế tạo ra phao quan trắc giúp người dân đồng bằng sông Cửu Long dùng điện thoại thông minh để biết lúc nào thủy triều lên xuống, xuất hiện nước ngọt để lấy nước trữ vào ruộng. Nhờ ứng dụng này, người dân có thể sản xuất lúa ngay trong những đợt hạn mặn cao điểm. Và nhiều sản phẩm thông minh khác phục vụ nông nghiệp được TS Mỹ sáng tạo và ứng dụng hiệu quả…
 
Nông nghiệp cần “trẻ” để bắt kịp xu thế
 
Muốn thành công trong phát triển nông nghiệp phải có sự liên kết của 5 nhà: Nhà nước - nhà đầu tư - nhà khoa học - nhà nông - nhà băng (ngân hàng)... Trong đó, nhà nông ở vị trí trung tâm, 4 nhà còn lại phải tích cực giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà nông thì nông nghiệp mới phát triển, từ đó thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Với vai trò là vị trí trung tâm, nông nghiệp Phú Yên cần những người trẻ, nhiệt huyết, dám dấn thân để tạo ra cơ hội mới. Đây chính là cơ hội để những người nông dân tham gia vào việc gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu thụ.
 
Theo TS Mỹ, ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Chẳng hạn, người nông dân đang sử dụng quá liều lượng thuốc trừ sâu và phân bón; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phí phạm lao động; sản phẩm nông nghiệp chế biến, xử lý không đúng quy trình; hàng hóa vận chuyển qua quá nhiều lớp trung gian; nông sản không thể truy xuất được nguồn gốc... “Tuy nhiên, hiện nay vẫn có những tín hiệu vui là phong trào nông dân khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Phú Yên đã bắt đầu nhen nhóm với nhiều cách làm mới. Trong số đó có nhiều người còn rất trẻ”, TS Mỹ chia sẻ.
 
Theo TS Mỹ, mấu chốt của công nghệ 4.0 là ứng dụng vật liệu nano, kết nối vạn vật, cơ sở dữ liệu số trong sản xuất. Bởi, cách mạng công nghiệp 4.0 đã xóa bỏ mọi ranh giới giữa kỹ thuật số vật lý và sinh học bằng việc kết hợp nhiều công nghệ hiện đại lại với nhau và điện thoại di động giờ cũng trở thành thiết bị phục vụ canh tác nông nghiệp. Như vậy, có thể nói công nghệ 4.0 là sự vận dụng tối ưu những thành tựu khoa học kỹ thuật đạt được, tạo nên một nền công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến.
 
Tại nhiều nước phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Sự xuất hiện của nó đã mang tới cho nhân loại những thay đổi tích cực trong nền kinh tế, xã hội, mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng kèm theo không ít rủi ro và thách thức. Không thể nằm ngoài sự chuyển mình của thế giới, Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng cũng cần bắt kịp xu hướng của thời đại mới để có thể tồn tại và phát triển.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 114
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.856
account_box Trong năm: 20.616
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.936