Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Hút sinh viên bằng tài hoa của người thầy

Cập nhật lúc:   15:23:21 - 31/01/2020 Số lượt xem:   726 Người đăng:   Administrator
Thầy Nguyễn Thanh Tước hướng dẫn sinh viên ngành Ðiện học tập thông qua mô hình do thầy tự làm - Ảnh: MẠNH THÚY Thầy Nguyễn Thanh Tước hướng dẫn sinh viên ngành Ðiện học tập thông qua mô hình do thầy tự làm - Ảnh: MẠNH THÚY
Xuất phát từ nhu cầu giảng dạy, cộng với niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo, các thiết bị đào tạo do giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự làm được đánh giá là phục vụ hiệu quả trong giảng dạy, học tập.
1. Vượt qua gần 400 thiết bị đến từ 216 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI năm 2019 do Bộ LÐ-TB-XH tổ chức, sản phẩm “Mô hình dạy học lắp đặt điện nhà thông minh” của thầy Nguyễn Thanh Tước, Tổ trưởng bộ môn Tự động hóa, Khoa Ðiện và Tự động hóa, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã đạt giải nhì hội thi. Ðây là giải thưởng cao nhất từ trước đến nay đối với giáo viên các trường trên địa bàn Phú Yên khi tham gia hội thi này.
 
Thầy Nguyễn Thanh Tước (SN 1971) nguyên là học sinh khóa 1, ngành Ðiện công nghiệp, Trường trung học Ðịa chất 2 (nay là Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung). Năm 1994, thầy tốt nghiệp loại xuất sắc nên được giữ lại trường làm giáo viên. 25 năm gắn bó với nghề, thầy Tước không ngừng phấn đấu rèn luyện, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy.
 
Thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn”, nhất là đối với các ngành kỹ thuật thì “trăm nghe không bằng một thấy” nên trong quá trình giảng dạy, thầy Tước luôn trăn trở làm sao để học sinh, sinh viên (HSSV) được thực hành, tiếp xúc với nhiều máy móc, trang thiết bị dạy học, để những bài giảng trở nên sinh động, dễ hiểu hơn. Nhờ sự động viên, hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ phía nhà trường, thầy Tước bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra những thiết bị phục vụ công tác giảng dạy.
 
Tiêu biểu như thầy đã đạt nhiều giải trong các cuộc thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp toàn quốc sau 6 lần tổ chức với các sản phẩm “Mô hình robot công nghiệp”, “Mô hình thang máy 4 tầng”, “Hệ thống đèn tín hiệu giao thông không dây”; giải ba Hội giảng cấp toàn quốc lĩnh vực giáo viên dạy nghề và nhiều giải thưởng khác tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên… Các thiết bị đào tạo do thầy Tước tự làm đã giúp HSSV có điều kiện thực hành, nâng cao tay nghề trong quá trình học, từ đó tạo thành khối liên kết thống nhất, chặt chẽ giữa kiến thức môn học với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu công việc sau khi ra trường.
 
Nói về sản phẩm mới nhất vừa đạt giải nhì trong Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI năm 2019, thầy Tước hồ hởi: Hiện nay thiết bị đào tạo nghề lắp đặt điện nhà và đặc biệt là lắp đặt hệ thống điện nhà thông minh ở các trường vẫn còn thiếu hoặc chưa phổ biến cũng như chưa cập nhật kịp thời với thực tế nhu cầu sử dụng. Chính vì vậy, tôi và các giáo viên trong khoa đã tìm hiểu chế tạo ra mô hình Kit dạy học tích hợp đa năng về điện nhà thông minh nhằm trang bị các kiến thức và kỹ năng cho HSSV khi ra trường có thể tiếp cận ngay được với công việc.
 
Nhờ có thiết bị đào tạo tự làm, những tiết học của thầy Tước luôn lôi cuốn HSSV bởi ngoài các kiến thức cơ bản về điện thì người học còn được thao tác và thực hành ngay trên những mô hình học cụ do chính thầy nghiên cứu, sáng tạo ra. Sinh viên Lê Anh Khoa nói: “Ngoài đam mê với sáng tạo kỹ thuật, thầy Tước còn rất chu đáo, tận tâm hướng dẫn HSSV học tập. Do đó, chúng em bị lôi cuốn trong những tiết học của thầy”.
 
2. “Nhiều người vẫn nghĩ dạy học là nhàm chán khi các bài giảng lặp lại từ năm này qua năm khác, từ lớp này qua lớp khác. Nhưng điều đó chỉ đúng với cách giảng bài xưa cũ. Ngày nay, làm nghề giáo là phải không ngừng sáng tạo, bởi giáo dục trên thế giới và trong nước không ngừng phát triển. Ðể không bị tụt hậu và đáp ứng được chuyên môn thì giáo viên phải bồi đắp, nâng cao kỹ năng nghề là việc tất yếu”, TS chuyên ngành Hóa dầu Võ Thị Mỹ Nga, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, tác giả mô hình “Thiết bị phản ứng tầng cố định”, đạt giải ba Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI năm 2019 đã mở đầu câu chuyện. 
 
Thầy Văn Sĩ Nghi sử dụng thiết bị đào tạo tự làm hướng dẫn học sinh ngành Quản trị mạng học tập  - Ảnh: MẠNH THÚY
  
Những mô hình, thiết bị đào tạo tự làm của thầy Tước, cô Nga không chỉ giúp HSSV dễ hiểu, rèn luyện tốt tay nghề mà còn khơi dậy tính sáng tạo của giáo viên, HSSV trong nghiên cứu, thiết kế mô hình, góp phần giảm áp lực mua sắm trang thiết bị dạy học cho nhà trường. TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung
Sau hơn 10 năm công tác, nữ tiến sĩ sinh năm 1982 được biết đến là “cây sáng kiến” của trường với rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được hội đồng khoa học các cấp công nhận và được đăng trên các tạp chí uy tín tromg nước. Năm 2017, đề tài “Thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị phản ứng tầng cố định pha hơi” của cô Nga được Hội đồng khoa học cấp Bộ Công thương nghiệm thu xuất sắc; nhận bằng Lao động sáng tạo của LÐLÐ Việt Nam. Tháng 8/2019, cô Nga tham gia Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh với mô hình “Bơm hóa chất vi lượng điều khiển trên màn hình cảm ứng” và đạt giải khuyến khích…
 
Nghiên cứu lĩnh vực hóa học nên các mô hình, thiết bị dạy học tự làm của cô Nga luôn gắn với chuyên ngành này. Theo cô Nga, “Thiết bị phản ứng tầng cố định” đạt giải ba cấp toàn quốc lần này là mô hình giảng dạy cụ thể hóa các học phần Công nghệ chế biến dầu, Tổng hợp hữu cơ - hóa dầu. Ngoài ra, mô hình còn được ứng dụng trong nghiên cứu hoạt tính xúc tác dành cho HSSV và giáo viên ngành Công nghệ hóa. Thông qua mô hình thiết bị đào tạo tự làm này, cô Nga đã hướng dẫn 5 SV làm thực tập tốt nghiệp và làm khóa luận tốt nghiệp.
 
Theo cô Nga, trong các nhà trường hiện đại, dù có sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giảng dạy vẫn thuộc về năng lực của người thầy. Một người thầy giỏi mới có thể đào tạo nên những học trò giỏi và nhen lên trong HSSV niềm đam mê học tập, tìm hiểu kiến thức. Trên nền tảng cơ sở vật chất khá hiện đại và môi trường dạy học tốt, cô Nga luôn tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo các thiết bị dạy học có tính ứng dụng cao; đồng thời không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để các bài giảng sinh động, thiết thực hơn, tạo cho HSSV niềm yêu thích về nghề mình chọn học.
 
3. Mỗi giai đoạn, yêu cầu đào tạo sẽ có những đòi hỏi mới. Giáo viên không liên tục, thường xuyên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ sẽ không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực. Ý thức rõ điều này nên hơn 20 năm gắn bó với công tác đào tạo nghề, thầy Văn Sĩ Nghi, Phụ trách Khoa Công nghệ thông tin, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Ðặc biệt, thầy biết cách thu hút HSSV bằng sự tài hoa của người thầy. 
 
Là một trong những tiến sĩ trẻ, cô Võ Thị Mỹ Nga là tấm gương sáng trong nghiên cứu khoa học để HSSV noi theo - Ảnh: MẠNH THÚY
  
Thiết bị thực hành lập trình vi điều khiển Arduino (theo hướng IoT) do thầy Nghi tự làm không chỉ đạt giải khuyến khích tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI năm 2019, mà còn giúp giáo viên dạy HSSV thiết kế webapp và lập trình trên thiết bị điện tử, sản phẩm ứng dụng nhằm thu thập thông tin từ các cảm biến (như: nhiệt độ, độ ẩm, khí gas, mưa, ánh sáng, khoảng cách…) hiển thị lên smartphone hoặc máy tính. Ðồng thời người dùng smartphone có thể điều khiển được các thiết bị điện trong nhà. Các tính năng này, camera quan sát không thể thực hiện được. 
 
Việc các nhà giáo tự nghiên cứu, tự làm thiết bị đào tạo trong dạy nghề rất đáng biểu dương, ghi nhận. Nếu thầy, cô giáo nào cũng làm tốt công tác này, thiết bị không chỉ được sử dụng tại trường mà còn có thể sản xuất cung cấp cho nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác. Thiết bị tự làm của thầy Nghi được nhà trường đánh giá cao và được sử dụng trong dạy học tại trường. TS Ðặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên
Theo thầy giáo sinh năm 1975 này, ban đầu phong trào tự làm thiết bị dạy học được gây dựng là để bù đắp cho điều kiện còn thiếu thốn, nhưng chính hình ảnh người thầy sáng tạo lại khiến HSSV thấy thích thú với việc học nghề. “Vậy nên, chúng tôi làm thiết bị là để phục vụ việc dạy học của mình, còn giải thưởng là thành quả đến sau. Mua thiết bị có sẵn trên thị trường vừa đắt, vừa không phù hợp với giáo trình giảng dạy, khiến giáo viên bị động về công nghệ. Nhờ dùng thiết bị tự làm mà trong nhiều tiết học, thầy trò có thể tháo bung thiết bị ra để soi từng chi tiết, giúp học sinh nhớ lâu về nguyên lý của bài học”, thầy Nghi nói.
 
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự bùng nổ về thông tin, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của internet đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến dạy học nói chung, đến vai trò của người thầy nói riêng. Chính vì thế mà thầy, cô giáo nói chung, thầy dạy nghề nói riêng phải thay đổi đáng kể quá trình dạy học cũng như cách thức truyền đạt tri thức từ người dạy tới người học.
 
Từ vị trí trung tâm, chủ động truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho người học, vai trò người thầy ngày nay đang dịch chuyển theo hướng chỉ đạo, định hướng, tư vấn, hướng dẫn người học… “Ðiều này không có nghĩa là vai trò của người thầy bị giảm xuống mà ngược lại càng được nâng cao hơn. Người thầy phải giúp HSSV nhận thức được những kiến thức đúng, bổ ích đồng thời tư vấn cho HSSV cách thức tổ chức cũng như phương pháp học tập phù hợp để họ có thể lĩnh hội và sử dụng đúng đắn, có hiệu quả những tri thức mà mình đã thu nhận được”, thầy Nghi nhấn mạnh.  
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 43
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.879
account_box Trong năm: 23.502
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.822