Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Tiến sĩ Nông học Y Ghi Niê: Tận tâm với khoa học, tận hiến với Liên hiệp Hội

Cập nhật lúc:   15:46:38 - 03/01/2018 Số lượt xem:   1047 Người đăng:   Administrator
TS Y Ghi Niê, tại Đại hội lần thứ IV (2016-2021), được tập thể tín nhiệm bầu chọn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Liên hiệp Hội Đắk Lắk TS Y Ghi Niê, tại Đại hội lần thứ IV (2016-2021), được tập thể tín nhiệm bầu chọn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Liên hiệp Hội Đắk Lắk
Tôi biết anh (Tiến sĩ Nông học Y Ghi Niê) nhân dịp cùng đồng hành với lãnh đạo Liên hiệp hiệp Hội Phú Yên
Tôi biết anh (Tiến sĩ Nông học Y Ghi Niê) nhân dịp cùng đồng hành với lãnh đạo Liên hiệp hiệp Hội Phú Yên, tham dự Đại hội Liên hiệp Hội Đắk Lắk nhiệm kỳ IV (2016-2021) qua tâm sự trong tôi thán phục về tính cầu tiến học tập và đặc biệt hơn đó là sự nhiệt thành tận tâm với khoa học, tận hiến với Liên hiệp Hội. 

Tận tâm với khoa học
 
Tiến sĩ Nông học Y Ghi Niê (Tiến sĩ Y Ghi Niê) Với dáng người thấp đậm, rắn chắc và với mái tóc “lãng tử khoa học” với âm vực chất giọng lơ lớ “lai Kinh” luôn vui vẻ hòa đồng với mọi người, được nhiều đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh yêu mế.
 
Anh là người Êđê, sinh năm 1958, ở buôn Puăn, huyện Krông Pách, tỉnh Đắc Lắc. Sau khi tốt nghiệp Phổ thông Trung học, Y Ghi Niê theo học Đại học Tây Nguyên, chuyên ngành Nông học. Năm 1984, Y Ghi Niê tốt nghiệp Đại học loại Xuất sắc, Ban giám hiệu trường Đại học Tây Nguyên có nhã ý muốn giữ chàng sinh viên buôn Puăn ở lại trường để làm giảng viên nhưng Y Ghi Niê muốn đem kiến thức đã được đào tạo để xây dựng quê hương. Và chàng kỹ sư Nông học Y Ghi Niê đã làm việc tại Xí nghiệp Liên hợp Cà phê Việt Xô 333, lúc này đơn vị đang hợp tác với Liên Xô (cũ) để trồng, sản xuất và chế biến cà phê (Nay là Công ty Cổ phần Mía đường 333). Hai năm sau, huyện mới Eakar thành lập (thành lập 13-9-1986), Y Ghi Niê, được tổ chức phân công giữ chức vụ Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Eakar, nơi anh bắt đầu phát huy chuyên môn, nghề nghiệp, lặn lội tìm những giống cây trồng và vật nuôi mới … và vận động đồng bào ở Eakar trồng thử nghiệm đều thành công, có năng suất cao và chất lượng tốt, giúp cho người dân Ea Kar có được những vụ mùa bội thu các sản phẩm nông nghiệp. Ea Kar từ đó đã trở thành một huyện dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần tạo đà cho Đắk Lắk trở thành tỉnh dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp của cả nước.
Từ kết quả thực tiễn trên cùng với đam mê nghiên cứu thêm kiến thức cao hơn, Y Ghi Niê đã học Cao học và bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ Năm 1997 với đề tài “Một số giải pháp phát triển hệ thống nông nghiệp bền vững ở nông thôn huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk”
 
Thành công trong chuyên môn, uy tín trong công tác, Thạc sĩ Y Ghi Niê được lãnh đạo tỉnh tín nhiệm giao giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar. Bằng sự tận tâm với khoa học, trách nhiệm của một lãnh đạo huyện, Thạc sĩ Y Ghi Niê đã góp phần vào sự ra đời cụm công nghiệp huyện Ea Kar, cụm công nghiệp đầu tiên của tỉnh và trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Đắk Lắk
Năm 2000, Thạc sĩ Y Ghi Niê được Tỉnh ủy Đắk Lắk đã điều động nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Đắk Lắk. Tâm thế là một nhà khoa học, trách nhiệm của một lãnh đạo Sở, anh chỉ đạo và trực tiếp thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và quốc gia. Ngoài ra anh còn có công lớn trong việc xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ toàn quốc).
 
Đề tài: “Nghiên cứu hoàn thiện chương trình hỗ trợ xử lý chữ viết của một số dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên bằng phần mềm Taynguyenkey” do anh làm đồng tác giả đã được ứng dụng hữu ích rất tốt trong các cơ quan, ban ngành của các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Nhờ có phần mềm này, sáu thứ tiếng của những dân tộc thiểu số chủ yếu của Tây Nguyên đã có thể được thể hiện trên máy vi tính, giúp cho việc phổ biến kiến thức cho đồng bào dân tộc thiểu số được dễ dàng và thuận tiện hơn.
 
Năm 2003, ThS. Y Ghi Niê bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài: “Nghiên cứu một số giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk” tại Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội).
Tận hiến với Liên hiệp Hội
 
Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk được thành lập tháng 10/2001. Khi còn đương nhiệm là Phó Giám đốc Sở KH&CN (2000) và Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Lắk (2004), TS Y Ghi Niê tham gia Ban chấp hành Liên hiệp Hội từ nhiệm kỳ đầu tiên và đảm nhận nhiều chức vụ có liên quan và hiện nay anh là Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Đắk Lắk, nhiệm kỳ III (2011-2016).
 
Tiếp xúc với một số cán bộ Liên hiệp Hội Đắk Lắk, họ đánh giá về anh “TS Y Ghi Niê,là nhà khoa học của tỉnh, nên ông rất hiểu tầm quan trọng về công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với Liên hiệp Hội, ngay khi tham gia Ban chấp hành Liên hiệp hội từ nhiệm kỳ đầu tiên và hiện nay ông có những ý kiến, với luận cứ khoa học thực tiễn và tầm nhìn chiến lược trong hoạt động. Ông đã giúp Liên hiệp hội Đắk Lắk luôn định được hướng đi đúng và trở thành đơn vị dẫn đầu hệ thống Liên hiệp Hội khu vực Tây Nguyên”.
 
Vừa qua, TS Y Ghi Niê đã họp bàn với các sở, ban, ngành hữu quan trong tỉnh về việc xây dựng Quy chế Tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội để trình UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành nhằm cụ thể hóa Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Y Ghi Niê2
TS Y Ghi Niê (thứ 3, từ phải sang) tại Lễ ký kết hợp tác hoạt động giữa Liên hiệp Hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, do Liên hiệp Hội Phú Yên tổ chức tháng7/2014.
 
Còn nhớ năm 2012 khi TS Y Ghi Niê là ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam, phụ trách khu vực miền trung-Tây Nguyên, Liên hiệp Hội Phú Yên lúc này gặp khó khăn về khách quan trong công tác tổ chức Đại hội mãn nhiệm kỳ 3 (2007-2012), Không quản ngại khó khăn xa xôi, ngoài việc thường xuyên điện thoại hỏi thăm tình hình, tiến độ chuẩn bị tổ chức Đại hội của Liên hiệp Hội Phú Yên và anh cũng đôi lần trực tiếp đăng ký làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, lãnh đạo Liên hiệp Hội Phú Yên để bàn cách tháo gỡ khó khăn để tiến hành Đại hội. Ngày khai mạc Đại hội Liên hiệp Hội nhiệm kỳ IV (2013-2018), anh về tham dự với khuôn mặt tươi vui mãn nguyện vì ở anh đã hoàn thành xuất sắc vai trò và nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam giao phó.
 
Với vai trò phụ trách khu vực miền Trung-Tây Nguyên (nay anh Phụ trách khu vực Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp hội Bình Định, phụ trách khu vực miền Trung), anh đã tổ chức Hội nghị giao ban khu vực hàng năm. Mô hình không mới so với các tổ chức chính trị xã hội khác, nhưng đối với Liên hiệp Hội có được mô hình hoạt động này không phả là đơn giản, nhưng TS Y Ghi Niê đã làm được điều đó và để lại nhiều tình cảm cũng như kết quả tốt đẹp của nhưng kỳ Hội nghị. TS Y Ghi Niê, trải lòng “Liên hiệp Hội chúng ta ra đời chậm, ít nhiều còn khó khăn. Tổ chức những kỳ Hội nghị là cơ hội để anh em chúng ta có dịp gặp nhau chia sẻ, học tập nhau không ngoài mục đích chung tay xây dựng Liên hiệp Hội ngày càng phát triển”
 
Hầu hết các lãnh đạo Liên hiệp Hội trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên đều đánh giá cao vai trò và lòng nhiệt huyết của anh đối với hoạt động Liên hiệp Hội. ThS Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp Hội Phú Yên, đánh giá “TSY Ghi Niê rất khiêm tốn trong khoa học, nhiệt tình với trách nhiệm, chan hòa với đồng nghiệp. Một con người dễ gần và dễ mến”.
 

Trong quá trình công tác, TS Y Ghi Niê đã vinh dự đón nhận nhiều bằng khen các cấp và vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008). Ở tuổi gần “Lục thập Hoa giáp” (tuổi 60) và tại Đại hội lần thứ IV (2016-2021), anh được tập thể tín nhiệm bầu chọn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Liên hiệp Hội Đắk Lắk. Tôi kính mến anh, ví anh như con chim Kơ Tía không bao giờ mỏi cánh trên bầu trời khoa học vùng đất đỏ Ba zan phố núi Ban Mê.
 
(*) Bài có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp.
Tin: Huỳnh Đức Thế 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 102
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.844
account_box Trong năm: 20.604
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.924