Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Đội ngũ trí thức trong các trường đại học, cao đẳng: Nhiều đề tài, sáng chế hay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật lúc:   08:09:32 - 07/06/2021 Số lượt xem:   700 Người đăng:   Administrator
Thầy Nguyễn Thanh Tước, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung hướng dẫn sinh viên ngành Điện học tập thông qua Mô hình dạy học lắp đặt điện nhà thông minh do thầy tự làm. Đây là mô hình đạt gi Thầy Nguyễn Thanh Tước, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung hướng dẫn sinh viên ngành Điện học tập thông qua Mô hình dạy học lắp đặt điện nhà thông minh do thầy tự làm. Đây là mô hình đạt gi
Cùng với sự phát triển của tỉnh, thời gian qua, đội ngũ trí thức trong các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đề tài, sáng chế được ứng dụng thành công trong thực tiễn, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Phát huy vai trò nghiên cứu khoa học 
Từ khi có Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ trí thức nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Phú Yên. Qua đó, số lượng trí thức trên toàn tỉnh ngày càng lớn mạnh. Riêng các trường ĐH, CĐ đã có trên 900 người có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, trong đó có 75 người có trình độ tiến sĩ, 521 người có trình độ thạc sĩ. Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, đội ngũ trí thức các trường ĐH, CĐ còn phát huy mạnh mẽ vai trò nghiên cứu khoa học khi có nhiều đề tài, sáng chế được ứng dụng vào các lĩnh vực của đời sống. 
Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều đề tài có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử đã được các nhà giáo Trường đại học Phú Yên triển khai thực hiện, như Đặc trưng văn hóa Phú Yên của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Trang; các đề tài Yếu tố thần kỳ trong truyện cổ Nam Trung Bộ, Văn học dân gian Phú Yên, Nghiên cứu và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và danh lam thắng cảnh phục vụ hoạt động du lịch tỉnh Phú Yên của TS Nguyễn Định; đề tài Nhân vật chí Phú Yên của TS Đào Nhật Kim…, góp phần cung cấp dữ liệu, thông tin, luận cứ khoa học phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và ban hành các chủ trương, chính sách, định hướng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục trên địa bàn tỉnh. 
Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, đội ngũ trí thức các trường ĐH, CĐ tập trung nghiên cứu nhiều đề tài, dự án mang tính ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, quản lý môi trường, như Nghiên cứu, chế tạo môi chất dùng cho quá trình kết đông siêu tốc thủy sản sử dụng trên mô hình máy lạnh cấp 1 của TS Đặng Văn Lái (Trường cao đẳng Nghề Phú Yên); Nghiên cứu xây dựng mô hình nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu từ rác thải sinh hoạt của TS Nguyễn Trung Thoại (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung); Sử dụng lớp phủ epoxy cho kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thủy tinh FRP trong môi trường ăn mòn ven biển tỉnh Phú Yên và vùng lân cận của TS Nguyễn Phan Duy (Trường đại học Xây dựng Miền Trung)…, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. 
Hoặc các mô hình như Đánh giá khả năng sinh trưởng hai giống tỏi trắng (Allium satium L.) qua bốn mật độ trồng trên đất cát ven biển TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên của kỹ sư Trần Thế Dân; Nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên của ThS Đào Anh Xuân; Nghiên cứu tiềm năng thức ăn, tình hình nuôi dưỡng và thử nghiệm giải pháp bổ sung thức ăn tinh từ nguồn nguyên liệu địa phương cho dê nuôi vỗ béo trong nông hộ tỉnh Phú Yên của ThS Lương Thị Mai…, góp phần giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. 
Bên cạnh nghiên cứu các đề tài, dự án liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đội ngũ trí thức các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh còn nghiên cứu, đề xuất giải pháp đối với các vấn đề của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên như phát triển kinh tế biển, đảo duyên hải Nam Trung Bộ, sản xuất dược liệu miền Trung - Tây Nguyên… 
Tạo môi trường thuận lợi để nghiên cứu, sáng tạo 
Tại Hội thảo khoa học Vai trò của các trường CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, lãnh đạo các trường và các đại biểu là đại diện các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh, khẳng định đội ngũ trí thức các trường ĐH, CĐ đã phát huy được vai trò của mình trong nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân lực và tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của các trường; đồng thời là nòng cốt trong hoạt động nghiên cứu, thông tin, phổ biến kiến thức, triển khai ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất, đời sống.
Máy sát khuẩn tự động do các nhà giáo Trường cao đẳng Nghề Phú Yên sáng chế được sử dụng phổ biến trong phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: THÚY HẰNG

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, đội ngũ trí thức các trường ĐH, CĐ vẫn còn những hạn chế, đó là số trí thức trực tiếp tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học ít có công bố nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, công nghệ ở tầm quốc tế; việc tham gia tuyển chọn, nghiên cứu các đề tài, dự án KH-CN chỉ mới tập trung ở một bộ phận cán bộ, giảng viên; các trường vẫn còn thiếu trang thiết bị dạy học và nghiên cứu khoa học phục vụ nghiên cứu chuyên sâu… 
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời đại công nghiệp 4.0, để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong các trường ĐH, CĐ ngày càng lớn mạnh cả về lượng và chất, có cơ cấu hợp lý, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, TS Đào Nhật Kim, Trưởng Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế (Trường đại học Phú Yên) cho rằng hơn lúc nào hết, lãnh đạo tỉnh và các trường cần có những giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức KH-CN bắt kịp với sự phát triển KH-CN trong xu thế mới. Đó cũng là một trong những điều kiện bảo đảm thành công trong sự nghiệp CNH-HĐH, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. 
Theo các trường, trước hết tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút các nhà khoa học có tầm nhìn và năng lực sáng tạo cao, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu phát triển ngành/chuyên ngành đào tạo, khoa học và công nghệ mới. Tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm tại các trường ĐH, CĐ, tạo môi trường làm việc thông thoáng, hiện đại cho đội ngũ trí thức KH-CN có đủ điều kiện để tập trung nghiên cứu, sáng tạo. 
TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên và cũng là người có nhiều mô hình, sáng kiến khoa học kỹ thuật, chia sẻ: Thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, mỗi cán bộ, giảng viên tự hoàn thiện năng lực chuyên môn. Vậy nên tỉnh cũng như các trường cần có kế hoạch bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên để gửi đi đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ngoài, nâng dần chuẩn giảng viên có trình độ tiến sĩ theo các đề án có sử dụng ngân sách Nhà nước, các chương trình học bổng hiệp định…
Sự bùng nổ của các công nghệ liên ngành, đa ngành, xuyên ngành của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức rất lớn đối với yêu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Vì vậy, đội ngũ trí thức trong các trường ĐH, CĐ mong muốn lãnh đạo tỉnh và nhà trường tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để họ bắt kịp với xu thế mới của KH-CN.
THÚY HẰNG
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 81
accessibility Hôm qua: 80
account_circle Trong tháng: 275.235
account_box Trong năm: 23.858
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.178