Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp bền vững

Cập nhật lúc:   09:39:44 - 19/12/2022 Số lượt xem:   482 Người đăng:   Administrator
Lãnh đạo các sở, ban ngành và hội đoàn thể trong tỉnh tham quan mô hình trồng dưa hoàng kim trong nhà kính tại trung tâm. Ảnh: LỆ VĂN Lãnh đạo các sở, ban ngành và hội đoàn thể trong tỉnh tham quan mô hình trồng dưa hoàng kim trong nhà kính tại trung tâm. Ảnh: LỆ VĂN
Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh đặt hàng, cho chủ trương, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên còn đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH-CN, qua đó góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Xây dựng nhiều quy trình kỹ thuật 
Theo ông Phạm Quốc Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ Phú Yên (BQL Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên), thời gian qua, trung tâm đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng nhiều mô hình vào sản xuất và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân ở các HTX trong tỉnh. Đơn cử như quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc dưa lưới, dưa leo và cải bó xôi; quy trình nhân giống cây sung magic bằng phương pháp nuôi cấy mô; quy trình trồng rau bằng phương pháp thủy canh hồi lưu, quy trình trồng gừng trong máng ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; quy trình trồng và chăm sóc dưa hoàng kim trong nhà màng; quy trình nhân giống và nuôi trồng nấm nhộng trùng thảo, nấm mối đen, nấm hoàng đế… Bước đầu đã chuyển giao cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây sung magic cho HTX Đồng Din; chuyển giao công nghệ trồng dưa hoàng kim trong nhà màng cho Công ty TNHH Đầu tư Nam Việt Hưng - Phú Yên. Đối với nấm mối đen, trung tâm đã chuyển giao bịch phôi cho Công ty TNHH Fam Việt trồng và đã cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao. 
Theo kỹ sư Nguyễn Duy Triều, cán bộ trung tâm, người dân đầu tư khoảng 350 triệu đồng làm 1.000mnhà màng trồng dưa hoàng kim, mỗi vụ trồng từ 2.000-2.500 cây, thu hoạch khoảng 2,5-3 tấn/vụ, với giá bình quân 35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm lợi nhuận khoảng 90-108 triệu đồng. Người dân chỉ cần trồng 3 vụ/năm, sau 3 năm là có thể thu hồi vốn. 
Mới đây, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thấy trồng cà chua bi trên giá thể trong nhà màng đem lại hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên đề xuất thực hiện nhiệm vụ khoa học trồng cây cà chua bi trong nhà màng. Theo đó, trung tâm trồng 2 giống cà chua bi sô cô la và cà chua bi genery đỏ. Đây là hai loại cà chua trái nhỏ, có vỏ căng bóng, mịn. Khi chín màu đỏ đậm bắt mắt. Đặc biệt, cà chua bi lại ít hạt, cơm dày, nhiều tinh bột, có vị ngọt thanh rất dễ dùng, có thể ăn sống như trái cây, làm sinh tố hay nấu chín vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng và có thể bảo quản hơn 10 ngày ở điều kiện bình thường. 
“Qua 2 tháng thực hiện đề tài trồng cà chua bi trên giá thể trong nhà màng, trung tâm nhận thấy cây cà chua phát triển thích hợp với điều kiện tại Phú Yên. Hiện cây cà chua đã cho những quả đầu tiên, hứa hẹn sẽ mang lại một đối tượng cây trồng mới, hiệu quả hơn trong điều kiện nhà màng tại Phú Yên, cũng như góp phần tăng thu nhập cho nông dân”, ông Phạm Quốc Hoàng chia sẻ. 
Đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác và chuyển giao khoa học 
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng BQL Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, công tác nghiên cứu, chuyển giao KH-CN trong sản xuất nông nghiệp luôn được đơn vị quan tâm đầu tư đúng mức. Trong đó, nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ, khảo nghiệm và chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật mô hình cho doanh nghiệp, nông dân và HTX trong tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hình thành những vùng sản xuất lớn, theo chuỗi, tạo ra các sản xuất chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao… 
Bên cạnh đó, đơn vị còn hợp tác và chuyển giao KH-CN, liên kết hợp tác với Trường đại học Phú Yên, BQL Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Viện Di truyền nông nghiệp… để phối hợp nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, nhân rộng các quy trình công nghệ như: nghiên cứu nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô chuối, lan, mía; nghiên cứu nhân giống nuôi cấy mô giống sắn kháng bệnh khảm lá có năng suất, hàm lượng tinh bột cao cho tỉnh Phú Yên và các vùng phụ cận... Điều này góp phần quan trọng trong việc hình thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng. 
“Đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường phát triển tiềm lực KH-CN trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học trong lai tạo sản xuất giống. Song song đó nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, chế phẩm sinh học; ứng dụng công nghệ mới vào thu hoạch, bảo quản và chế biến… góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cường phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm. 
Ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà. 
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng BQL Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 114
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.856
account_box Trong năm: 20.616
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.936