Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

PGS.TS Nguyễn Văn Thưởng - Trưởng thành từ đam mê nghiên cứu khoa học

Cập nhật lúc:   15:58:35 - 17/04/2018 Số lượt xem:   1679 Người đăng:   Administrator
PGS.TS Nguyễn Văn Thưởng, báo cáo tham luận tại một hội thảo khoa học quốc tế PGS.TS Nguyễn Văn Thưởng, báo cáo tham luận tại một hội thảo khoa học quốc tế
Tôi may mắn có cơ hội gặp gỡ, trao đổi cùng ông, điều làm cho chúng tôi khâm phục hơn và thấu hiểu hơn đó về sự đam mê “Nghiên cứu khoa học” và sự cống hiến trong việc “Trồng người”.
Trong giới nghiên cứu khoa học lịch sử ở trong tỉnh Phú Yên, ai cũng biết đến ông, người vừa được Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ký quyết định công nhận nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư ngành Sử học - ông là PGS.TS Nguyễn Văn Thưởng, hội viên Hội Sử học Phú Yên - Trưởng khoa, kiêm Trưởng bộ môn Lịch sử - Địa lý khoa Xã hội và Nhân văn của trường Đại học Phú Yên.

Tuổi thơ ước mơ làm thầy giáo

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở một làng cát Tân Hòa xưa, có tên gọi là làng Thạnh Lâm, thuộc xã Hòa Thành (nay là KP 5, phường Phú Thạnh-TP Tuy Hòa-Phú Yên). Anh lớn lên trong gia đình làm nông, có đông anh chị em, anh là người con thứ 5, tuy thu nhập kinh tế chính của gia đình là làm ruộng và canh tác hoa màu trên vùng đất cát nhưng đủ trang trải cho tất cả 7 anh chị em ăn học.

Vì cuộc sống khó khăn, nhiều gia đình ở trong làng Tân Hòa cho con nghỉ học sớm để lao động mưu sinh, nhưng các anh chị em của ông vẫn được cha mẹ cố công lao động để nuôi ăn học đến nơi đến chốn. Thân sinh của ông - Cụ ông Nguyễn Văn Tin (86 tuổi) chia sẻ với chúng tôi “Dẫu biết nhà đông con, kinh tế cuộc sống còn chật vật nhiều, nhưng vì tương lai của con nên bằng mọi giá vợ chồng tôi gắng sức lao động để nuôi con ăn học đến cùng!”

Tìm hiểu việc tuổi thơ của ông ước mơ làm thầy giáo, ông trải lòng: “Cuộc đời ai cũng có những ước mơ để phấn đấu theo đuổi ước mơ ấy. Và tôi cũng thế! Ước mơ của tôi được hình thành theo thời gian từ lúc còn nhỏ, thể hiện trong những ngày nghỉ học cuối tuần để chơi trò chơi cùng lũ bạn xóm. Ngày ấy, lũ trẻ bọn tôi bảy tám đứa thường tụ tập với nhau ở thềm nhà trụ sở đội sản xuất Đội 5, thôn Thạnh Phú- Thị trấn Phú Lâm (nay là trụ sở Khu phố 5 phường Phú Thạnh -TP Tuy Hòa-Phú Yên) chơi trò thầy cô giáo. Thuở ấy bọn tôi chơi trò “bao tiếng xùm” (ít ra nhiều bị) hoặc “đánh tù tì” (oẳn tù tì) và người nào thắng được nhiều lần thì được làm thầy giáo còn lại những người thua phải làm học trò.

Hình tượng ông giáo trong mắt của những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên của chúng tôi là một người oai phong và quan trọng lắm; là người thể hiện sự hiểu biết vượt trội và và có khả năng truyền đạt rất thông minh. Thế nên, ai cũng muốn được làm Thầy, ai cũng thích làm Thầy - Trong đó có tôi. Và có duyên chăng khi trong những lần chơi tập làm thầy giáo tôi thường được làm thầy nhiều hơn là làm học trò. Từ đó, vai diễn của tôi làm một thầy giáo của nhóm bạn cùng xóm lớn dần theo năm tháng, kể cả đi vào giấc mơ của tôi. Khi lớn lên, đi học Trung học cơ sở và Trung học Phổ thong, ước nguyện làm người thầy giáo càng cháy bỏng trong tôi cho nên sau khi tốt nghiệp PTTH Ngô Gia Tự, năm 1990 tôi nộp đơn và thi đậu vào Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, bắt đầu với tư thế làm ông giáo tương lai...”

Hành trình từ thầy giáo đến Phó giáo sư

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 1994, với chuyên ngành Lịch sử-Chính trị, ông về giảng dạy ở Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh tỉnh Phú Yên với thời gian 15 năm (1994-2008), trong khoảng thời gian ấy, ông vừa giảng dạy vừa tự học hỏi để nâng cao trình độ. Từ năm 2001 cho đến năm 2008, ông đã học xong chương trình Cao học và tốt nghiệp Thạc sĩ xuất sắc và nghiệp học lại đến với ông được chuyển tiếp Nghiên cứu sinh làm Tiến sĩ. ông tâm sự : Tôi nghĩ, daỵ học phổ thông thầy giáo thế là được rồi, nhưng cái thích nghiên cứu khoa học lại đưa tôi đến với Viện Sử học Việt Nam. 

Trở về trường Chuyên một thời gian ngắn, từ tháng 8/2009, ông  được điều động sang làm Giảng viên Khoa Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Phú Yên. Cùng với uy tín, năng lực và chuyên môn ông được cử làm Trưởng bộ môn Lịch sử - Địa lí Khoa Xã hội và Nhân văn (3/2012) rồi giữ chức vụ Phó Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn, kiêm Trưởng bộ môn Lịch sử - Địa lý (6/2012) và từ tháng 5/2016 đến nay là Trưởng khoa, kiêm Trưởng bộ môn Lịch sử - Địa lý khoa Xã hội và Nhân văn trường Đại học Phú Yên. 

Có thể nói năm 2008, ở tuổi 37, ông là Tiến sĩ Sử học đầu tiên của Phú Yên. 24 năm “làm người đưa đò” và gắn bó với khoa học lịch sử đã thôi thúc anh trải lòng và đam mê nghiệp viết sách. Ông đã viết cho nhiều báo, tạp chí chuyên ngành ở địa phương và Trung ương, đăng ký thực hiện viết nhiều đề tài, xuất bản nhiều tập sách. Đến nay ông đã tham gia (viết chung và riêng) 39 công trình khoa học chuyên ngành lịch sử và xuất bản 16 cuốn sách tham khảo, trong đó chủ biên và viết riêng 5 cuốn. Đơn cử, cuốn sách “Lương Văn Chánh - thân thế và sự nghiệp” của thầy được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển, có thể xem như một sự tôn vinh của người dân đất Phú đối với vị Thành hoàng vùng đất Phú Yên. Gần đây, ông viết 2 cuốn sách: “Xây dựng tuyến phòng thủ ven biển dưới triều Nguyễn (tỉnh Bình Định - Phú Yên)”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, và cuốn “Hoạt động của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (1930-1931)”, NXB Lý luận Chính trị Hà Nội… đều là những công trình, tác phẩm có giá trị được giới sử học và bạn đọc đánh giá cao. Phần lớn nội dung nghiên cứu của ông tập trung vào lĩnh vực sử học, những kết quả nghiên cứu của anh đã được vận dụng vào quá trình giảng dạy, đào tạo sinh viên đại học và học viên cao học.

Được biết, hiện nay ông luôn động viên, khuyến khích đồng nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, vì đây là điều kiện giúp giảng viên trang bị nhiều kiến thức thực tiễn và đứng vững trên bục giảng. Bản thân đã hướng dẫn sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, và đặc biệt là hướng dẫn học viên làm luận văn thạc sĩ. Đã và đang hướng dẫn hơn 10 học viên cao học và một nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Ông cũng thường xuyên tham gia các hội đồng khoa học chuyên ngành, cụ thể là tham gia đánh giá, phản biện, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học ngành xã hội cấp bộ, cấp tỉnh, cấp trường ở tỉnh Phú Yên và các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa; tham gia hội đồng chấm điểm luận văn thạc sĩ.

Bên cạnh đó, ông thường xuyên trao đổi học thuật thông qua hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và hội thảo quốc tế tổ chức ở Việt Nam. Và ông là người duy nhất ở Phú Yên được mời tham gia biên soạn 3 chuyên đề trong Bộ Lịch sử Việt Nam (Bộ Quốc Sử) thuộc đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia thực hiện từ năm 2014-2018 do GS Phan Huy Lê làm chủ nhiệm.

Làm được rất nhiều việc có ý nghĩa trong sự nghiệp “trồng người” cũng như công tác nghiên cứu khoa học nhưng ông rất kiệm lời về việc làm của mình mà chỉ mong làm thật nhiều và được mọi người chấp nhận, trao đổi với nhau.  Ông bộc bạch: “Tôi không tham vọng nghiên cứu những công trình lớn lao mà chỉ có khát vọng được đóng góp chút công sức của mình cho quê hương là vui rồi”. Với cảm nhận của tôi về ông , đó là người luôn đề cao việc tự học, tự nghiên cứu. Sự nghiêm túc trong giảng dạy, tính tình hòa nhã, khiêm tốn và say sưa nghiên cứu khoa học của thầy luôn được đồng nghiệp và bạn bè ngưỡng mộ.

Theo TS Nguyễn Định, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Phú Yên, nhận xét: “Với những nỗ lực đóng góp, cống hiến xuyên suốt chặng đường gần một phần tư thế kỷ trong sự nghiệp GD-ĐT và nghiên cứu khoa học, PGS. TS Nguyễn Văn Thưởng được Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh PGS, là sự vinh danh, ghi nhận xứng đáng. Có thể nói, thầy Nguyễn Văn Thưởng, một nhà khoa học, một trí thức Phú Yên nhiệt thành, đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp GD-ĐT nói chung cũng như cho Phú Yên nói riêng”./
Tác giả bài viết: Huỳnh Đức Thế
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 6
accessibility Hôm qua: 73
account_circle Trong tháng: 274.584
account_box Trong năm: 23.207
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.527