Nông dân ngại trồng dưa “công nghệ cao”

Cập nhật lúc:   14:25:01 - 13/08/2018 Số lượt xem:   2376 Người đăng:   Administrator
Sản xuất thử nghiệm dưa lưới tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - Ảnh: THÁI HÀ Sản xuất thử nghiệm dưa lưới tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - Ảnh: THÁI HÀ
Khoảng 3 năm trở lại đây, dưa lưới được thị trường trong tỉnh ưa chuộng với giá bán cao gấp nhiều lần so với các loại dưa truyền thống. Tuy nhiên, vì phải đầu tư nhiều vốn, áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại nhưng đầu ra chưa rõ nét nên dưa lưới chưa được nhiều nông dân quan tâm đầu tư.
Vốn đầu tư lớn, kỹ thuật cao
 
Theo ThS Nguyễn Trọng Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, dưa lưới thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae), là rau ăn quả có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm với năng suất khá cao. Hiện nay, dưa lưới được trồng khắp nơi trên thế giới và mang lại cho người trồng dưa lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, để canh tác dưa lưới thành công, người dân cần áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao.
 
Dưa lưới là loại cây ưa nhiệt nên rất dễ trồng trong những mùa khô ráo, ít mưa. Thời vụ trồng dưa lưới thích hợp là từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm. Hiện ở các địa phương khác, người dân canh tác dưa lưới theo 2 cách: trồng ngoài trời hoặc trồng trong nhà màng. Trồng ngoài trời có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp nhưng chỉ trồng được mùa nắng, chất lượng dưa thấp và dễ sâu bệnh. Để khắc phục những yếu tố bất lợi của thời tiết, đòi hỏi người trồng dưa phải đầu tư xây dựng nhà màng.
 
Trồng dưa lưới trong nhà màng là mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, sạch và an toàn. Canh tác trong nhà màng là kiểu canh tác tiên tiến có nhiều ưu điểm so với cách canh tác truyền thống như: trồng được nhiều vụ trong năm, trồng cây trái vụ và ít chịu ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết. Canh tác dưa lưới trong nhà màng cũng hạn chế được sâu bệnh, giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua đó tạo nên sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, mang lại lợi nhuận vượt trội so với phương pháp canh tác truyền thống trên cùng một diện tích.
 
Tại Phú Yên, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (gọi tắt là trung tâm) là nơi đầu tiên trồng dưa lưới trong nhà màng. Trong 3 năm qua, trung tâm đã trồng thử nghiệm 5 giống dưa lưới và chọn ra 4 giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Phú Yên, gồm: net orange MLN01, thongkham 9999, milky 222, AB sweet gold.
 
Hiện tại, trung tâm đang đầu tư nhà màng 400m2, canh tác mỗi năm 3 vụ dưa lưới. Tính luôn khấu hao tiền nhà màng (đầu tư từ 120-160 triệu đồng) thì mỗi vụ, lợi nhuận của 400m2 dưa lưới này là từ 18-20 triệu đồng. Các sản phẩm dưa lưới trồng tại trung tâm hiện không đủ cung ứng cho nhu cầu sử dụng của người dân trong tỉnh.
 
Người dân còn e dè
 
Hiện nay, dưa lưới ở Việt Nam được trồng tập trung tại các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang. Tuy nhiên, do loại trái cây này mới du nhập vào Việt Nam được gần 10 năm nay nên một số nông dân chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính của cây. Mặt khác, vì đầu tư nhà trồng dưa lưới cần nhiều vốn nên mặc dù thấy rõ hiệu quả kinh tế cây trồng này mang lại nhưng người dân vẫn e dè khi đầu tư.
 
Ông Nguyễn Trọng Lực cho biết, trung tâm chỉ là nơi thực hiện mô hình mẫu, sau đó nếu thấy khả thi sẽ chuyển giao cho người dân trồng chứ không thể sản xuất trong thời gian dài. Tuy nhiên, khi tập huấn kỹ thuật trồng dưa lưới cho người dân, nhiều người vẫn còn e dè vì phải bỏ vốn lớn làm nhà màng nên đến thời điểm hiện tại, trung tâm vẫn đang tìm kiếm những người có vốn, nhiệt huyết để chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới.
 
Bà Đào Thị Năng (xã An Hải, huyện Tuy An) chia sẻ: “Thấy các kỹ thuật viên giới thiệu về cây dưa lưới và hiệu quả kinh tế mà nó mang lại, người dân ở đây ai cũng phấn khởi. Bản thân tôi cũng muốn trồng thử nhưng nghĩ lại sợ làm ra mà không ai mua thì mất rất nhiều vốn liếng. Trước đây, tôi từng thấy người dân cứ đua nhau trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Đến khi trồng nhiều quá, bán không ai mua lại phải nhổ bỏ. Đầu tư cho dưa lưới phải mất hàng trăm triệu đồng, nếu không bán được, tổn thất sẽ rất lớn”.
 
Nói về việc trồng dưa lưới hiện nay, ông Lưu Dũng Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Tuy Hòa, cho biết: Dưa lưới là loại trái cây chất lượng, giá thành cao và mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, không giống các cây trồng khác, việc bỏ vốn để trồng dưa lưới có chi phí khá lớn trong khi đầu ra chưa rõ nét, chưa có đơn vị bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, dưa lưới cũng chưa phải là sản phẩm quen thuộc với đại đa số người dân khiến nông dân còn e ngại về đầu ra nên không đầu tư.
 
Hiện nay, ngoài Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ đã trồng thử nghiệm thành công dưa lưới, TP Tuy Hòa cũng có một hộ trồng nhưng do điều kiện trồng còn sơ sài, không có nhà màng nên kết quả không thành công. Để người dân yên tâm khi bỏ vốn đầu tư, TP Tuy Hòa chỉ nên trồng thử nghiệm 1.000m2, rải thời gian trồng trong khoảng 10 ngày. Sau vài vụ, dựa vào đầu ra ổn định hay không, hiệu quả kinh tế cao đến đâu, người dân có thể tiếp tục phát triển mô hình ra các địa phương trong tỉnh.
 
Trong khi đó, khẳng định hiệu quả kinh tế mà dưa lưới mang lại, ông Nguyễn Trọng Lực cho rằng người dân không nên sợ đầu tư lớn bởi số vốn xây dựng nhà màng này sẽ được khấu hao qua từng năm. Ngoài lợi nhuận từ trồng dưa, nhà màng còn có thể dùng để trồng các loại hoa cao cấp như lily hay trồng các loại rau, quả trái vụ an toàn, có giá bán cao nên sẽ dễ dàng thu hồi vốn và có lời.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 93
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 268.735
account_box Trong năm: 20.495
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.815