Ứng dụng IoT - Đổi mới tư duy nhà nông

Cập nhật lúc:   15:03:44 - 17/12/2018 Số lượt xem:   1068 Người đăng:   Administrator
Ứng dụng IoT phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp Ứng dụng IoT phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp
Thế giới đang đổi thay từng ngày từ những gì mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, đó là sự ra đời của một loạt công nghệ mới, nổi bật là những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot,…và đặc biệt là Interner vạn vật, là mạng lưới các thiết bị kết nối Internet (Interner of Thing, viết tắt là IoT).
Hiện nay, nền tảng IoT có thể ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ đề cập chủ yếu đến việc ứng dụng IoT trong nông nghiệp.

Theo các chuyên gia công nghệ, thì IoT được xem là một nền tảng để phát triển nền nông nghiệp thông minh hiện đại. Và thực tiễn đã kiểm chứng hiệu quả tuyệt vời của việc ứng dụng IoT vào nông nghiệp, tiêu biểu như mô hình trang trại thông minh đã trở nên rất phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

Ở Việt Nam, một số mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp mang lại hiệu quả, nổi bật như mô hình nhà kính ở Lâm Đồng, nông trường thông minh tại Quảng Nam, nuôi bò công nghệ 5 sao ở Thanh Hoá, trại gà “sang” ở Bình Phước…

Điểm chung ở các mô hình nói trên là đều ứng dụng công nghệ nền tảng IoT, giúp cho những hoạt động chăm sóc (cây trồng, vật nuôi), chế biến, bảo quản nông sản…được quản lý thông minh, xử lý chính xác tự động hoặc bán tự động.

Thời gian qua, hiệu quả các mô hình nông nghiệp ứng dụng IoT đã mang lại nhiều kết quả tích cực như tăng năng suất, chất lượng nông sản,...Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia thì "con đường" nhân rộng các mô hình này vẫn còn nhiều rào cản phía trước, mà chủ yếu xuất phát từ những hạn chế trong cách nghĩ, cách làm nông nghiệp của đa số nông dân chúng ta. Và để vượt qua những khó khăn đó, cần có sự "bứt phá" mạnh dạn đổi mới sáng tạo.

Đổi mới trong cách nghĩ

Trong ký ức của nhiều người Việt Nam thì làm nông là một nghề vất vả, "chân lấm tay bùn", "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", đa số nông dân vẫn còn kiểu suy nghĩ "lấy công làm lời", "cần cù bù thông minh"...

Hiện nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, máy móc đã thay thế nông dân giải quyết hầu hết các công việc vất vả, "nặng nhọc"; 

Và nhờ IoT mà lao động chân tay trong nông nghiệp sẽ từng bước được giải phóng, ở một số khía cạnh nào đó (canh tác sản xuất, chế biến, bảo quản...) của nền nông nghiệp tương lai sẽ không còn đòi hỏi phải tốn nhiều nhân công lao động. Thực tế một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng IoT ở Việt Nam hiện nay đã phần nào làm được điều đó.

Khi đã có công nghệ hỗ trợ và làm thay nhiều việc, người nông dân sẽ không phải bỏ nhiều thời gian công sức "lấy công làm lời" trên mảnh ruộng của mình, thay vào đó họ có thể làm thêm các công việc khác để tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, để ứng dụng IoT nói riêng và khoa học công nghệ nói chung  mang lại hiệu quả cần có quy mô sản xuất lớn, để khỏi lãng phí nguồn lực tài nguyên công nghệ và cũng vì chi phí cho việc đầu tư ứng dụng ban đầu tương đối cao.

Xong thực tế ở Việt Nam hiện nay, quy mô canh tác manh mún, nhỏ lẻ còn nhiều (có tới 70% hộ sản xuất với diện tích dưới 0,5 ha) cộng với việc nông dân quen với cách sản xuất củ, lạc hậu (dựa nhiều vào kinh nghiệm quan sát cảm tính),  tưới nước, bón phân, phun thuốc bừa bãi không đúng liều lượng, làm gia tăng chi phí sản xuất nhưng năng suất, chất lượng nông sản vẫn thấp.

Mặt khác, nhiều nông dân quá chú trọng vào sản lượng, không áp dụng đúng các quy trình sản xuất sạch - an toàn, nâng cao giá trị nông sản, dẫn đến sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh kém, hiệu quả lợi nhuận thấp.

Để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường, nông dân Việt Nam cần thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún - sang sản xuất hàng hoá lớn; từ kinh tế hộ, đơn lẻ - sang hợp tác, liên kết theo chuổi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống - sang ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng IoT để đảm bảo chính xác quy trình sản xuất sạch, an toàn.

Hay như cách mà một số nông dân ở Đồng Tháp và các Địa phương khác đã làm thành công là tham gia vào hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp hình thành được chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, và tạo tiền đề cho việc ứng dụng khoa học công nghệ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, lợi nhuận cho nông dân.

Từ tập quán sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ và hay rơi vào cảnh "được mùa, mất giá".  Một số nông dân Đồng Tháp đã chuyển sang sản xuất có tổ chức, những người cùng ngành nghề sản xuất như làm lúa, trái cây, nuôi cá...đã liên kết thành lập các hội quán nông dân, hợp tác xã nông nghiệp và đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ. Thông qua các hợp tác xã, hội quán mà nhiều doanh nghiệp đã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân Địa phương.

Như vậy, việc tham gia liên kết hợp tác  “nông dân - doanh nghiệp” hình thành được chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ (đặc biệt là IoT) để tạo ra các mô hình nông nghiệp thông minh, sẽ là một sự đổi mới trong tư duy làm nông nghiệp của nông dân Việt Nam trên con đường hội nhập phát triển.

Sáng tạo trong cách làm

Nhiều nông dân Việt Nam quen với kiểu canh tác sản xuất theo kinh nghiệm cảm tính "trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Hiện nay trong hoàn cảnh thời tiết thường xuyên thay đổi đột ngột do tác động của biến đổi khí hậu, thì nông dân khó mà có thể ứng phó kịp thời với sự thay đổi đó.

Nhưng với IoT vấn đề này sẽ được giải quyết rất dễ dàng. Từ các cảm biến được đặt hợp lý trong khu vườn, nông trại. Cảm biến sẽ thu thập các chỉ số của môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, độ pH,…) một cách liên tục và gửi dữ liệu đó về các bộ vi xử lý để vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng,... đảm bảo phù hợp cho cây trồng.

Hay như việc sử dụng chip điện tử đọc tín hiệu từ các cảm biến đo chỉ số sinh hóa trên cơ thể vật nuôi và chuyển về hệ thống giám sát trung tâm, để theo dõi quá trình sinh trưởng, tình trạng sức khỏe của vật nuôi.

Nhờ ứng dụng các giải pháp IoT đã giúp cho cây trồng, vật nuôi của nhiều nhà vườn, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp… phát triển, sinh trưởng tốt đạt năng suất, chất lượng cao.

Những lợi ích thiết thực của các giải pháp IoT trong nông nghiệp như chia sẻ, có lẻ đã là điều dễ thấy với tất cả chúng ta. Nhưng việc đầu tư giải pháp IoT như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất, phụ thuộc nhiều vào sự hiểu biết và cách làm sáng tạo của mỗi người nông dân.

Chẳng hạn như để đầu tư hệ thống tưới nước phục vụ trong trồng trọt, trong khi  trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp hệ thống tưới tự động được phát triển trên nền tảng IoT. Thì việc lựa chọn, đầu tư  một hệ thống tưới chính xác tự động (giải pháp IoT) mang lại hiệu quả tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: quy mô sản xuất; đặc điểm yêu cầu tưới nước của mỗi loại cây; điều kiện nguồn nước; kỹ thuật vận hành hệ thống; chi phí đầu tư và khả năng lợi nhuận thu được... Tất cả các yếu tố đòi hỏi người nông dân cần phải biết. Và chúng là căn cứ để có sự lựa chọn giải pháp IoT phù hợp.

Đồng thời trong quá trình triển khai giải pháp IoT, người nông dân cần thường xuyên cập nhật kiến thức và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Từ đó có những sáng kiến cải tiến ứng dụng, cách làm sáng tạo nhằm mang lại kết quả tối ưu.

Ví dụ việc đầu tư hệ thống tưới tiêu đối với các loại cây rau, củ, quả trồng cách xa nhau và ở những nơi có nguồn nước khan hiếm, thì hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động là một giải pháp thích hợp để lựa chọn đầu tư, bởi vì những loại rau củ này có rể không rộng nên sẽ giảm lãng phí nguồn nước.

Nhưng đối với một số cây trồng như cây khoai mì, cây mía...(những cây có giá trị kinh tế không cao), thường được trồng trên quy mô diện tích lớn thì việc áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt là không phù hợp (chi phí cao), trong trường hợp này thì hệ thống tưới phun mưa di động có ưu thế hơn (chi phí đầu tư thấp)...

Mặc dù, IoT là nền tảng cơ sở quan trọng để tạo ra các giải pháp công nghệ hỗ trợ tất cả các khâu trong nông nghiệp được xử lý tự động thông minh, chính xác. Tuy nhiên không có giải pháp công nghệ nào là hoàn hảo tuyệt đối với tất cả mọi người. Giải pháp công nghệ nào cũng có cái ưu, cái nhược của nó trong mỗi trường hợp cụ thể. Chỉ có cách làm sáng tạo, sáng kiến cải tiến mới hạn chế được nhược điểm công nghệ và mang lại kết quả đúng như mong muốn của người sử dụng chúng.

Trước đây, chúng ta đã từng nghe câu chuyện về những kỹ sư, nông dân Đất Sen hồng (Đồng Tháp) sáng chế, cải tiến hàng loạt những chiếc máy nông nghiệp ưu việt hơn máy ngoại nhập.

Và giờ đây hi vọng câu chuyện đó sẽ được nhiều nông dân Việt Nam viết tiếp bằng việc ứng dụng sáng tạo IoT và các nền tảng công nghệ hiện đại khác của cuộc cách mạng 4.0 vào nông nghiệp.

Trên con đường chinh phục, ứng dụng những đỉnh cao công nghệ để nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Nông dân Việt Nam không hề đơn độc, nếu họ biết tận dụng sức mạnh tập thể (như hội quán nông dân, hợp tác xã...) liên kết với doanh nghiệp, cùng với sự tương trợ của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ để tạo nên sức mạnh đoàn kết, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam đạt được thành tựu to lớn, trở thành một nền nông nghiệp thực sự thông minh.
 
Tác giả bài viết: Nguyễn Hồng Ly
Nguồn: www.vusta.vn ngày 13/12/2018
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 43
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.879
account_box Trong năm: 23.502
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.822