Bảo tồn nguồn gen dược liệu, giữ gìn vốn quý cho mai sau

Cập nhật lúc:   07:43:45 - 17/04/2018 Số lượt xem:   1343 Người đăng:   Administrator
Ông Dương Bình Phú, Phó Giám đốc Sở KH-CN giới thiệu cây dược liệu đến du khách tham quan Điểm kết nối cung - cầu công nghệ - Ảnh: THÁI HÀ Ông Dương Bình Phú, Phó Giám đốc Sở KH-CN giới thiệu cây dược liệu đến du khách tham quan Điểm kết nối cung - cầu công nghệ - Ảnh: THÁI HÀ
Dưới tác động phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng dân số và hiện tượng bất thường tự nhiên, các nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm tại Phú Yên đứng trước nguy cơ suy giảm và suy thoái nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, việc giữ gìn, phát triển nguồn dược liệu quý hiếm có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, mang đến lợi ích sức khỏe cho cộng đồng và giữ gìn vốn quý cho mai sau.

Khai thác tận diệt

Phú Yên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nên có nguồn cây thuốc quý phong phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu về cây dược liệu ngày càng tăng trong khi nhận thức của người dân chưa được trang bị đầy đủ, công tác quản lý chưa chặt chẽ... khiến cho việc khai thác tài nguyên dược liệu thường diễn ra bừa bãi, không chú ý đến khả năng tái sinh của các loài dẫn đến nguy cơ bị tận diệt.

Khoảng 10 năm trở lại đây, “cơn lốc” thu mua dược liệu thi thoảng lại nổi lên và càn quét qua các xóm làng từ vùng núi cho đến đồng bằng. Thông thường, sau một vài đợt “oanh tạc” của các đầu nậu thu mua, những cây dược liệu sẽ nhanh chóng bị tận diệt. Tại thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), khoảng chục năm trước, cây nhàu rất ít được quan tâm bỗng dưng đội giá lên 50.000-70.000 đồng/kg, khiến cả làng nhốn nháo tìm nhàu để bán.

Người dân khi ấy cũng chẳng biết ai mua, mua để làm gì nhưng vì người thu mua săn lùng ráo riết nên những cây nhàu mọc hoang đều bị hái sạch; nhà nào có nhàu đều phải canh giữ ngày đêm vì sợ trộm. Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm, nhàu tụt giá không phanh rồi sau đó không ai mua nữa. Lúc này, cả xóm quay sang chặt bỏ cây. Tiếp theo cây nhàu, đến các cây chó đẻ (diệp hạ châu), giằng xay, cà cưỡng (cà gai leo), đinh lăng… cũng bị săn lùng ráo riết khiến số lượng những cây này sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn sót lại ít ỏi trong tự nhiên.

Tại vùng núi đèo Cả, xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa), số phận của những cây dược liệu cũng không sáng sủa hơn khi đội ngũ những người đi rừng ngoài việc chặt cọ, kẹp đác, lượm chai, hái củi, đốt than…, còn kiêm thêm hái dược liệu. Trong số những cây dược liệu có tại đèo Cả, lan kim tuyến thu hút rất nhiều người thu hái vì giá bán cao. Ông Nguyễn Văn Bích (xã Hòa Xuân Đông) có thâm niên hơn 30 năm đi rừng cho biết, lan kim tuyến có từ lâu đời trên núi đèo Cả nhưng không ai để ý tới cho đến khi có người đặt mua với giá 200.000-300.000 đồng/kg.

Thời gian đầu, lan mọc khắp nơi nên đi một ngày nhẹ tênh, không phải mang vác nặng, ông cũng kiếm được vài ký, cho thu nhập gần cả triệu đồng. Thấy hấp dẫn, số lượng người đi hái lan ngày một nhiều nên cả ngày có khi mỗi người chỉ hái được vài lạng. Thấy nguồn lan kim tuyến không còn, ông Bích lên vùng Sơn Hòa để hái sa nhân.

Như ông, nhiều người khác ùa lên Sơn Hòa nên chỉ vài tháng, nguồn sa nhân ở đây cũng cạn. Sau nhiều năm đi rừng, thấy công việc ngày càng khó khăn, việc đốt than bị cấm, dược liệu không phục hồi được nên ông Bích bỏ nghề, vào TP Hồ Chí Minh xin làm bảo vệ ở một khu công nghiệp.

Không chỉ nhiều năm trước, mà hiện tại, người dân Sơn Hòa cũng đang khai thác cây cỏ hoa vàng để bán cho thương lái. Chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng của loại cây này nhưng từ khi được đầu nậu thu mua với giá cao, cỏ hoa vàng từ một loại cây phổ biến mọc xen trong mía, cỏ may đã bị người dân thu hái cạn kiệt. Vừa qua, TS Nguyễn Minh Ty, giảng viên Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, đi khảo sát các vùng thường mọc loại cây này để tìm kiếm, phục vụ nghiên cứu nhưng số cây còn lại rất ít ỏi.

Theo ThS Nguyễn Trọng Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, giá trị tài nguyên sinh vật Phú Yên hiện chưa được thống kê, đánh giá chi tiết và đầy đủ nhưng trong những năm qua đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay vẫn còn nhiều người dân sống tại khu vực nông thôn, miền núi phụ thuộc vào tài nguyên rừng và các sản phẩm từ rừng như khai thác gỗ, thực phẩm và các loại cây thuốc chữa trị bệnh. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về giá trị của các cây thuốc Việt Nam cùng với việc thương lái đẩy mạnh thu gom hàng nên người dân càng ra sức săn lùng, tận diệt nhiều cây thuốc để bán với giá rẻ hơn giá trị thực của nó nhiều lần, khiến nguồn dược liệu quý ngày càng cạn kiệt.

Nỗ lực bảo tồn dược liệu quý

Theo nguồn tư liệu “Báo cáo kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học, an toàn sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên” và “Sách đỏ Việt Nam 2007”, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có hơn 13 loài thực vật (trong đó có nhiều cây dược liệu quý) đang đứng trước nguy cơ đe dọa cần được bảo tồn. Để gìn giữ và phát triển những nguồn gen quý này, UBND tỉnh đã có Quyết định 528/QĐ-UBND năm 2015, về việc phê duyệt đề án Khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020. Trong đề án có tên của nhiều cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu của vùng đất Phú Yên.

Nói về tầm quan trọng của việc bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý, ThS Nguyễn Trọng Lực cho biết, Phú Yên có một số loài mọc tự nhiên có trữ lượng khá, có giá trị kinh tế cao như: củ mài, thạch hộc, hà thủ ô trắng, hoàng đằng, bá bệnh và một số loài đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng như cam thảo Đá Bia, nhân sâm Phú Yên, ba kích tím, lan kim tuyến, gừng gió.

Các giống bản địa này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ sức khỏe cộng đồng, mang lại giá trị kinh tế nhưng bị khai thác quá mức, bị đe dọa hoặc bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhờ tập trung nguồn lực làm công tác bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý nên đến nay, nhiều cây dược liệu đã được Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung bảo tồn thành công.

Cụ thể đã xây dựng được quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và giữ được nguồn giống dưới dạng invitro đối với các cây hà thủ ô đỏ, lan kim tuyến; xây dựng được quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô ba kích tím; đã di thực và bước đầu trồng thử nghiệm nhân sâm Phú Yên, xáo tam phân; xây dựng thành công vùng trồng diệp hạ châu, sa nhân công tím. Từ năm 2015 đến nay, cam thảo Đá Bia, thạch hộc, hoàng đằng, sâm cau… đã và đang tiếp tục được nghiên cứu để bảo tồn.

Công tác bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm, đặc hữu của địa phương thời gian qua đã góp phần phục hồi một số nguồn gen bản địa thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Việc bảo tồn thành công các nguồn gen này không chỉ nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến khai thác các nguồn gen đặc hữu ở địa phương nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu mà còn có ý nghĩa thiết thực giúp bảo vệ, gìn giữ các nguồn dược liệu quý cho các thế hệ mai sau.
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 10
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 274.776
account_box Trong năm: 23.399
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.719