Trường cao đẳng Nghề Phú Yên: Sáng kiến chung tay bảo vệ môi trường

Cập nhật lúc:   14:29:15 - 22/06/2020 Số lượt xem:   1047 Người đăng:   Administrator
TS Lê Xuân Sơn (bìa trái) giới thiệu sỏi từ rác thải nhựa ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng đến đại diện WWF. Ảnh: THÁI HÀ TS Lê Xuân Sơn (bìa trái) giới thiệu sỏi từ rác thải nhựa ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng đến đại diện WWF. Ảnh: THÁI HÀ
Cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị hóa, nhiều hệ lụy về môi trường làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Quan tâm đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã có nhiều sáng kiến hay áp dụng vào thực tiễn và được các chuyên gia đánh giá cao.
Hành động thiết thực 
TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho biết, quan hệ giữa con người và môi trường rất mật thiết. Tuy vậy, con người thường ít quan tâm đến môi trường dẫn đến những sức ép và nguy hại lên môi trường ngày càng rõ rệt, thậm chí ảnh hưởng ngược lại đến cuộc sống của con người. Nhận thấy điều đó, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đang thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm của mình qua những sáng kiến góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như thiết thực chung tay bảo vệ môi trường. 
Chỉ vào những chậu hoa đúc bằng bê tông, những chiếc túi ni lông đủ màu sắc, kiểu dáng, kích cỡ hay chiếc chổi dùng để quét xưởng, thầy Đặng Văn Lái cho biết tất cả chúng đều là sản phẩm được tái chế từ rác thải nhựa mà nếu chỉ nhìn sơ qua, khó có thể nhận ra. Để có được những sản phẩm đó, TS Lái đã giao nhiệm vụ cho những giáo viên có chuyên môn trong trường lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện. 
Cô giáo Võ Thị Mỹ Hiền, Trưởng Khoa May - Thiết kế thời trang, chia sẻ: Chúng tôi tận dụng những tấm băng rôn đã được sử dụng và thiết kế ra rất nhiều mẫu túi như: giỏ đi chợ, ví tiền, túi đựng kim chỉ, giỏ đựng quần áo... sau đó để học sinh, sinh viên của trường may. Quá trình may thực hành sẽ giúp các em vừa hoàn thiện tay nghề, vừa nâng cao ý thức hạn chế sử dụng các dạng túi ni lông dùng một lần. Các sản phẩm này sau khi hoàn thành đều được chúng tôi tặng lại cho một số đơn vị, các giáo viên và học sinh của nhà trường. Dù không phải là sản phẩm có nhiều giá trị nhưng góp phần giúp lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng. 
Chung tay đẩy lùi rác thải nhựa 
Thời gian phân rã nhựa lâu và sản sinh ra các hạt vi nhựa đang gây ô nhiễm môi trường đất và nước, thậm chí cả đại dương; tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng. Nhận thấy sự nguy hại của hạt vi nhựa, ThS Lê Xuân Sơn, Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã có giải pháp giúp mở ra một triển vọng mới trong việc giảm tác hại của rác thải nhựa. 
Theo ThS Lê Xuân Sơn, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Phú Yên hiện nay khoảng 510 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm 18,31% tổng khối lượng và có xu hướng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tỉ lệ chất thải nhựa được xử lý, tái chế đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh còn thấp. Việc xử lý chất thải rắn hiện nay chủ yếu là đốt hoặc chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Xuất phát từ thực tế đó, tác giả Lê Xuân Sơn đã có ý tưởng chế tạo viên sỏi từ rác thải nhựa ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng. 
Cụ thể, rác thải sau khi thu gom được phân thành các loại riêng (chai nhựa, túi ni lông), băm sơ bộ, rửa sạch để loại bỏ tạp chất và cho vào thiết bị li tâm để làm khô nhựa. Cát sau khi được gia nhiệt đến nhiệt độ yêu cầu sẽ trộn, làm nóng chảy nhựa và chất phụ gia sau đó tạo thành những viên sỏi có kích thước khác nhau. Sản phẩm có thể ứng dụng để đúc bê tông, làm gạch không nung, đúc chậu cây cảnh. Dù thời gian để hoàn thiện khá ngắn nhưng ThS Lê Xuân Sơn đã thử nghiệm nhiều lần để nghiên cứu chất phụ gia giúp kết nhựa và cát, cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. 
Vừa qua, các sáng kiến của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, nhất là sáng kiến về chế tạo viên sỏi từ rác thải nhựa được WWF (World Wide Fund For Nature - Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên) quan tâm. Đoàn công tác của WWF tại Việt Nam do TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quỹ WWF tại Việt Nam dẫn đoàn đã đến khảo sát tại trường. Ông Văn Ngọc Thịnh cho biết, WWF đã và đang nỗ lực thực hiện các chương trình bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Tại Việt Nam, dự án Đô thị giảm nhựa - Plastic Smart Cities đang triển khai tại ba tỉnh, thành phố là Phú Yên, Đà Nẵng và Rạch Giá trong giai đoạn 2019-2021. 
Chia sẻ về các giải pháp bảo vệ môi trường do Trường cao đẳng Nghề Phú Yên thực hiện, TS Văn Ngọc Thịnh cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng của các tác giả và nỗ lực của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên trong việc đưa các ý tưởng bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống. Hiện WWF đang tìm kiếm các mô hình, ý tưởng khả thi về giảm rác thải nhựa để hỗ trợ hoàn thiện giải pháp, qua đó góp phần tăng tỉ lệ và hiệu quả quản lý, xử lý và tái chế rác thải nhựa; đồng thời thúc đẩy giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên trong thời gian tới”. 
Những năm qua, chúng ta chứng kiến sự biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, hiện tượng thời tiết cực đoan, vấn nạn rác thải nhựa… Vì vậy, mục tiêu của những hoạt động bảo vệ môi trường do Trường cao đẳng Nghề Phú Yên thực hiện nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về xử lý rác thải nhựa, tiến tới sản xuất các sản phẩm tái chế từ nhựa phục vụ tại trường và nghiên cứu sâu hơn để hợp tác với công ty xây dựng sản xuất bê tông từ nhựa.
 
TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên

 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 30
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.772
account_box Trong năm: 20.532
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.852