Anh công nhân sáng tạo

Cập nhật lúc:   15:30:51 - 03/01/2018 Số lượt xem:   654 Người đăng:   Administrator
Anh Nguyễn Văn Tháp đang điều khiển máy dập kim loại - Ảnh: NGỌC HÂN Anh Nguyễn Văn Tháp đang điều khiển máy dập kim loại - Ảnh: NGỌC HÂN
Xuất phát từ nhiệm vụ công việc và đam mê sáng tạo trong nghề nghiệp, những năm qua
Cập nhật ngày: 13/07/2017
Xuất phát từ nhiệm vụ công việc và đam mê sáng tạo trong nghề nghiệp, những năm qua, anh Nguyễn Văn Tháp, công nhân tổ dập kim loại, Công ty TNHH Công nghiệp Semco (Khu công nghiệp Hòa Hiệp) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng trong sản xuất, làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng. Mới đây, anh Tháp là 1 trong 9 công nhân sản xuất giỏi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. 

Gắn bó với công việc đứng máy dập kim loại từ những ngày đầu vào làm tại công ty, là người ham học hỏi, trong quá trình làm việc, anh Tháp luôn để ý, tìm hiểu chi tiết kỹ thuật của máy móc để khắc phục các nhược điểm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí trong sản xuất. Vì vậy, trong 12 năm làm việc, anh đã có 7 sáng kiến cải tiến thiết bị kỹ thuật, đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp. Tiêu biểu là các sáng kiến cải tiến hệ thống máy dập kim loại của công ty như: “Cải tiến kỹ thuật đê thanh kim loại ZRH316 (26mm) cứng hơn, chịu lực cao hơn, không bị móp như trước”; “Cải tiến máy dập kim loại để tạo ra thành phẩm thanh kim loại có kích thước nhỏ hơn ZRH316 (26mm), lớn hơn ZH732 (30mm), ZB3/8 (43mm)…”, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Tháp cho biết: Trong quá trình sản xuất, tôi nhận thấy có một số bất cập về cấu tạo của máy dập kim, đó là vận hành hệ thống máy làm việc không nhịp nhàng, liên tục nên mất rất nhiều công đoạn mới hoàn thành chu trình. Điều này tốn nhiều thời gian chờ đợi, rơ le phải đóng mở liên tục gây nóng và dễ cháy mô tơ, sản phẩm làm ra chất lượng không ổn định, nhiều phế phẩm, hình dáng dập kim không đẹp. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi đã nghiên cứu lại từng chi tiết và quá trình hoạt động của máy. Sau một thời gian tìm tòi, tôi đã nắm bắt được nguyên tắc hoạt động và thấy rõ nguyên nhân hạn chế của máy nằm ở khâu lập trình. Từ đó nảy ra ý tưởng viết lại lập trình cho máy và đã thành công.

Theo lời anh Tháp, các thiết bị sản xuất của công ty hầu hết được nhập khẩu từ Mỹ nên chi phí rất tốn kém, trong khi yêu cầu đặt hàng của khách hàng lại đa dạng về mẫu mã. Vì vậy, sau khi có ý tưởng sáng chế ra các thiết bị mới, anh Tháp đã báo cáo với lãnh đạo công ty để xin ý kiến và được chấp nhận thực hiện thí điểm trên một máy, sau đó được áp dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả tốt. Sau khi cải tiến, thời gian làm việc để tạo ra một sản phẩm đã giảm 30%, đồng nghĩa với trong một ca làm việc năng suất tăng lên 30%, số lượng phế phẩm giảm 30%, ước tính mỗi năm làm lợi cho công ty trên 300 triệu đồng.

Để có được những ý tưởng sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, anh Tháp tâm sự: “Trước tiên là phải có niềm đam mê với nghề, khi có đam mê thì không ngại đầu tư công sức để nghiên cứu, tìm tòi. Có nghiên cứu, học hỏi mới có thể hiểu hết được từng chi tiết máy móc, nắm chắc được nguyên lý hoạt động, từ đó mới sáng chế được những thiết bị cải tiến theo ý mình. Với tôi, nghĩ ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật không những là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm của một người công nhân với công việc được giao. Hiện tại, tôi đang tiếp tục nghiên cứu thêm 2 sáng kiến mới và sẽ cho ra đời trong thời gian sớm nhất”.

Bà Nguyễn Thị Siêng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Công nghiệp Semco, nhận xét: “Anh Nguyễn Văn Tháp là một công nhân rất yêu nghề, làm việc tận tụy, sáng tạo, nhạy bén và có tính khoa học, kỷ luật cao. Đây là tấm gương lao động sáng tạo để đồng nghiệp noi theo, góp phần thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại đơn vị”.
Link 
KHÁNH VY
Nguồn: baophuyen.com.vn ngày 13/07/2017
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 18
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.264
account_box Trong năm: 23.887
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.207