Người đam mê sự nghiệp bảo tồn các loài cây gỗ quý

Cập nhật lúc:   14:50:00 - 23/07/2018 Số lượt xem:   1002 Người đăng:   Administrator
KS Thủy lâm Lê Văn Thứng KS Thủy lâm Lê Văn Thứng
Rất khó để gặp Kỹ sư Lê Văn Thứng (1951), hiện là Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Phú Yên (thành viên Liên hiệp Hội Phú Yên) không phải sau “vòng hoa giáp” về hưu ông xa lánh với mọi người, nhưng vì ông rất bận bịu, lúc thì “lên rừng” khi thì “xuống biển” để thỏa lòng với ngành nghề mình đã học, thỏa chí đam mê nghiên cứu để “hồi sinh” những loài cây gỗ quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở tỉnh Phú Yên nói riêng và khu vực Nam Trung bộ (Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa) nói chung.
Tôi may mắn gặp ông tại nhà riêng, khi ông chuẩn bị đi Đá Bàn (thôn Cẩn Tú, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) để thăm một số hộ gia đình, ngày trước cùng đồng hành với ông và Hội Bảo vệ TN&MT tỉnh để thực hiện đề tài: “Bảo vệ và phát triển cây Trắc dựa vào cộng đồng”.

Ân cần tiếp chúng tôi tại nhà riêng, tâm sự cùng ông bên tách trà nóng, chúng tôi mới biết ông có tuổi thơ không may mắn như bao đứa trẻ khác cùng quê. Sinh ra và lớn lên ở thôn Phú Lộc, xã  Hòa Thắng, thị xã Tuy Hòa (nay là xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) trong một gia đình nông dân, ông mồ côi cha từ lúc 1 tuổi. Mẹ ông vẫn “thủ tiết thờ chồng” thực hiện “tòng tử” vẹn toàn… ở vậy nuôi con và phải vượt qua biết bao khó khăn để nuôi ông và người chị gái ăn học đến nơi đến chốn như lời nguyện của mẹ ông trước vong linh của chồng.

Tuy mồ côi cha rất sớm, hoàn cảnh gia đình neo đơn, nhưng qua truyền thống hiếu học của gia đình, giáo dục của người mẹ và sự vượt khó đam mê học tập của ông cho nên thời niên thiếu ở các cấp học, KS Lê Văn Thứng luôn là diện học sinh giỏi.

Trước Cách mạng giải phóng 30/4/1975, ở một vùng nông thôn, sinh sống bằng nghề làm ruộng, có người thi đậu vào trường Đại học là “của hiếm”, ấy vậy sau 12 năm đèn sách, năm 1970 chàng thanh niên “gốc rạ” ông đã làm rạng danh chi tộc họ Lê ở xã Hòa Thắng, đem lại niềm vinh dự cho gia đình và niềm vui của cho mẹ và chị của ông, khi ông nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trung tâm Quốc Gia Nông nghiệp  (trước đó là trường Quốc gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc, năm 1974 là Học Viện Quốc gia Nông nghiệp, sau năm 1975: Đại học Nông nghiệp 4.  hiện nay là Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.)

Sau 4 năm theo học (1970-1974) và tốt nghiệp với tấm bằng Kỹ sư Thủy lâm, ông có một thời gian ngắn làm việc ở Nha Thủy Lâm, thuộc Bộ Canh nông (Chính quyền Sài Gòn cũ). Sau 30/4/ 1975 thời kỳ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông tham gia công tác ở Viện điều tra quy hoạch Lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp, nay là Viện Điều tra quy hoạch rừng, thuộc Bộ Nông nghiệp PTNT). Năm 1977 ông chuyển về công tác ở Ty Lâm nghiệp tỉnh Phú Khánh (Phú Yên-Khánh Hòa), đến tháng năm 1983  KS Lê Văn Thứng trở về quê nhà công tác tại Lâm trường huyện Tuy Hòa (nay là huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).

Trong thời gần 10 năm (1983-1992) với trách nhiệm là Phó Giám đốc Lâm trường huyện Tuy Hòa, hơn hết là sự đam mê nghiên cứu phục hồi và phát triển những cây gỗ quí hiếm đã và đang nguy cơ tuyệt chủng, KS Lê Văn Thứng cùng với các đồng nghiệp đã nghiên cứu chọn vùng Suối nước Nóng, suối Cua Hòn Nhọn ở xã Sơn Thành (nay thuộc thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) để trồng phát triển cây gỗ Sao và Dầu với diện tích gần 100 ha, 2 ha cây mây rắc, 2 ha cây gió Bầu. Đến nay những cây: Sao, Dầu, Mây, Gió vẫn phát triển tốt.

Năm 1993, khi được chuyển về làm Giám đốc Lâm trường Thanh niên xung phong tỉnh Phú Yên. “Thủ phủ” đơn vị đặt tại núi Nhạn, lúc này bờ biển Tuy Hòa còn một diện tích bãi cát trắng rất lớn đã trồng hàng chục năm qua trong thời gian hợp nhất tỉnh không thành công. Trăn trở với vùng cảnh quan cho phát triển thị xã Tuy Hòa sau tái lập lại tỉnh, ông cùng tập thể Lâm trường TNXP đã lập kế hoạch triển khai trồng cây phi lao với diện tích trên 15ha đất trống khắc nghiệt này, bằng phương thức hoàn toàn mới là trồng cây ngay từ đầu mùa nắng có chủ động tưới nước và giai đoạn cuối mùa mưa có dung phên che chắn giảm tốc độ gió kết hợp tưới rửa mặn, chỉ trong chưa đầy 3 năm là hoàn thành thảm rừng phi lao gần sát mép biển, rất chất lượng.

Trong hơn 20 năm đã qua rừng phi lao này đã thử sức dưới nhiều con bão mạnh trực tiếp đã thổi qua, nhiều mùa hè hạn hán khốc liệt nhưng vẫn xanh mát góp phần tôn tạo cảnh quang, bảo vệ môi trường bãi biển TP Tuy Hòa xanh sạch đẹp. Đồng thời trong giai đoạn này trên núi Nhạn là một đồi cây Bạch đàn, vệ sinh môi trường phức tạp, với “máu nghề nghiệp” đã nghiên cứu  đề xuất, tổ chức thực hiện xây dựng vườn sưu tập thực vật với qui mô 500 loài cây, trong đó ưu tiên sưu tầm các loài cây quí, hiếm trong tỉnh và cả nước. Hiện nay vườn thực vật núi Nhạn có đến 450 loài trong đó có nhiều loài quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên như: Lát hoa, Trắc, Cẩm lai, Gõ đỏ, Dáng hương, Kiền kiền…thích nghi và phát triển rất tốt. Núi Nhạn hiện nay là một địa điểm du lịch hấp dẫn của Phú Yên và vào dịp rằm tháng Giêng, tỉnh Phú Yên tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu nơi này.
 
dm2
KS Lê Văn Thứng ( bên phải) cùng thành viên bên vườn cây Trắc được phục hồi nhân giống ở thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến-TP Tuy Hòa

Năm 1997 KS Lê Văn Thứng được tổ chức điều động về làm Phó Giám đốc Sở KHCN - MT tỉnh, thời gian này ngoài việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KHCN-MT, ông là người đề xuất ý tưởng, tham gia xây dựng các dự án: Khu Sản xuất Giống và nuôi tôm thịt tại  xã Xuân Hải TX Sông Cầu (nay doanh nghiệp Đắc Lộc đang vận hành ), Khu Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ Cao tại Hòa Quang, huyện Phú Hòa

Sau khi về hưu (năm 2011), theo lời ông tâm sự “ Xét thấy bản thân mình còn sức khỏe, hơn nữa mình có chuyên ngành khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp thì cố gắng đóng góp công sức một chút gì đó để lại cho quê hương...”. Từ suy nghĩ nhân văn ấy ông tham gia thành lập Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường (thành viên Liên hiệp Hội Phú Yên hiện nay) ông được tập thể tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội, tháng 6/2013 ông xây dựng thuyết minh đề tài: “Bảo vệ và phát triển cây Trắc dựa vào cộng đồng tại lưu vực suối Đá Bàn, thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên” do ông làm chủ nhiệm và Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Yên là cơ quan chủ trì. Đề tài đã thực hiện trồng 3 ha, đến nay cây Trắc phát triển tốt, góp phần bảo vệ nguồn cây có nguy cơ tiệt chủng.

Tôi xin mượn lời của ThS. Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp Hội Phú Yên, khi được hỏi nhận xét về Kỹ sư Lê Văn Thứng thay cho lời kết của bài viết này: KS Thứng là một con người có nhiều ý tưởng mới, hay, thích nghiên cứu khoa học, ông đã dành tâm huyết để tìm tòi nghiên cứu, gây tạo những giống cây quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng để phục hồi và phát triển trồng tại các cơ sở tôn giáo,  trên đường phố, trong các công viên, khu du lịch, trong các công sở, trường học - Tuy ông về hưu nhưng còn tận tâm, tận hiến với công tác nghiên cứu khoa học cho tỉnh nhà. Chúng tôi rất trân trọng trí tuệ và khả năng làm việc của ông”./.
 
Tác giả bài viết: Huỳnh Đức Thế
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 47
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 274.813
account_box Trong năm: 23.436
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.756