Ứng dụng sáng kiến vào phát triển kinh tế gia đình

Cập nhật lúc:   10:39:03 - 18/05/2020 Số lượt xem:   439 Người đăng:   Administrator
Đặng Xuân Thanh (trái) giới thiệu máy sấy bò một nắng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần 7. Ảnh: THÁI HÀ Đặng Xuân Thanh (trái) giới thiệu máy sấy bò một nắng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần 7. Ảnh: THÁI HÀ
Máy sấy bò một nắng là sáng kiến kỹ thuật được anh Đặng Xuân Thanh (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) đưa vào ứng dụng thành công trong thực tiễn để phát triển kinh tế gia đình.
Từng là giáo viên môn Vật lý Trường THCS Suối Trai (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa), có kiến thức và năng khiếu “độ chế” các thiết bị, năm 2017, anh Đặng Xuân Thanh đã chế tạo thành công chiếc máy sấy bò một nắng với nhiều ưu điểm vượt trội và đạt giải ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 7. Từ chiếc máy mô hình dự thi, anh Thanh đã nâng cấp để máy có thể sấy khô không chỉ bò một nắng mà còn sấy các loại củ quả, các loại hạt và thành lập cơ sở sản xuất thực phẩm Thanh Tuyền. 
Chia sẻ về quá trình biến ý tưởng thành giải pháp và áp dụng vào thực tế, anh Đặng Xuân Thanh cho biết, trước đây, việc chế biến bò hầu như đều theo cách thủ công và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Từ thực tế đó, tôi đã ấp ủ ý tưởng và tranh thủ thời gian để chế tạo thành công chiếc máy sấy bò một nắng”, anh Thanh nói. 
Nhờ có những kiến thức về vật lý, anh Thanh đã thiết kế một máy sấy thực phẩm hoạt động theo lệnh của bộ điều khiển. Cơ chế hoạt động của thiết bị này là, khi dòng điện đi vào mạch có các điện trở đốt nóng thì điện trở sẽ nóng lên, đồng thời quạt tạo gió sẽ quay với tốc độ nhanh đưa luồng hơi nóng đến khắp nơi trong buồng sấy, sấy khô thực phẩm. Phần hơi nước bay lên được đưa ra ngoài bằng quạt hút. Khi nhiệt độ lên cao (hơn mức cài đặt) thì dòng điện sẽ tự động ngắt; khi nhiệt độ giảm xuống, dòng điện sẽ tiếp tục đi qua điện trở. Khi thực phẩm khô, máy sẽ tự động tắt.
 
Từ chiếc máy sấy này, anh Thanh đã làm ra nhiều sản phẩm khô như: bò một nắng, ba chỉ, sườn heo một nắng, tinh bột gạo, chuối ép sấy dẻo, bột ngũ cốc... Hầu hết các sản phẩm do gia đình anh sản xuất được tiêu thụ trong tỉnh, riêng sản phẩm bò một nắng đã được đăng ký mã vạch thành công và được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Anh Thanh cho biết đang tiến hành đăng ký công bố sản phẩm hợp quy để đưa sản phẩm bò, heo, bột gạo và chuối ép sấy vào siêu thị. Không chỉ ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm sấy khô tại cơ sở, anh Thanh nhận cung cấp thiết bị lò sấy tự động cho các cơ sở chế biến thực phẩm với giá 15 triệu đồng/máy. 
“Ban đầu khi nghiên cứu để sản xuất thiết bị máy móc, tôi chỉ nghĩ đơn giản là ứng dụng giải pháp của mình ở quy mô gia đình. Nhưng sau đó nhận thấy nhu cầu của xã hội về thiết bị này khá lớn, nên hai năm trở lại đây tôi đầu tư làm máy sấy để bán và tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm những thiết bị gia dụng khác”, anh Thanh chia sẻ. 
Ông Lê Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) cho biết, ban đầu, anh Thanh chỉ sấy bò một nắng và các sản phẩm củ quả phục vụ gia đình. Sau này, khi thấy nhu cầu về máy sấy tăng mạnh, anh Thanh mở dịch vụ sản xuất và cung cấp máy sấy cho khách hàng; đồng thời mở rộng sản xuất bò một nắng và các loại thực phẩm sấy khô cung ứng cho thị trường. 
 
Giải pháp của anh Thanh dựa trên sự nghiên cứu, sáng tạo và những kinh nghiệm thực tế, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo việc làm, mang lại thu nhập cao; đồng thời góp phần lan tỏa phong trào ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất, đời sống trên địa bàn thị trấn Củng Sơn.
 
          Ông Lê Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Củng Sơn
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 66
accessibility Hôm qua: 103
account_circle Trong tháng: 274.747
account_box Trong năm: 23.370
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.690