Nông nghiệp công nghệ cao: Làm giàu nhưng không làm liều

Cập nhật lúc:   10:35:58 - 01/06/2020 Số lượt xem:   670 Người đăng:   Administrator
Anh Huỳnh Thượng Đoài thu hoạch dưa lưới trồng trong nhà màng. Ảnh: THÁI HÀ Anh Huỳnh Thượng Đoài thu hoạch dưa lưới trồng trong nhà màng. Ảnh: THÁI HÀ
Nhằm hướng tới nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, gần đây nhiều người dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư thực hiện những mô hình trồng các loại rau, quả trong nhà màng với chi phí đầu tư lớn, hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Tuy nhiên, vì nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vẫn còn khá mới mẻ nên người dân cần chuẩn bị nguồn vốn, nắm bắt kỹ thuật vững vàng trước khi thực hiện. 
Thời gian gần đây, NNCNC được nhiều người dân thử sức nhằm tạo ra những đột phá mới trong sản xuất với năng suất cao, khối lượng lớn, nông sản sạch, giá thành hợp lý, có sức cạnh tranh đủ mạnh trên thị trường. Đây là hướng đi giúp cho người nông dân tăng thu nhập cũng như phát triển nông nghiệp bền vững. 
Đầu tư lớn 
Theo ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, NNCNC là những mô hình nông nghiệp có hàm lượng khoa học cao từ đầu tư hạ tầng đến quy trình chăm sóc tạo ra sản phẩm: kết cấu nhà màng, chọn, nhân giống và quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, chế biến, bảo quản sản phẩm… Trong số đó, nhà màng là yếu tố đầu tiên phải nói đến. Ưu điểm lớn nhất của công nghệ nhà màng là có thể loại bỏ được các yếu tố mùa vụ, tạo điều kiện canh tác cây trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, không phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống điều chỉnh khí hậu. Việc sử dụng nhà màng vào sản xuất là tín hiệu vui cho thấy nền nông nghiệp của tỉnh bắt đầu bắt nhịp với xu hướng phát triển chung của nền nông nghiệp miền Trung - Tây Nguyên. 
Chia sẻ về giá cả các loại nhà màng hiện nay, ông Nguyễn Thành Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Nhà kính Nguyễn Thành cho biết, nhà màng trồng dưa lưới có giá khoảng 270 triệu đồng/100m2, nhà màng trồng rau có thiết kế đơn giản hơn nên có giá 180 triệu đồng/100m2. Mặc dù phí đầu tư cho nhà màng là khá lớn nhưng theo tính toán của các chuyên gia, sau hai năm canh tác dưa lưới, người dân sẽ thu hồi vốn và mô hình sinh lời trong 8 năm tiếp theo. 
Tại Phú Yên, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên (Sở KH-CN) là đơn vị đầu tiên sử dụng nhà màng để trồng dưa lưới, sung magic và sau đó tổ chức chuyển giao công nghệ cho nhiều địa phương trong tỉnh. Mặc dù vốn đầu tư cho các nhà màng khá cao nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế khả quan nên nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư và phát triển nhân rộng. 
Phải nắm kỹ thuật công nghệ 
Có lợi thế từng là kỹ thuật viên của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên, trực tiếp thực hiện các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng nên anh Huỳnh Thượng Đoài ở thôn Đông Phước, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) đã đầu tư 120 triệu đồng làm nhà màng trên mảnh đất của gia đình để sản xuất dưa lưới hoàng kim theo hướng hữu cơ.
 
Ban đầu, anh Đoài xuống giống một lần cho 400m2 với 1.500 cây, nhưng vì nhận thấy đây là sản phẩm có giá thành khá cao, sức bán ra còn yếu nên sau đó đã điều chỉnh xuống giống thành 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 15 ngày và nhằm vào các ngày rằm, đầu tháng để dễ tiêu thụ. Nhờ nắm bắt kỹ thuật vững vàng, linh động trong việc xuống giống và thu hoạch nên hiện nay, đầu ra sản phẩm dưa lưới của anh Đoài khá ổn định. Với mức giá 40.000-50.000 đồng/kg, mỗi năm anh Đoài thu được lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. 
Qua thực tế trồng dưa lưới nhà màng, anh Đoài nhận thấy mô hình này có nhiều ưu điểm như: Quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa, che nắng và ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, quá trình canh tác hữu cơ ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi số vốn lớn, đồng thời người trồng phải tỉ mỉ và áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới đảm bảo năng suất và chất lượng khi thu hoạch. 
Sớm tiếp cận với NNCNC, anh Phạm Thọ Trường, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ BB Farm (xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa) cho biết, ban đầu do không có chuyên môn về nông nghiệp nên khi có ý tưởng làm nông nghiệp anh đã tìm hiểu rất nhiều thông tin trên mạng, đi tham quan các mô hình trong nước, thậm chí đầu tư vài chục triệu đồng để ra nước ngoài học hỏi cách làm NNCNC. Khi đã tích lũy được vốn kiến thức kha khá, cảm thấy tự tin anh Trường bắt tay vào xây dựng trang trại trồng rau thủy canh, dâu tây, dưa lưới. Hiện trang trại BB Farm được anh đầu tư nhà màng rộng 5.000m2 sử dụng công nghệ tưới ẩm Israel, hệ thống tưới nhỏ giọt, màng phủ nylon… và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Nhờ tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ khâu xử lý đất, chọn giống, sử dụng phân bón hữu cơ, đến thu hoạch, chế biến và vận chuyển tiêu thụ, sản phẩm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ BB Farm được người tiêu dùng tin dùng. 
Chia sẻ về quá trình thực hiện mô hình NNCNC, anh Trường cho biết: “Tôi kinh doanh từ lúc còn học đại học nên đã tích lũy được số vốn kha khá và quyết định dồn tất cả để làm nông nghiệp. Để phương án khả thi, tôi còn kết hợp sản xuất với dịch vụ du lịch để lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay, dù hoạt động sản xuất đã ổn định, sản phẩm của chúng tôi đã có được chỗ đứng trên thị trường nhưng tôi luôn tìm kiếm các công nghệ mới, cách làm mới để ứng dụng vào sản xuất. Với tôi, làm nông nghiệp phải tiên tiến mới có thể mang lại hiệu quả”. 
Trong thời đại khoa học tiên tiến, làm NNCNC ít rủi ro, mang nhiều lợi nhuận… nhưng muốn làm được cần phải có nguồn vốn lớn và quỹ đất đảm bảo. Ngoài ra, người thực hiện cũng cần phải tìm hiểu cách làm như thế nào, lộ trình thực hiện ra sao để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Chỉ khi nào nắm vững kỹ thuật, liên kết được nơi tiêu thụ hoặc có phương án bán hàng khả thi mới thực hiện.
 
Ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 59
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.801
account_box Trong năm: 20.561
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.881