Cầu nối đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn

Cập nhật lúc:   09:04:35 - 19/04/2021 Số lượt xem:   540 Người đăng:   Administrator
Nuôi cấy mô để tạo ra nguồn giống chất lượng tại Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Ảnh: THÁI HÀ Nuôi cấy mô để tạo ra nguồn giống chất lượng tại Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Ảnh: THÁI HÀ
Những năm qua, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Trung tâm) đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy hoạt động KH-CN và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ứng dụng KH-CN vào thực tế
 
Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN) có vai trò quan trọng trong việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN vào sản xuất, đời sống, góp phần vào sự phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành Nông nghiệp. Những năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học; các tổ chức KH-CN ở trung ương, địa phương để nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH-CN vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống.
 
Ông Lê Xuân Út ở thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng) đã sử dụng chế phẩm vi sinh PYMIC để ủ các chất thải sản xuất thành phân, vừa giúp xử lý môi trường, vừa tạo ra nguồn phân hữu cơ vi sinh có lợi cho cây trồng.
 
Ông Út chia sẻ: “Cũng như nhiều gia đình nông thôn khác, gia đình tôi làm chuồng trại chăn nuôi trong khu đất của gia đình để dễ dàng chăm sóc, quản lý gia súc, gia cầm. Hoạt động chăn nuôi này gây mùi hôi quanh năm nhưng chúng tôi chưa biết cách nào xử lý. Trung tâm sau đó đã mở lớp tập huấn, giới thiệu và hướng dẫn chúng tôi cách pha chế chế phẩm vi sinh để xử lý mùi hôi, pha chế để ủ phụ phẩm chăn nuôi, trồng trọt thành phân bón. Qua vài lần sử dụng, tôi nhận thấy mùi hôi thối không còn”.
 
Nhờ sự liên kết hiệu quả giữa chính quyền huyện Tây Hòa, Trung tâm, Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên và người nông dân trực tiếp sản xuất, thời gian qua mô hình sản xuất bắp sinh khối theo quy trình khép kín đã được triển khai thành công tại huyện Tây Hòa.
 
Chỉ vào đám bắp cao lút đầu người chuẩn bị thu hoạch, chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Sơn Trường, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) phấn khởi nói: “Lần đầu tiên chúng tôi được tham gia mô hình sản xuất khép kín, được hỗ trợ xuống giống, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm, được cán bộ chuyển giao kỹ thuật tư vấn kỹ càng và không phải lo về giá cả bấp bênh hay đầu ra khó khăn. Tham gia mô hình sản xuất khép kín giúp người dân chúng tôi có điểm tựa để an tâm sản xuất”.
 
Với phương châm tiếp nhận công nghệ có chọn lọc, nghiên cứu hoàn thiện xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương, Trung tâm đã có nhiều nỗ lực trong việc làm chủ công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao các mô hình vào sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển nông nghiệp. Gần đây, Trung tâm đã chuyển giao thành công các mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu cho các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
 
Các mô hình đã được người dân ứng dụng vào sản xuất kinh doanh giúp tăng thu nhập, ổn định đời sống. Trung tâm cũng đã nghiên cứu sản xuất thành công chế phẩm vi sinh PYMIC sử dụng để xử lý môi trường, ủ phân hữu cơ vi sinh. Hiện sản phẩm này đã được giới thiệu đến nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh và được người dân đánh giá cao.
 
Chia sẻ về hoạt động của đơn vị, bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Đơn vị đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn về công nghệ hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương; đồng thời là cầu nối liên kết 4 nhà (nhà khoa học - nhà nước - nông dân - doanh nghiệp) theo chuỗi giá trị gia tăng với mục tiêu đưa các sản phẩm KH-CN tiếp cận với thị trường. Thời gian tới, các địa phương, đơn vị nếu có nhu cầu về kỹ thuật sản xuất, chế biến có thể gửi đề xuất để Trung tâm tư vấn, hỗ trợ về công nghệ, các ứng dụng khoa học kỹ thuật”.
 
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp
 
Trong năm 2020, Trung tâm đã phối hợp với hội nông dân cấp huyện tổ chức 30 lớp tập huấn, mỗi lớp 30 học viên tại 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh để chuyển giao các kỹ thuật: trồng nấm ăn và nấm dược liệu, ba kích tím, cà gai leo, sa nhân tím, hoa ly, hoa cúc, chuối cấy mô; trồng và nhân giống keo lai; trồng dưa lưới trong nhà màng; trồng bắp lấy cây làm nguyên liệu ủ chua; vỗ béo bò bằng thức ăn ủ chua từ cây bắp. Năm 2021, Trung tâm dự kiến tổ chức tập huấn 30 lớp với địa điểm và nội dung tập huấn không trùng lặp với các năm trước.
 
Ngoài ra, Trung tâm còn ký kết với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp Sông Hàn, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, Hội Doanh nghiệp tỉnh để triển khai chương trình ươm tạo doanh nghiệp KH-CN, kết nối thị trường và đầu tư doanh nghiệp KH-CN; phối hợp với Công ty CP Công nghệ bưu chính viễn thông (VNPT technology) triển khai hệ thống IoT đầu tiên trên địa bàn tỉnh Phú Yên để thực hiện mô hình trồng dưa lưới và trồng sung magic trong nhà màng; phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai các mô hình áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.
 
Trung tâm cũng đã và đang triển khai thử nghiệm ứng dụng các công nghệ thông minh để thay đổi phương thức quản lý từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ hàng hóa và truy xuất nguồn gốc nhằm xây dựng nền nông nghiệp Phú Yên hiện đại trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.
 
Đánh giá cao những kết quả đạt được từ công tác phối hợp, ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Trung tâm đã phối hợp tốt với Hội Nông dân tỉnh trong việc phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật đến người dân, qua đó giúp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao KH-CN, nhân rộng các điển hình tiên tiến về áp dụng khoa học kỹ thuật; khuyến khích cán bộ, hội viên nông dân tham gia các đề tài nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”.
Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ là “cầu nối” để đưa nhanh thành tựu KH-CN vào sản xuất, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian qua, các nhiệm vụ khoa học được Trung tâm triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực. 
Để nhanh chóng đưa những tiến bộ KH-CN vào thực tiễn sản xuất, Trung tâm cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực nghiên cứu; đồng thời tăng cường liên kết hợp tác chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học phù hợp để đem lại hiệu quả cao, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. 
                                                         Bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 99
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.345
account_box Trong năm: 23.968
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.288