Các nhà khoa học chung tay đẩy lùi COVID-19

Cập nhật lúc:   08:47:51 - 20/12/2021 Số lượt xem:   572 Người đăng:   Administrator
Quang cảnh hội thảo Quang cảnh hội thảo
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thực hiện chính sách, pháp luật về nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong Phòng, chống và thích ứng với Covid-19". TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn chủ trì Hội thảo.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho rằng, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019 và nhanh chóng bùng phát thành đại dịch trên phạm vi toàn thế giới. Gần 2 năm qua, cả thế giới đã bị đại dịch uy hiếp, cả về sức khỏe, tính mạng và cuộc sống.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo
Tại Việt Nam, trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã không chỉ tổn thất về sức khỏe, tính mạng mà còn tàn phá mọi mặt của nền kinh tế như lao động, việc làm, y tế, giáo dục, đặc biệt tác động đến nhóm yếu thế trong xã hội như người cao tuổi, trẻ em nghèo, người di cư, lao động giản đơn...
Với quan điểm sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhằm chung tay đẩy lùi đại dịch. Các nhà khoa học Việt Nam, các nhà khoa học trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam luôn tích cực đồng hành với Chính phủ, thường xuyên bám sát tình hình dịch bệnh để nghiên cứu, ứng dụng cho ra đời các sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19.
Các nhà khoa học trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng đang tích cực tham gia trong việc nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phòng chống Covid như nghiên chế tạo thuốc đặc trị điều trị Covid-19, nghiên cứu, chế tạo hệ thống khử khuẩn diệt virus công nghệ Plasma; nghiên cứu, sản xuất thuốc và các thiết bị điều trị Covid-19, triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19...
Trong thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động để lắng nghe các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình nghiên họ cứu. Từ đó, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Các ý kiến, đề xuất sẽ được chuyển tải tới Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các cơ quan liên quan để đề xuất việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân các khoa học nghiên cứu, triển khai thúc đẩy việc sớm có những sản phẩm phòng chống Covid-19 hữu hiệu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh, dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng. Trên thế giới, đến nay ghi nhận tổng số hơn 263 triệu ca, trong đó hơn 5,2 triệu ca tử vong do Covid-19. Biến thể Delta và gần đây nhất là biến thể mới của SARS-CoV-2, B.1.1.529, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên biến thể B.1.1.529 là Omicron. Biến thể mới này lần đầu tiên được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm được thu thập ngày 11/11/2021 tại Botswana và ngày 14/11/2021 tại Nam Phi.
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã lan ra 63/63 tỉnh, thành phố. Đợt dịch thứ tư gia tăng tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam với quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp, khó lường, kéo dài, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi cần có những nghiên cứu, phát triển sản phẩm một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm luôn phải tuân thủ tất cả các quy định, quy trình khắt khe trong lĩnh vực y dược. Do vậy, việc nghiên cứu, triển khai gặp khó khăn nhất định.
Nhiều tổ chức công lập hoặc cá nhân nhà khoa học chưa được tiếp cận với các nguồn lực để tổ chức nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ, góp phần vào công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19. Mặc dù theo quy định, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí đối với các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong ngành y tế đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, có độ rủi ro cao, nhiều khi vượt quá năng lực tài chính của các nhà sản xuất trong nước. Đồng thời, chưa có các quy định về định mức từ ngân sách nhà nước để chi thù lao, mua bảo hiểm cho người tham gia thử nghiệm lâm sàng; chi cho hoạt động giám sát bảo đảm chất lượng nghiên cứu... Do vậy, các cơ sở nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, triển khai.
Để thực sự làm chủ tình hình và chủ động phòng chống thành công đại dịch Covid-19, các nhà khoa học cần có đầy đủ thông tin về sinh học, sinh học phân tử, dịch tễ học và đặc biệt là cơ sở khoa học của các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh bằng vaccine và hỗ trợ điều trị bằng các loại thuốc, các loại sinh phẩm đặc hiệu. Hệ thống nghiên cứu và phát triển của nước ta trong thời gian 20 năm vừa qua đã được tăng cường, nâng cấp và xây dựng mới. Tuy nhiên, chưa có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các cơ quan nghiên cứu và nhà sản xuất. Do vậy, đến nay, chưa có nhiều sản phẩm được công nhận trên thị trường để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế chưa thực sự đồng bộ với cơ chế, chính sách về tài chính cũng là những bất cập trong quá trình nghiên cứu, triển khai. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách liên quan đến khuyến khích phát triển y học cổ truyền vẫn còn thiếu và không đồng bộ, dẫn đến chưa khuyến khích được các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển các sản phẩm y học cổ truyền phục vụ cho việc điều trị và hỗ trợ điều trị Covid-19.
Trước những khó khăn trên, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 như: rà soát lại các cơ chế, chính sách; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà khoa học phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phòng, chống Covid-19...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học và cho biết đây là những đóng góp vô cùng quý giá, hữu ích để nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong phòng, chống và thích ứng với Covid-19.
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 53
accessibility Hôm qua: 80
account_circle Trong tháng: 275.207
account_box Trong năm: 23.830
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.150