Để công nghệ mới được áp dụng vào thực tiễn

Cập nhật lúc:   14:09:42 - 17/01/2022 Số lượt xem:   525 Người đăng:   Administrator
Người sản xuất mạnh dạn tham gia chương trình OCOP để tạo hồ sơ pháp lý cho sản phẩm, giúp việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn. Ảnh: THÁI HÀ Người sản xuất mạnh dạn tham gia chương trình OCOP để tạo hồ sơ pháp lý cho sản phẩm, giúp việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn. Ảnh: THÁI HÀ
Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên (Sở KH-CN) vừa tổ chức hội nghị triển khai xác định nhu cầu công nghệ cần tư vấn. Qua đó, nhiều công nghệ mới, cấp thiết đã được các địa phương đề xuất với kỳ vọng khi áp dụng vào thực tiễn sẽ góp phần đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Liên tục yêu cầu công nghệ mới 
Phú Yên đang thực hiện kế hoạch tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu… nên rất cần những công nghệ tiên tiến để ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất nhằm mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp. 
Tại huyện Đồng Xuân, thời gian qua, sản xuất nông - lâm nghiệp dần chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, nhiều mô hình khuyến nông đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng và giảm sức lao động cho người dân. 
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn huyện còn chậm, thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng chưa nhiều, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn hạn chế; nguồn lực đầu tư ứng dụng KH-CN vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông - lâm sản trên địa bàn huyện còn hạn chế, chưa tạo được đột phá nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm. 
Tương tự, các địa phương trong tỉnh cũng đang dịch chuyển theo định hướng này. Ông Dương Tấn Lãnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh cho biết, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của huyện gặp nhiều khó khăn. Một phần do thời tiết biến đổi thất thường; mặt khác, những tiến bộ KH-CN chưa được phổ biến rộng rãi và ứng dụng hiệu quả vào sản xuất dẫn đến năng suất thấp, chi phí và thiệt hại do dịch bệnh tăng lên. 
Trước thực tế đó, việc tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất được địa phương xem là giải pháp cấp thiết giúp hạn chế những rủi ro; giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu; góp phần tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm. 
Giải quyết bài toán này cũng như nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên đã và sẽ làm đầu mối chuyển giao đến người dân các công nghệ sản xuất tiên tiến. Hiện nay, trung tâm đã chuyển giao một số sản phẩm cụ thể như: chế phẩm sinh học; quy trình sản xuất giảm lượng phân bón; sản phẩm và quy trình sử dụng phân bón hỗn hợp NPK vi lượng nhả chậm theo chu kỳ tăng trưởng của cây trồng; phân bón thông minh tan chậm có kiểm soát; giống năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh; công nghệ tưới nhỏ giọt… 
Đẩy mạnh bảo hộ nhãn hiệu, sản xuất theo chuỗi 
Theo ông Nguyễn Công Nhật, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, trong bối cảnh ngành Nông nghiệp của Phú Yên vẫn còn phát triển với quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống thì việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết, chú trọng bảo hộ nhãn hiệu cho nông sản là hướng đi giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. 
Hiện nay, huyện Đồng Xuân có sản phẩm dầu phộng Xuân Phước đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao, đậu phộng tươi đạt chuẩn VietGAP và tinh bột nghệ Xuân Sơn Nam đang tham gia chương trình OCOP. Theo TS Nguyễn Thị Trúc Mai, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, việc tiêu thụ các sản phẩm này vẫn đang gặp khó khăn và địa phương mong muốn các sở, ngành liên quan có thể đẩy mạnh kết nối để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Tại huyện Tuy An, ông Phạm Đăng Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ rà soát, xác định vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng; hình thành vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao An Nghiệp, An Ninh Tây, An Thạch; hình thành vùng trồng rau sạch, rau an toàn tại xã An Hòa Hải, An Hiệp; phát triển một số vùng chuyên canh cây ăn quả tại các địa phương có điều kiện thuận lợi như: An Xuân, An Lĩnh, An Nghiệp. 
Huyện cũng chủ động phối hợp với doanh nghiệp, HTX, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng; phát triển thương hiệu, đăng ký sản phẩm OCOP và phấn đấu đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ông Tĩnh hy vọng các giải pháp trên có thể giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện ổn định và phát triển. 
Sản phẩm khi được bảo hộ như là một lời cam kết với khách hàng về sự an toàn. Vì vậy, nếu không xây dựng được nhãn hiệu sẽ không có được thương hiệu, sản phẩm khó tiêu thụ và khi thị trường rủi ro, người sản xuất sẽ chịu thiệt hại lớn. 
                  Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cũng cho rằng bên cạnh làm tốt khâu quảng bá, sản phẩm muốn tăng sức cạnh tranh cần phải được bảo hộ nhãn hiệu; nếu không chỉ có thể bán theo đường tiểu ngạch, giá trị không cao. Cũng theo ông Dũng, vì hiện nay, diện tích canh tác trên địa bàn tỉnh nhỏ, manh mún nên Phú Yên rất khó hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô, hình thành sản phẩm có tính đặc trưng. Các địa phương nên hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mạnh dạn tham gia chương trình OCOP để tạo hồ sơ pháp lý cho sản phẩm. 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 99
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.345
account_box Trong năm: 23.968
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.288