Liên kết 4 nhà, phát triển diệp hạ châu theo chiều sâu

Cập nhật lúc:   14:21:12 - 14/02/2022 Số lượt xem:   660 Người đăng:   Administrator
Nông dân phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) liên kết với Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung trồng diệp hạ châu. Ảnh: THÁI HÀ Nông dân phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) liên kết với Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung trồng diệp hạ châu. Ảnh: THÁI HÀ
Những năm gần đây, mối liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông được quan tâm triển khai, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển và mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Mối liên kết này được Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung (phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa) ứng dụng thành công trong trồng và chế biến nhiều loại cây thuốc có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây diệp hạ châu (Phyllanthus amarus Schum. et Thonn.). 
Lan tỏa tiến bộ khoa học 
Trong mối liên kết 4 nhà, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung vừa là nhà doanh nghiệp, vừa là nhà khoa học tiếp cận - chuyển giao công nghệ mới; đồng thời xây dựng kế hoạch sản xuất, mô hình tổ chức kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng và huy động vốn, là đầu mối thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm… để người dân yên tâm sản xuất. 
Giai đoạn 2004-2010, nhóm nghiên cứu của trung tâm đã phối hợp với các nhà khoa học của nhiều viện, trường đại học thông qua các đề tài, dự án KH-CN cấp tỉnh và cấp bộ để nghiên cứu cây diệp hạ châu nhằm chọn được đúng loài, đúng bộ phận, đúng vùng trồng và xây dựng quy trình trồng, quy trình chiết xuất… 
Năm 2004, trung tâm phối hợp với Khoa Sinh và Khoa Hóa, Trường đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh thực hiện đề tài cấp cơ sở để tiến hành phân loại, xác định loài (Phyllanthus amarus Schum. et Thonn.), xác định thành phần hóa học, hàm lượng hoạt chất chính, bộ phận dùng và vùng trồng thích hợp cho cây diệp hạ châu. Năm 2009, Sở KH-CN giao nhiệm vụ khoa học cho kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc trung tâm thực hiện dự án: “Trồng và phát triển cây dược liệu an toàn phù hợp với vùng đất Phú Yên để làm thuốc trong nước và xuất khẩu”. Năm 2011, dự án kết thúc thành công, 56 hộ dân tham gia trồng với diện tích 10ha ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) và xã Hòa An (huyện Phú Hòa). Cũng từ đó, mỗi năm trung tâm thu mua khoảng 700 tấn thân lá tươi cây diệp hạ châu để chế biến thành nguyên liệu làm thuốc và sản phẩm dạng trà cung cấp cho thị trường… Hiện trà diệp hạ châu của trung tâm là sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao của Phú Yên. 
Đến nay, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung đã có nhiều dự án, nhiệm vụ khoa học gắn với sản xuất thành công tương tự. Trung tâm đã tìm kiếm, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến vào khâu chế biến sau thu hoạch để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy Đông dược… 
Không để người dân “tự bơi” 
Việc phát huy sức mạnh tổng hợp từ liên kết 4 nhà thời gian qua đã giúp hạn chế rủi ro trong sản xuất diệp hạ châu. Thực tế chứng minh, nhờ liên kết tốt mà doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, thương mại hóa hiệu quả và nông dân có lợi nhuận cao hơn so với những hộ dân sản xuất tự phát và nhỏ lẻ, manh mún. 
Ông Châu Văn Đồng (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) là một trong những người dân đầu tiên được Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung liên kết sản xuất diệp hạ châu. Sau hơn 15 năm gắn bó, dù hiện tại có nhiều đơn vị đặt vấn đề liên kết sản xuất nhưng ông Đồng đều từ chối. “Tôi bắt đầu trồng diệp hạ châu từ năm 2004 và đã gắn bó với trung tâm rất nhiều năm. Khi liên kết như thế này, chúng tôi được hướng dẫn canh tác an toàn và bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá cả hợp lý, lợi nhuận cao gấp 3-4 lần cây lúa. Riêng hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng dịch bệnh, giá phân bón, nhân công tăng mạnh nên lợi nhuận giảm bớt nhưng thu nhập vẫn ổn. Hiện tôi canh tác 4.000m2 diệp hạ châu và mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng”, ông Đồng cho biết. 
Hiện có gần 100 hộ nông dân tham gia trồng diệp hạ châu với diện tích 20ha, sản lượng diệp hạ châu tươi có năm lên đến 1.000 tấn. Trung tâm đầu tư sân phơi 1ha, hệ thống máy rửa dược liệu 20 tấn tươi/3 giờ, xưởng chế biến 2.000m2 đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, hệ thống chiết xuất tuần hoàn áp suất âm 2 tấn/ngày... để chế biến diệp hạ châu. “Liên kết 4 nhà một cách thực chất, bền vững đã quyết định sự sống còn sản phẩm dược liệu diệp hạ châu của trung tâm. Nếu chỉ một mình doanh nghiệp triển khai tất cả các hoạt động thì chắc chắn sẽ không đủ lực”, kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu miền Trung khẳng định. 
Liên kết 4 nhà là xu thế phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp hiện đại. Vấn đề cốt lõi là người nông dân phải nâng cao nhận thức trong việc liên kết, không chạy theo lợi ích trước mắt, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong chọn giống, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch. 
                        Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 69
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 275.143
account_box Trong năm: 23.766
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.086