Doanh nghiệp Khoa học - Công nghệ: Hấp dẫn nhưng chưa thu hút

Cập nhật lúc:   16:21:42 - 23/04/2018 Số lượt xem:   898 Người đăng:   Administrator
Nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc kiểm tra mẫu nước ao nuôi theo mô hình ương nuôi Green House - Ảnh: ANH NGỌC Nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc kiểm tra mẫu nước ao nuôi theo mô hình ương nuôi Green House - Ảnh: ANH NGỌC
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.500 doanh nghiệp nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí của doanh nghiệp KH-CN.
Điều đó cho thấy sức hút của việc thành lập doanh nghiệp KH-CN chưa đủ mạnh, cũng như những cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho những đơn vị này chưa được phía do­anh nghiệp đánh giá cao.

Hấp dẫn nhưng chưa thu hút
 
Theo quy định, khi đã được chứng nhận là doanh nghiệp KH-CN, các doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất và thuận lợi trong tiếp cận với công nghệ mới… Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn nhưng vì một mặt, tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp hội đủ những yếu tố cần thiết để thành lập doanh nghiệp KH-CN; mặt khác, nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng không tham gia đăng ký nên số lượng doanh nghiệp KH-CN còn hạn chế.
 
Năm 2017, Phú Yên công bố hai doanh nghiệp đầu tiên được chứng nhận là doanh nghiệp KH-CN gồm: Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina và Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Đây là hai đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất theo hướng CNH-HĐH. Trong đó, Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina có dự án “Đầu tư sản xuất kinh doanh phân phức hợp NPK GANAA 15-5-18+TE chất lượng cao tại Phú Yên, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững” và khánh thành nhà máy sản xuất phân bón NPK một hạt bằng công nghệ tháp cao đầu tiên tại Việt Nam.
 
Còn Công Ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã thực hiện nhiệm vụ KH-CN không sử dụng ngân sách nhà nước “Mô hình ương tôm giống thẻ chân trắng (Lip­topenaeus vannamel, Boone 1931) Đắc Lộc Green House”. Kết thúc dự án, doanh nghiệp đã nghiên cứu quy trình ương tôm thẻ chân trắng trong nhà lưới theo công nghệ Đắc Lộc. Quy trình này được Bộ NN-PTNT tặng giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần 2 năm 2015 và được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, được ghi danh vào Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2017.
 
Với việc được công nhận là doanh nghiệp KH-CN, Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina và Công Ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc sẽ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, giao quyền sử dụng hoặc sở hữu các kết quả KH-CN thuộc sở hữu Nhà nước; các khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác thực hiện theo quy định của pháp luật; được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Phát triển KH-CN và các quỹ khác theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh; được hưởng các dịch vụ tư vấn, đào tạo miễn phí của các cơ sở ươm tạo công nghệ…
 
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina cho biết, đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp, nếu Nhà nước không có chính sách ưu đãi thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện vì đó là sự sống còn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi được chứng nhận là doanh nghiệp KH-CN, doanh nghiệp mới chỉ được hưởng một số chính sách ưu đãi như được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (cho sản phẩm là kết quả của sự đổi mới KH-CN), được giữ lại 10% thu nhập trước thuế để lập quỹ, đầu tư cho phát triển KH-CN… còn lại những ưu đãi khác vẫn chưa đến được với doanh nghiệp.
 
Ông Lê Văn Cựu (bìa trái) trao giấy chứng nhận cho đại diện Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Hoàng Long Vina và Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc - hai doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh đạt các tiêu chuẩn doanh nghiệp KH-CN - Ảnh: THÁI HÀ
 
Cần chính sách ưu đãi cụ thể
 
Chính sách dành cho doanh nghiệp KH-CN đã có từ lâu nhưng một mặt do nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn lực để tham gia; mặt khác chính sách ưu đãi chưa được cụ thể hóa khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp KH-CN.
 
Ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, khi được công nhận doanh nghiệp KH- CN thì không chỉ uy tín của doanh nghiệp được nâng lên mà doanh nghiệp còn được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề này chưa cao, vướng nhiều nơi.
 
Bởi muốn mang tên doanh nghiệp KH-CN thì doanh nghiệp phải xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh, phải chứng minh việc sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp các kết quả KH-CN; giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ từ các kết quả KH-CN; chứng minh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH-CN và các điều kiện đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, hiện nay, có một thực tế là đa số doanh nghiệp không có đủ căn cứ pháp lý để chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu. Mặt khác, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp KH-CN rất hấp dẫn nhưng các ngành lại chưa thống nhất, đặc biệt là ngành Thuế.
 
Để thúc đẩy các doanh nghiệp đăng ký thành lập doanh nghiệp KH-CN, thời gian qua, Sở KH-CN đã chủ động tuyên truyền và hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong việc định hướng, phát triển sản xuất và đăng ký thành lập loại hình doanh nghiệp này. Tuy nhiên, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần nỗ lực đổi mới sáng tạo, triển khai các hoạt động nghiên cứu KH-CN trong quá trình sản xuất, kinh doanh và khi đủ điều kiện thì đăng ký thành lập doanh nghiệp KH-CN. Hoạt động đổi mới sáng tạo này không chỉ nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn kết hợp với thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 12
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.754
account_box Trong năm: 20.514
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.834