Sáng tạo kỹ thuật Sáng tạo kỹ thuật

Để cuộc thi sáng tạo trở thành sân chơi trí tuệ có sức lan tỏa

Cập nhật lúc:   10:44:49 - 18/09/2019 Số lượt xem:   1087 Người đăng:   Administrator
Thành viên ban giám khảo chấm chung khảo Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ IV (2018-2019). Ảnh: THÁI HÀ Thành viên ban giám khảo chấm chung khảo Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ IV (2018-2019). Ảnh: THÁI HÀ
Hàng trăm sản phẩm, giải pháp độc đáo gắn liền với thực tiễn đã được các học sinh tranh tài tại Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ IV (2018-2019). So với mọi năm, cả chất lượng và số lượng giải pháp đều tăng, tuy nhiên, để cuộc thi trở thành một sân chơi trí tuệ, thu hút sâu rộng nhiều đối tượng tham gia, cần sự nỗ lực, chung tay từ nhiều phía.
Nhiều giải pháp triển vọng
 
Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật (Liên hiệp hội), Sở KH-CN, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Phú Yên vừa tổ chức lễ tổng kết trao giải Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ IV (2018-2019). Theo ban tổ chức, trong số các giải pháp tham dự năm nay, rất nhiều giải pháp có ý tưởng tốt, có triển vọng áp dụng vào thực tiễn nếu được đầu tư, hoàn thiện.
 
Cuộc thi lần này nhận được hơn 100 giải pháp dự thi thuộc các lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường, các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Trong đó có 74 mô hình, sản phẩm được ban giám khảo chọn vào vòng chung khảo và 30 sản phẩm được trao giải.
 
Hai em Trần Công Lý và Nguyễn Thị Phượng, học sinh lớp 9B Trường THCS Nguyễn Du (TX Sông Cầu) giới thiệu mô hình Xe kéo phun thuốc tự động. Giải pháp này được các em thực hiện bằng cách tận dụng xe đạp hỏng, bình phun cũ để tạo ra sản phẩm bình phun thuốc kiểu mới giúp người nông dân không phải mang vác trên lưng, tránh được nước thuốc rơi vãi chảy thấm vào lưng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
 
Chia sẻ về sản phẩm này, Nguyễn Thị Phượng cho biết: “Dù phải cố gắng để cân bằng việc học và hoàn chỉnh giải pháp nhưng em vẫn học tốt. Cuộc thi là cơ hội để em tìm hiểu nhiều kiến thức liên quan và học tập được những mô hình hữu ích của các bạn. Em hy vọng, sản phẩm dự thi của chúng em sẽ giúp người nông dân không phải mang vác nặng khi phun thuốc”.
 
Cũng tham gia cuộc thi này, hai em Võ Duy Nin và Phan Thị Mỹ Linh (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) giới thiệu giải pháp Máy gọt vỏ sắn và các loại củ quả trong sinh hoạt và sản xuất. Với máy này, Võ Duy Nin cho biết có thể gọt sạch được hơn 90% vỏ sắn dù ở những hình dạng, kích thước khác nhau. Nin mong muốn sản phẩm của mình sẽ giúp người dân không phải tốn quá nhiều thời gian, công sức cho việc lột vỏ sắn thủ công.
 
Em Ngô Thạch Hoàng Lịch (phường 4, TP Tuy Hòa) mang đến cuộc thi giải pháp Mạch điện chống trộm và chống lãng phí điện năng. Với giải pháp này, Lịch thiết kế mạch điện ở cửa, nếu có người vào nhà thì hệ thống điện trong nhà tự động bật sáng, khi ra khỏi nhà thì hệ thống điện ngắt. Hệ thống còn sử dụng cảm biến nhận diện khuôn mặt để phát hiện những người lạ mặt xâm phạm, sau đó gửi tin nhắn đến cho chủ nhân của ngôi nhà.
 
Hai em Trần Thị Mỹ Thoai và Bùi Thành Công, học sinh lớp 9 Trường tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (TX Sông Cầu) mang đến cuộc thi sản phẩm Smart Family Robot. Robot có thể vừa lau nhà, mang được những đồ vật trong nhà, vừa biết làm toán và phát âm chuẩn tiếng Anh chỉ bằng cách điều khiển từ xa. Thoai cho biết, robot mới chỉ cầm được những vật có trọng lượng nhỏ như chai nước suối hay các đồ lặt vặt. Nếu phát triển thêm, robot sẽ rất hữu ích trong việc giải phóng sức lao động.
 
Lan tỏa phong trào sáng tạo
 
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng nhấn mạnh, cuộc thi là hoạt động dành cho các học sinh đam mê khoa học kỹ thuật, là sân chơi bổ ích, hấp dẫn đối với học sinh. Vì vậy, địa phương và nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào sáng tạo để cuộc thi trở thành một sân chơi trí tuệ có sức hút mạnh và sự lan tỏa sâu rộng.
 
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn hướng dẫn học sinh thực hiện sản phẩm Smart Family Robot, cho biết: “Trường tiểu học và THCS Lê Quý Đôn những năm gần đây luôn có học sinh tham gia cuộc thi và đạt giải cao. Có được kết quả này là nhờ lãnh đạo nhà trường rất quan tâm đến cuộc thi và đôn đốc các giáo viên hướng dẫn. Nhờ đó, học sinh được tiếp thêm động lực, vượt qua những chán nản ban đầu để thực hiện các ý tưởng của mình”.
 
Kỹ sư Nguyễn Thanh Tước, thành viên Ban giám khảo cuộc thi, nhận xét: “Năm nay, cuộc thi ghi nhận những mô hình có tính sáng tạo và ý tưởng mới lạ, khá phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của người có chuyên môn. Ở lứa tuổi học sinh, các em có thể tự tìm kiếm những ý tưởng hay phù hợp và hiện thực hóa nó, tránh sự phụ thuộc, giúp đỡ quá nhiều vào giáo viên hướng dẫn”.
 
Ông Nguyễn Minh Song, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “So với những ngày đầu cuộc thi được tổ chức, đến nay, các em thí sinh đã biết cách hình thành ý tưởng, hoàn thiện và thực hiện ý tưởng sáng tạo cho một sản phẩm cụ thể. Sản phẩm tham gia cuộc thi ngày càng có tính ứng dụng cao hơn, hàm lượng KH-CN cũng nhiều hơn. Các sản phẩm đoạt giải đều được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo”.
 
Số lượng giải pháp, sản phẩm tham gia chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo của các em lứa tuổi học sinh, nhất là các em khối THPT. Thời gian tới, cơ quan thường trực của cuộc thi cần phối hợp tốt với các đơn vị liên quan, địa phương, nhà trường để đẩy mạnh truyền thông, có chính sách hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm tạo môi trường thuận lợi phát huy khả năng sáng tạo của các em, giúp các em hình thành và phát triển tư duy khoa học, ý tưởng sáng tạo cũng như vận dụng các kiến thức được học vào việc tìm tòi, phát hiện và giải quyết các vấn đề thực tiễn.
 
Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 27
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.769
account_box Trong năm: 20.529
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.849