Sáng tạo kỹ thuật Sáng tạo kỹ thuật

Robot giúp việc gia đình, giải pháp nâng cao chất lượng sống

Cập nhật lúc:   15:42:35 - 20/04/2020 Số lượt xem:   961 Người đăng:   Administrator
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn (phải) nhận giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần VIII (2018-2019). Ảnh: THÁI HÀ Thầy Nguyễn Thanh Tuấn (phải) nhận giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần VIII (2018-2019). Ảnh: THÁI HÀ
Với mong muốn chế tạo ra mô hình robot có nhiều tính năng hữu ích, giá cả hợp lý, dễ sử dụng và thân thiện với môi trường, tác giả Nguyễn Thanh Tuấn, giáo viên Trường tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (TX Sông Cầu) đã hoàn thiện và giới thiệu robot NTT với nhiều chức năng nổi bật.
Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ VIII, giải pháp của tác giả Nguyễn Thanh Tuấn khiến nhiều người thích thú vì chỉ ngồi một chỗ và thao tác đơn giản trên điện thoại di động là robot có thể di chuyển dễ dàng để dọn dẹp nhà cửa, cầm đồ vật mang đến cho người điều khiển. Ngoài ra, robot có thể phát ra nhạc hay chuyển văn bản trên điện thoại thành giọng đọc phục vụ giải trí; khi có người lạ xâm nhập, robot tự động phát cảnh báo an ninh…
 
Theo anh Nguyễn Thanh Tuấn, trong thời đại công nghệ 4.0, máy móc hỗ trợ cho sản xuất, phục vụ cuộc sống con người ngày càng nhiều. Theo xu thế đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã chế tạo và đưa vào thương mại hóa nhiều chủng loại robot với những tính năng nổi bật như: lau nhà, dọn vườn, hút bụi, nấu ăn… Tuy nhiên, những sản phẩm công nghệ này thường có giá thành khá cao nên người sử dụng khó tiếp cận.
 
Vốn có niềm đam mê tin học, có nhiều ý tưởng sáng tạo, kèm với vốn liếng tiếng Anh kha khá nên anh Tuấn đặt ra mục tiêu sẽ chế tạo một loại robot thông minh tích hợp cùng một lúc nhiều chức năng như: dọn dẹp, di chuyển đồ vật; hỗ trợ người già, người khuyết tật chăm sóc bản thân; cung cấp các tiện ích giải trí; có chức năng giám sát, cảnh báo an ninh… với mức giá hợp lý để nhiều gia đình có thể tiếp cận.
 
Để hiện thực hóa ý tưởng trên, anh Tuấn mày mò trên các trang mạng nước ngoài để tìm hiểu cách viết phần mềm cho robot bằng tiếng Việt và lập trình trên các bo mạch. Dù khả năng lập trình và viết phần mềm đã tương đối vững vàng từ nhiều năm trước nhưng anh Tuấn cho biết cũng phải mất gần một năm anh mới có thể hoàn thiện giải pháp của mình.
 
Chia sẻ về quá trình làm việc để hoàn thiện sản phẩm, anh Tuấn cho biết: “Việc lập trình không hề đơn giản bởi nếu các câu lệnh bị xung đột, hệ thống sẽ không hoạt động hoặc chạy không “mượt”. Vì vậy, trên nền tảng những kiến thức sẵn có, tôi phải học hỏi thêm và vừa làm vừa điều chỉnh dần dần mới ra được sản phẩm”.
 
Sau gần một năm nghiên cứu, thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn đã cho ra đời robot NTT có trọng lượng 2,5kg; cánh tay xoay được 360và có khả năng mang các đồ vật từ 1-1,5kg. Chi phí sau khi hoàn thiện robot khoảng 3 triệu đồng. Khi tham gia Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần VIII, robot chỉ mới chuyển văn bản thành giọng nói tiếng Việt, nhưng hiện tại, anh Tuấn đã nâng cấp để robot có thể chuyển văn bản tiếng Việt thành nhiều ngôn ngữ khác nhau. Với mô hình sẵn có, anh Tuấn cho biết có thể nâng cấp để robot có trọng lượng lớn hơn, mang được những vật nặng hơn.
Để chế tạo ra một robot hoạt động linh hoạt và nhiều chức năng, thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn cho biết đã sử dụng kết hợp hai ngôn ngữ lập trình Mit Ai2 Inventor và Arduino. Trong đó, bo mạch chính của robot là bo Arduino Mega 2560 phổ biến với nhiều tính năng kỹ thuật nổi bật và có nhiều cổng giao tiếp giúp điều khiển thiết bị, linh kiện. Được lập trình bằng ngôn ngữ tiếng Việt nên ưu điểm của sản phẩm là thao tác dễ dàng.
Mô hình robot NTT. Ảnh: THÁI HÀ
 
Về mặt thiết kế, hai cánh tay robot có nhiều khớp vận động giúp robot vận động linh hoạt theo nhiều góc độ khác nhau. Trước khi tham gia và đạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ VIII, robot này đã được đưa vào thực nghiệm tại một số gia đình và chứng minh được giá trị của nó trong việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Thầy Trần Khả Châu, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (TX Sông Cầu) cho biết, thầy Tuấn là một tấm gương điển hình của nhà trường trong việc làm tốt công tác chuyên môn, tham gia sôi nổi các hoạt động của trường và luôn tìm tòi, khám phá để có các giải pháp kỹ thuật phục vụ cuộc sống. Vốn có niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật nên thầy Tuấn nhiều lần hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng. Năm 2019, dưới sự hướng dẫn của thầy Tuấn, trường đã có nhóm học sinh đạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng cấp tỉnh. Cũng giải pháp này, khi tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng cấp quốc gia đã đạt giải ấn tượng. Thời gian tới, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để các giáo viên phát huy niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật của mình”. 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 68
accessibility Hôm qua: 80
account_circle Trong tháng: 275.222
account_box Trong năm: 23.845
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.165