Tiền Giang: Sáng tạo Tủ hút và khử khí độc hỗ trợ thực hành thí nghiệm

Cập nhật lúc:   15:29:34 - 09/08/2019 Số lượt xem:   1112 Người đăng:   Administrator
Tủ hút và khử khí độc hỗ trợ thực hành thí nghiệm do 2 em Chí Thiện và Hoàng Thoại sáng tạo Tủ hút và khử khí độc hỗ trợ thực hành thí nghiệm do 2 em Chí Thiện và Hoàng Thoại sáng tạo
Hai em Nguyễn Chí Thiện và Lê Hoàng Thoại, học sinh lớp 11, trường THPT Tân Phước (huyện Tân Phước, Tiền Giang) nghiên cứu, sáng tạo thành công “Tủ hút và khử khí độc hỗ trợ thực hành thí nghiệm” rất tiện dụng và đảm bảo an toàn trong quá trình thực hành thí nghiệm môn hóa học.
Hai tác giả trẻ cho biết, hiện tại các trường THPT, THCS trong huyện đều đầu tư phòng thí nghiệm để phục vụ công tác giảng dạy và thực hành môn khoa học tự nhiên, trong đó, có môn hóa học. Tuy nhiên, quá trình thực hành thí nghiệm thường xuất hiện nhiều khí thải độc hại, có mùi khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của giáo viên hướng dẫn cũng như học sinh khi thao tác, nhất là đối với giáo viên, do phải tiếp xúc thường xuyên, lâu dài.

Xuất phát từ thực tế trên, hai em nảy sinh ý tưởng và nghiên cứu, sáng tạo ra “Tủ hút và khử khí độc hỗ trợ thực hành thí nghiệm” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại do khí thải gây ra trong quá trình thực hành thí nghiệm, nhất là khi pha loãng các dung dịch HCl, HNO3 đậm đặc cùng một số dung dịch khác.

Chiếc tủ này được làm bằng khung nhôm có lắp thủy tinh xung quanh (đảm bảo kín tuyệt đối để ngăn khí độc thoát ra ngoài) với các chi tiết kèm theo như: Quạt hút khí độc từ thân tủ lên đỉnh tủ; ống dẫn khí độc từ đỉnh tủ đến bình chứa dung dịch để khử khí độc; 2 bình chứa dung dịch khử khí độc.

Trước khi tiến hành thí nghiệm, ta cho vào hai bình lọc dung dịch Ca(OH)2 dư, cung cấp nguồn điện cho quạt hút hoạt động. Khi tiến hành thí nghiệm (người thao tác thí nghiệm phải đeo găng tay, khẩu trang và mặc áo blouse), chất khí sinh ra từ quá trình thực hành sẽ được quạt hút vào phần trên của tủ, rồi lần lượt di chuyển trong ống dẫn vào bình chứa 1 và bình chứa 2. Tại bình chứa 1 và 2 sẽ xảy các các phản ứng hóa học tạo thành chất kết tủa hoặc các chất tan trong nước và được giữ lại trong bình. Như vậy, những hóa chất độc hại được lọc và khử hai lần nên được giữ lại hoàn toàn, khí thoát ra ngoài sau bình 2 là khí sạch.

Thầy Hồ Văn Hưởng, giáo viên hướng dẫn 2 em giải pháp trên cho biết: Sản phẩm này có nhiều tiện ích như có tính cơ động cao (có thể di chuyển đến lớp để các em có thể thực hành theo nhóm); giáo viên có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát các nhóm khi thao tác; đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh khi thao tác, thực hành, nhất là khi thực hành các dung dịch axit đậm đặc dễ xảy ra sự cố nếu không cẩn thận (hóa chất có thể bắn ra gây bỏng do ống thủy tinh bị vỡ khi gia nhiệt hay khi thực hiện phản ứng thủy phân).

Sau khi hoàn chỉnh, sản phẩm này có thể được nhân rộng để trang bị cho các trường (THPT, THCS) trong tỉnh hỗ trợ thực hành môn hóa học rất tiện ích nhằm phát huy ưu điểm (đảm bảo tính cơ động, an toàn), cũng như khắc phục một số nhược điểm của phòng thí nghiệm cố định (ảnh hưởng đến sức khỏe do tiếp do tiếp xúc lâu dài với khí độc).
Sản phẩm đã được Ban giám khảo đề xuất Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tạo thanh – thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XII (năm 2018-2019) trao giải Nhất. 
 
Tác giả bài viết: Huỳnh Văn Xĩ
Nguồn: www.vusta.vn ngày 06/8/2019
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 3
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 274.769
account_box Trong năm: 23.392
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.712