TTTT & PBKT TTTT & PBKT

Biến rác thải thành chế phẩm sinh học

Cập nhật lúc:   14:57:02 - 25/03/2021 Số lượt xem:   5771 Người đăng:   Administrator
Mô hình sản xuất nước rửa chén sinh học tại xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa). Ảnh: VĂN TÀI Mô hình sản xuất nước rửa chén sinh học tại xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa). Ảnh: VĂN TÀI
Được thành lập và đi vào hoạt động vào cuối tháng 11/2020, đến nay mô hình Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học của Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) không chỉ góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường mà còn tạo công ăn việc làm cho hội viên.
Tận dụng rác thải 
Trung tuần tháng 3, tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Diện (ở thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc) để tìm hiểu về quy trình tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học. Đây cũng là nơi “đóng quân” của các thành viên tham gia mô hình Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học của Hội LHPN xã Bình Ngọc. 
Theo quy chế thì cứ vào chiều cuối tuần, 12 thành viên tham gia mô hình tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học ở đây chia nhau đi đến các chợ, các nơi bán nước ép trên địa bàn TP Tuy Hòa thu gom vỏ cam quýt để về chế biến nước tẩy rửa sinh học. Ban đầu, nhiều người buôn bán trái cây ở các chợ rất ngạc nhiên khi thấy các chị đến xin rác thải, vỏ trái cây hư vứt bỏ. 
Chị Nguyễn Thị Diện cho biết: “Từ khi tham gia vào mô hình này, tôi biết đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ, những loại rác có thể tái sử dụng hoặc có thể bán lấy tiền. Do đó, tôi tham gia mô hình này rồi đi thu gom rác thải, vỏ trái cây để về chế biến thành nước rửa chén. Điều này không chỉ giúp gia đình có thêm thu nhập từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi mà còn góp phần bảo vệ môi trường”. 
Tuy nhiên, để ủ rác thải thực vật thành chế phẩm nước rửa chén sinh học không phải là điều đơn giản đối với những chị em vốn là nông dân chân lấm tay bùn này. Ban đầu, các chị cũng được Sở TN-MT tập huấn và đầu tư trang thiết bị, rồi được các kỹ sư ở Trường cao đẳng Công thương Miền Trung “cầm tay chỉ việc”. Thế nhưng, từ lý thuyết đến thực tiễn là một khoảng cách khá dài. Thử nghiệm, thất bại, rồi lại thử nghiệm và lại thất bại... “Mất hàng tháng, sau hàng chục lần thất bại, cuối cùng chúng tôi đã thành công. Còn nhớ, giây phút cầm trên tay dung dịch nước rửa chén, lau nhà sinh học được chiết xuất từ… rác thải, vỏ trái cây, chúng tôi vẫn chưa dám tin mình đã thành công”, chị Trương Thị Sinh, một thành viên trong nhóm chia sẻ thêm. 
Biến rác thải thành tiền 
Theo chị Sinh, công thức chế biến rác thải, vỏ trái cây thành dung dịch tẩy rửa khá đơn giản. Nguyên liệu ban đầu gồm 3kg rác thực vật (lá cây, rau củ quả...), đem rửa sạch, cắt ngắn khoảng 3cm kết hợp với 10kg nước lã và 300gam đường tinh bột trộn đều, ủ trong thùng kín 30 ngày. Kết thúc công đoạn này sẽ thu được thứ dung dịch thô màu vàng, có thể dùng được ngay. Tuy nhiên, dung dịch có nhược điểm là mùi hôi khó chịu. “Để khử mùi và tạo màu, chúng tôi đem ủ thêm 45 ngày với các chế phẩm có màu như cà tím, nghệ tinh bột để cho ra khoảng 10 lít dung dịch rửa chén và lau nhà hoàn hảo. Riêng phần bã sau quá trình ủ lên men, chúng tôi tận dụng để làm phân hữu cơ bón rau vườn nhà”, chị Sinh cho biết. 
Với giá bán 20.000 đồng/lít, hiện nay sản phẩm nước rửa chén sinh học Bình Ngọc được chị em Hội LHPN xã Bình Ngọc, các nhà hàng, quán ăn trong tỉnh hồ hởi đón nhận và tích cực phổ biến, quảng bá để nhiều người cùng biết. 
Nói về những lợi ích khi sử dụng sản phẩm nước rửa chén sinh học Bình Ngọc trên cơ sở khoa học cũng như những so sánh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, hầu hết các bà nội trợ đều khẳng định: Giá thành sản phẩm rẻ hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại trên thị trường; tính năng làm sạch vượt trội; sản phẩm đặc biệt an toàn vệ sinh thực phẩm, không hóa chất độc hại, không gây kích ứng da, lại thân thiện với môi trường. Ngoài ra, loại nước tẩy rửa này có thể khử mùi hôi, thông cống thoát nước, diệt bọ gậy và các loại côn trùng, như: muỗi, kiến, gián… 
Còn theo chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc, đây là mô hình rất ý nghĩa, không chỉ thu hút nhiều chị em tham gia góp phần tích cực bảo vệ môi trường, mà còn tạo công ăn việc làm cho các hội viên với mức thu nhập bình quân 2-4 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên hiện nay, khó khăn nhất là đầu ra cho sản phẩm chưa được ổn định, mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng chưa thu hút. 
Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ hơn nữa của cá nhân, tổ chức trong việc đưa quy trình này ứng dụng rộng rãi hơn trong thực tế, góp phần bảo vệ môi trường, mang đến lợi ích kinh tế, xã hội bền vững cho cộng đồng.
 
                Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 59
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.801
account_box Trong năm: 20.561
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.881