TTTT & PBKT TTTT & PBKT

Nông dân với những mô hình hay

Cập nhật lúc:   14:29:19 - 31/05/2021 Số lượt xem:   762 Người đăng:   Administrator
Anh Nguyễn Tấn Lang Anh Nguyễn Tấn Lang
Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) trên địa bàn tỉnh lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều hộ đạt danh hiệu SXKDG có mức thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng/năm. Báo Phú Yên giới thiệu một số nông dân với mô hình hay, được UBND tỉnh khen thưởng trong phong trào nông dân SXKDG giai đoạn 2015-2020.
Làm giàu từ nuôi gà trên đệm lót sinh học 
Xuất phát từ chăn nuôi gà, vịt nhỏ lẻ bằng phương pháp truyền thống để phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Tấn Lang ở khu phố 2, phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà thả vườn trên đệm lót sinh học và cung cấp con giống, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. 
Theo anh Lang, yếu tố quyết định thành công trong chăn nuôi gà thương phẩm chính là áp dụng công nghệ nuôi khoa học. Hiện các khu chuồng trại nuôi gà, vịt của gia đình anh đều được đầu tư xây dựng thoáng mát đúng quy cách, có lót đệm sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường. Không những thế, cách làm này còn giúp giảm thiểu đáng kể mùi hôi từ chất thải, giảm nồng độ khí H2S, NH3... thải ra môi trường xung quanh; đồng thời tăng cường phân hủy phân, nước tiểu thành phân hữu cơ vi sinh, tăng quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn, góp phần phòng bệnh cho đàn gà. “Vì vậy, từ khi nuôi trên đệm lót sinh học, gà tăng trọng nhanh, phát triển đồng đều; các bệnh thường gặp ở gà như thương hàn, thối móng, bệnh về đường hô hấp… cũng không còn”, anh Lang chia sẻ. 
Từ 1.000 con gà nuôi ban đầu, thấy mô hình chăn nuôi có hiệu quả, anh Lang vay mượn để nuôi tiếp lứa gà thứ hai, thứ ba… rồi nâng dần số lượng đàn gà lên mỗi năm. Hiện trang trại của anh thường xuyên duy trì khoảng 8.000 con gà thịt, 2.000 con gà bố mẹ để lấy trứng ấp bán con giống cho người dân xung quanh. Bình quân mỗi năm, anh có thể nuôi 4-5 lứa. Hiện với giá bán 75.000 đồng/kg gà thịt sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm.
Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất bỏ hoang 
Anh Võ Thanh Tùng

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất làm lúa có năng suất thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả, anh Võ Thanh Tùng ở thôn Mậu Lâm Nam, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa đã mày mò học hỏi được mô hình trồng sen, rồi mạnh dạn thuê lại số đất bỏ hoang do úng trũng ở bầu Hội Khách với diện tích 3ha để cải tạo, đắp đê trồng sen cao sản kết hợp nuôi cá nước ngọt và trồng lúa. 
Ban đầu anh Tùng trồng sen trên diện tích 2ha, còn 1ha anh trồng lúa. Qua 1 năm bỏ công chăm sóc, bầu sen của anh phát triển nhanh, thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất cao, đã tạo động lực cho gia đình gắn bó lâu dài với việc trồng sen cho đến nay. 
Theo anh Tùng, sen vốn dễ tính, rất thích hợp trên diện tích đất bầu, ruộng ngập úng. Chỉ cần tốn chi phí đầu tiên cho lần xuống giống, sau đó chăm sóc, bón phân và cho thu hoạch. Để trồng sen thành công, người trồng phải có kinh nghiệm kết hợp với áp dụng kỹ thuật, biết cách phòng trừ sâu bệnh. “Trồng sen không phải lo đầu ra sản phẩm, vì các thương lái đến tận nhà thu mua. Trung bình 1kg gương sen tươi có giá dao động từ 10.000-15.000 đồng, sen hạt bán với giá 35.000 đồng/kg và sen hạt bóc vỏ sạch bán với giá 120.000 đồng/kg. Với sản lượng bình quân 13 tấn/năm, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu lợi được 100 triệu đồng. Ngoài ra, hàng năm gia đình tôi còn có nguồn thu 15-20 triệu đồng từ việc nuôi cá và trồng lúa”, anh Tùng phấn khởi cho biết.
Vươn khơi bám biển 
Ông Nguyễn Trí Thanh

Năm 2015, Tổ Tàu thuyền sản xuất an toàn tại thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An được thành lập với 7 thành viên, ông Nguyễn Trí Thanh được cử làm tổ trưởng. Đảm nhận nhiệm vụ này, ông Thanh đã nỗ lực cùng các thành viên trong tổ phối hợp với chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng và các cơ quan chức năng tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự trên biển; tương trợ lẫn nhau trong quá trình khai thác hải sản; tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về biên giới quốc gia; giúp đỡ ngư dân khi có sự cố tàu thuyền chết máy, mắc cạn... 
Thời gian qua, bản thân ông Thanh, cùng các thành viên trong tổ đã cung cấp cho Đồn Biên phòng ở địa phương hơn 40 tin về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; phối hợp bắt quả tang 4 vụ sử dụng chất nổ, xung điện khai thác hải sản trên biển, 2 vụ khai thác cát trái phép; giải tán 7 tụ điểm cờ bạc và đá gà ăn tiền tại địa phương. Mới đây, ông Thanh còn đứng ra vận động, thành lập Tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy sản trên biển, do ông làm tổ trưởng. “Từ chỗ sản xuất, đánh bắt đơn lẻ, từ khi thành lập Tổ Tàu thuyền sản xuất an toàn và Tổ hội nghề nghiệp khai thác thủy sản trên biển, chúng tôi được hỗ trợ vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, kịp thời trao đổi thông tin giá cả, thị trường các loại thủy hải sản đánh bắt được cũng như ngư trường khai thác; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thủy sản…”, ông Thanh cho hay. 
Ngoài ra, ông Thanh còn mạnh dạn vay 2 tỉ đồng của Ngân hàng NN-PTNT để đóng tàu có công suất 678CV. Mỗi năm, phương tiện này vươn khơi đánh bắt 350-400 tấn cá các loại, thu nhập 3,5-4 tỉ đồng (gia đình lãi 500 triệu đồng đến 1,3 tỉ đồng); mỗi thuyền viên thu nhập từ 60-80 triệu đồng/người. 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 33
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.869
account_box Trong năm: 23.492
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.812