TTTT & PBKT TTTT & PBKT

Hội Nông dân Sông Hinh: Sát cánh cùng hội viên phát triển kinh tế

Cập nhật lúc:   08:11:30 - 14/02/2022 Số lượt xem:   382 Người đăng:   Administrator
Mô hình trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân huyện Sông Hinh thoát nghèo. Ảnh: NGỌC HÂN Mô hình trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân huyện Sông Hinh thoát nghèo. Ảnh: NGỌC HÂN
Nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD), biết phát huy thế mạnh trong trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để làm ăn phát triển kinh tế, hàng ngàn hộ nông dân (ND) ở huyện miền núi Sông Hinh đã có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu…
Đây là đơn vị tiêu biểu được Hội ND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu Khối thi đua cụm miền núi năm 2021. 
Hỗ trợ sinh kế cho hội viên 
Theo ông Bá Minh Hiếu, Chủ tịch Hội ND huyện Sông Hinh, thông qua phong trào NDSXKD, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, những năm qua, hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng giúp đỡ nhiều hội viên ND trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, cây con giống, cung ứng phân bón đến tận tay các hộ ND… Hiện nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực. 
Được sự hỗ trợ của hội, gia đình ông Ma Min ở buôn Chung, xã Ea Bar được vay vốn phát triển kinh tế. Từ mô hình trồng cây lâm nghiệp, Ma Min tiếp tục tham gia tổ hội ND chăn nuôi bò sinh sản và vay thêm vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ ND để đầu tư chuồng trại chăn nuôi bò. Vừa làm vừa học hỏi các thành viên trong tổ hội, đến nay, gia đình Ma Min không chỉ thoát nghèo, mà trở thành hộ có mức thu nhập khá tại địa phương, với tổng thu nhập gần 150 triệu đồng mỗi năm. “Hiện kinh tế gia đình tôi đã ổn. Thời gian tới, nếu được hội hỗ trợ thêm vốn, tôi sẽ đầu tư chăn nuôi heo và gà”, Ma Min cho biết. 
Tham gia mô hình chăn nuôi heo nái sinh sản giống bản địa tại xã Sông Hinh do Hội ND tỉnh triển khai, gia đình bà Hoàn Thị Xíu ở thôn Hà Roi được hỗ trợ 4 con nái và 1 con đực để phát triển đàn. Bà Xíu chia sẻ: “Chăn nuôi heo đen có nhiều ưu điểm, đầu ra ổn định, thức ăn dễ kiếm, ít tốn công chăm sóc, đặc biệt con giống có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh. Heo nái đẻ ổn định, bình quân mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa từ 2-3 heo con, nuôi 4 tháng đạt 20-30kg thì có thể xuất chuồng. Với giá heo hơi từ 60.000-100.000 đồng/kg tùy thời điểm, trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 10 triệu đồng/năm”. 
Theo ông Bá Minh Hiếu, những mô hình nói trên được triển khai nhằm hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên khó khăn. “Ngoài tặng bò, heo và hỗ trợ cây giống cho hội viên, chúng tôi còn tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay từ quỹ hội; đồng thời phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo nguồn vốn vay ổn định cho nông dân phát triển sản xuất. Riêng trong năm 2021, hội đã tín chấp với Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt và Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp tạo vốn cho hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh với số tiền hơn 165 tỉ đồng/4.311 lượt hộ vay. Từ nguồn này, nhiều gia đình ND đã đầu tư sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát nghèo”, ông Hiếu nói. 
Nhiều mô hình hiệu quả 
Gia đình ông Trần Văn Hoan ở thôn Chư Blôi, xã Ea Bar triển khai mô hình nuôi ốc bươu đen. Năm 2019, ông bắt đầu nuôi thử nghiệm từ những cặp ốc bố mẹ, vừa nuôi, vừa học hỏi kỹ thuật qua internet, sách, báo. Sau 6 tháng, đàn ốc phát triển nhanh, trừ chi phí trung bình 1.000m² ao nuôi ốc cho lãi từ 70-80 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, ông đã chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nông dân trong thôn, xã với mong muốn nhân rộng mô hình để cùng nhau làm giàu. Hiện gia đình ông nuôi 40 vạn ốc bố mẹ trên diện tích ao 2.000m². “Nuôi ốc bươu đen vốn đầu tư ít, đầu ra ổn định, dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện trong ao, hồ tự nhiên, chỉ cần nguồn nước sạch là có thể nuôi tốt. Thức ăn của ốc hoàn toàn là bèo tấm, lá cây, các loại rau, củ, quả dễ tìm, chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Hoan phấn khởi nói. 
Từ hai bàn tay trắng, ông Ma Dom ở buôn Ly, xã Ea Trol vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá. Nhìn cơ ngơi 2 xe công nông phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhà cửa khang trang, mua sắm các loại phương tiện phục vụ đi lại và đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình, không ai nghĩ 10 năm trước, gia đình Ma Dom sống trong cảnh cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Ma Dom bảo: “Trước chưa được vay vốn, chúng tôi nghèo lắm. Hồi đó có ít đất rẫy để trồng trọt nên tôi tranh thủ làm mướn kiếm thêm. Nhờ vốn vay, gia đình mới đầu tư vào sản xuất và chăn nuôi với 7ha cây sắn cao sản, 1ha lúa nước 2 vụ, 1ha keo; nuôi 10 con bò mẹ sinh sản, 3 con heo mẹ và hơn 30 con gia cầm các loại... Nhờ áp dụng phương thức đa canh, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập 150 triệu đồng, cuộc sống dần ổn định, các con có điều kiện học hành”. 
“Để giúp các hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững, thời gian tới, hội tiếp tục hỗ trợ hội viên vay vốn ngân hàng, đồng thời đẩy mạnh xây dựng Quỹ Hỗ trợ ND, quỹ hội; tham gia ngày công giúp hội viên, đặc biệt là hội viên nghèo đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, các công trình phụ để nhanh chóng thoát nghèo”, ông Bá Minh Hiếu khẳng định.
Năm 2021, 11 cơ sở hội ở huyện Sông Hinh phát động phong trào nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Qua bình xét, có 4.000 hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 100% chỉ tiêu giao; thành lập 2 tổ hội nghề nghiệp; xây dựng 2 mô hình bảo vệ môi trường; duy trì và nhân rộng mô hình thắp sáng đường quê”, lắp đặt 6 bóng đèn chiếu sáng với 200m đường nông thôn…
NGỌC HÂN
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 13
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.755
account_box Trong năm: 20.515
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.835