TTTT & PBKT TTTT & PBKT

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật lúc:   14:08:03 - 10/10/2022 Số lượt xem:   234 Người đăng:   Administrator
Nông dân huyện Tây Hòa tìm hiểu các thiết bị máy Kubota (máy cày, máy gặt, máy kéo) tại buổi hội thảo. Ảnh: NGỌC HÂN Nông dân huyện Tây Hòa tìm hiểu các thiết bị máy Kubota (máy cày, máy gặt, máy kéo) tại buổi hội thảo. Ảnh: NGỌC HÂN
Để giúp nông dân từng bước thay đổi phương thức sản xuất đơn thuần, dần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã và đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh việc ứng dụng máy móc, thực hiện cơ giới hóa, tưới nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp trên cây trồng chủ lực. 
Thay đổi tư duy và cách làm 
Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ năm 2019 đến nay, trung tâm đã xây dựng nhiều dự án, mô hình và giúp nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Trong đó có các mô hình cơ giới như: máy làm đất đa năng; máy phun 3 trong 1, xới đất, phát cỏ; công cụ gieo hạt cho cây trồng cạn; máy tuốt hạt đậu phộng; tưới nhỏ giọt quấn gốc cho cây ăn trái. Riêng năm 2021, toàn tỉnh sử dụng 224.505 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất các loại cây nông nghiệp và công nghiệp đạt từ 50-90%, tỉ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng tưới nước tiên tiến, tiết kiệm đạt 37,82%, tương đương trên 54.000ha. 
Ông Võ Văn Đệ ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) gắn bó với cây lúa từ bao đời nay. Năm 2021, ông Đệ chủ động đầu tư máy cày, máy gặt đập liên hợp để phục vụ việc sản xuất của gia đình và kinh doanh thêm dịch vụ. “Với diện tích 6ha lúa, nếu như trước đây, tôi phải thuê 8 nhân công/ngày để làm đất, thu hoạch, phơi lúa, giá 250.000 đồng/người thì hiện nay, nhờ có máy móc, gia đình tôi chỉ cần thuê 2 người/ngày. Việc sử dụng máy móc trong sản xuất giúp bà con nông dân trong xã rút ngắn thời gian gieo sạ, tập trung chuyên canh nâng cao chất lượng lúa”, ông Đệ cho biết. 
HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) có 150 hộ với 2.580 lao động canh tác tổng diện tích 470ha lúa. Bên cạnh việc đầu tư máy móc vào sản xuất, HTX đã đầu tư nhà kho, lò sấy công nghệ không đảo, nâng cấp tuyến kênh, các trạm bơm tưới và khuyến khích xã viên, các hộ dân đầu tư máy móc phù hợp, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp phấn khởi nói: “Những năm qua, HTX được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ máy cày đất, kinh phí xây dựng kho chứa, hỗ trợ nâng cấp tuyến kênh và trạm bơm tưới để phục vụ sản xuất. Hiện nay, hầu hết xã viên, hộ nhận khoán đều sử dụng máy móc vào các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển, vừa tiết kiệm chi phí vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao nên năng suất lúa của HTX đạt trên 80 tạ/ha. Gia đình xã viên và hộ nhận khoán đều có đời sống khấm khá, tiếp tục tìm hiểu, đầu tư máy móc vào sản xuất”. 
Tiếp tục hỗ trợ người dân, HTX 
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tại hội thảo Ứng dụng cơ giới hóa và tưới nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tại huyện Tuy An và Tây Hòa mới đây, hiện nay mức độ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa đồng bộ. Các mô hình cơ giới hóa tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, vận chuyển và thu hoạch ở một số cây trồng chính như lúa, bắp, đậu. Còn khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cây công nghiệp như: mía, sắn, cà phê và các khâu sấy, xay xát chế biến lúa gạo có mức độ cơ giới hóa còn rất thấp. 
Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa Nguyễn Dũng, toàn huyện hiện có 238 máy cày các loại, 73 máy sạ hàng, 21 máy gặt đập liên hợp, 61 máy gặt rải hàng, 31 máy cuộn rơm và 88 máy tuốt lúa. “Bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để mua máy móc, thiết bị theo các chính sách, quy định của Nhà nước. Do vậy, trong thời gian tới, địa phương khuyến khích các HTX nông nghiệp, hộ gia đình tận dụng mọi nguồn vốn để đầu tư mua các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Cơ quan chuyên môn của huyện sẽ là trung tâm, cầu nối để các hộ gia đình tiếp cận cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại”, ông Dũng nói. 
Ông Đặng Ngọc Trai ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) cho biết, ông có 3ha đất trồng lúa nhưng các thửa ruộng chia nhỏ ở nhiều vị trí khác nhau. Vì thế, việc ứng dụng cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn. Hiện ông chỉ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch, các khâu còn lại đều phải thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống, mất nhiều thời gian và công sức. Tham dự hội thảo lần này, ông Trai quan tâm đến mô hình thiết bị bay không người lái. Hệ thống này được ứng dụng tại địa phương sẽ giúp ông và nhiều nông dân trong khâu phun thuốc trừ sâu, giảm sức lao động và đặc biệt là đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Các địa phương trong tỉnh đã ứng dụng cơ giới hóa trên cây lúa từ khâu làm đất, thu hoạch đạt trên 90%. Đối với cây mía, cây sắn, việc áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 70%, nhưng khâu thu hoạch đối với cây mía dưới 10%. Thời gian tới, trung tâm sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng máy móc, thực hiện cơ giới hóa, tưới nước tiết kiệm trong sản xuất, giúp bà con thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất bằng máy móc, thiết bịtiên tiến, hiện đại, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế. 
Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 68
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.314
account_box Trong năm: 23.937
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.257