Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

Những vấn đề đặt ra trong công tác vận động trí thức của Liên hiệp Hội Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW

Cập nhật lúc:   14:37:21 - 20/06/2018 Số lượt xem:   532 Người đăng:   Administrator
GS.TSKH. Đặng Vũ Minh phát biểu khai mạc diễn đàn GS.TSKH. Đặng Vũ Minh phát biểu khai mạc diễn đàn
Đó là chủ đề của diễn đàn khoa học được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức sáng ngày 19/6/2018.
Tham dự buổi toạ đàm có TS. Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện các Ban, Bộ, ngành, các Hội ngành toàn quốc và Liên hiệp Hội các địa phương. GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký chủ trì diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, GS.TSKH. Đặng Vũ Minh đã đánh giá cao quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết 27. Việc ban hành Nghị quyết riêng về công tác vận động trí thức cho thấy tầm quan trọng cũng như sự quan tâm của Ban Bí thư trong việc lấy ý kiến của đông đảo anh chị em trí thức đối với sự phát triển chung của đội ngũ trí thức Việt Nam. Việc ban hành Nghị quyết 27 đã tạo tiền đề để Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 42-CT/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từ sau khi có Nghị quyết 27 và Chỉ thị 42, Liên hiệp Hội Việt Nam đã từng bước được kiện toàn và củng cố về mặt tổ chức để thực hiện tốt hơn vai trò tập hợp và đoàn kết trí thức KH&CN.

Theo TS. Phạm Văn Tân, đây là lần đầu tiên Đảng ban hành một nghị quyết riêng về vận động đội ngũ trí thức và đánh giá cao vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh việc đánh giá thực trạng của đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức, nội dung của Nghị quyết đã chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong sự phát triển và đóng góp của đội ngũ trí thức. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới các hạn chế yếu kém chủ yếu là do sự yếu kém của một số cấp uỷ đảng, chính quyền trong lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện công tác trí thức; sự thiếu đồng bộ của hành lang pháp lý đảm bảo môi trường dân chủ cho các hoạt động sáng tạo; những định kiến và chủ nghĩa kinh nghiệm trong một bộ phận cán bộ đã dẫn đến thái độ thiếu tin tưởng, thiếu dân chủ trong quan hệ với trí thức, thậm chí xem thường trí thức.
 
Anh 2
TS. Phạm Văn Tân phát biểu đề dẫn

Tại diễn đàn, trên 20 ý kiến phát biểu đánh giá nhiều góc độ khác nhau của quá trình thực hiện Nghị quyết 27. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng từ sau khi có Nghị quyết 27, đội ngũ trí thức Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Theo các con số thống kê cho thấy, đến năm 2017, ước tính cả nước có khoảng 6,5 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, tăng khoảng 2,8 triệu người so với năm 2009 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 27. Trình độ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học đã được cải thiện. Năm 2015, cả nước có khoảng 131.000 cán bộ nghiên cứu so với 105.000 năm 2011. Tỉ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ trên đại học (tiến sỹ, thạc sỹ) trong tổng số cán bộ nghiên cứu đã tăng từ 43,8% (năm 2011) lên 51,5% (2015). Chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức KH&CN được chú trọng, môi  trường và điều kiện cho hoạt động của trí thức được cải thiện tạo sự chuyển biến tích cực vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đó cũng tồn tại nhiều hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, trong đó có việc thực hiện các văn bản pháp luật đã ban hành; Chất lượng đội ngũ trí thức KH&CN so với khu vực và quốc tế ở mức trung bình (công bố khoa học trên các tạp chí KH&CN trong và ngoài nước tuy có tăng song không nhiều và không đồng đều. Đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tăng chậm, duy trì trong khoảng 10% tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế ở Việt Nam).

Đối với đội ngũ trí thức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam từ khi có Nghị quyết 27, về cơ bản hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội Việt Nam đã phủ khắp 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương với 2 cấp. Cho đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp được 86 hội khoa học kỹ thuật ngành toàn quốc, hơn 450 tổ chức KH&CN với trên 1,5 triệu trí thức KH&CN tham gia. Cùng với đó, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; phổ biến kiến thức KH&CN ; tôn vinh trí thức đã trở thành các công việc thường xuyên được xã hội quan tâm và đánh giá cao. Tuy nhiên, hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cũng còn tồn tại những bất cập, khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới. Theo GS.TSKH. Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, để công tác vận động trí thức có hiệu quả hơn, cần có những đề tài nghiên cứu sâu về hoạt động của các hội trí thức trong đó cần thể hiện tính chính trị của tổ chức, đưa ra các giải pháp để lôi cuốn trí thức tự nguyện tham gia hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Dưới góc độ công tác tổ chức tại các Liên hiệp Hội địa phương trong những năm gần đây cho thấy, hệ thống bộ máy tổ chức và cán bộ của các tổ chức  này ở các địa phương vẫn chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Mỗi địa phương có một mô hình tổ chức khác nhau, ở đâu lãnh đạo địa phương quan tâm thì ở đó Liên hiệp Hội địa phương được bố trí bộ máy tổ chức, số cán bộ hợp lý và ngược lại. Đó là chia sẻ của ông Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội tỉnh Lào Cai. Ông Thắng cũng cho biết thêm có nhiều cơ quan Liên hiệp Hội địa phương chỉ có 3 hoặc 4 cán bộ, không có các ban chuyên môn, không có trụ sở làm việc, trang thiết bị thiếu thốn, cơ chế chính sách không rõ ràng, nhiều chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho các tổ chức chính trị-xã hội thì Liên hiệp Hội không được hưởng như các tổ chức chính trị-xã hội khác.

Chia sẻ quan điểm này, bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết thêm việc triển khai Nghị quyết 27 ở mỗi địa phương có những mức độ và nội dung khác nhau. Nhiều nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hoá bằng các giải pháp cụ thể, chưa khai thác hết tiềm năng của đội ngũ trí thức. Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền về vai trò, vị trí của trí thức nhìn chung chưa đầy đủ và thiếu nhất quán.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã nêu lên nhiều khía cạnh khác nhau về thực trạng công tác vận động trí thức như vấn đề về thể chế hoá Nghị quyết 27, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, về công tác cán bộ, về cơ chế tài chính cho công tác vận động trí thức và đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 27. Một số đại biểu cho rằng, trong thời gian tới cần sớm xây dựng và ban hành Luật về Hội làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động liên quan tới công tác vận động trí thức.

Trong bối cảnh Ban Tuyên giáo Trung ương đang chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong đó có Liên hiệp Hội Việt Nam tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW thì việc tổ chức diễn đàn có ý nghĩa và thiết thực trong việc góp phần đánh giá Nghị quyết nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động trí thức, phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
 
Tác giả bài viết: Minh Khôi, HT
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 85
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 268.727
account_box Trong năm: 20.487
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.807