Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

Tăng cường kết nối, phát triển thị trường khoa học - công nghệ

Cập nhật lúc:   14:47:04 - 23/07/2018 Số lượt xem:   609 Người đăng:   Administrator
Đoàn tham quan Khu du lịch Tràm Chim (Đồng Tháp) tham quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - Ảnh: THÁI HÀ Đoàn tham quan Khu du lịch Tràm Chim (Đồng Tháp) tham quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ - Ảnh: THÁI HÀ
Thị trường khoa học - công nghệ (KH-CN) chỉ phát triển thực sự khi hình thành được sự liên kết giữa người mua, người bán và đơn vị trung gian môi giới.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN, những năm gần đây, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (gọi tắt là trung tâm) tăng cường liên kết với các đối tác là công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các công ty hoạt động trên lĩnh vực du lịch để giới thiệu, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm KH-CN do trung tâm sản xuất.

Tăng cường kết nối
 
Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế nên đòi hỏi các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phải ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, việc liên kết với nhiều đối tác, qua đó thương mại hóa sản phẩm KH-CN nhanh và hiệu quả là khâu tất yếu. Từ định hướng đó, trung tâm một mặt ứng dụng thành tựu KH-CN tiên tiến để cho sản phẩm chất lượng tốt, một mặt đẩy nhanh việc kết nối với cùng một lúc nhiều khách hàng để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.
 
Để thực hiện định hướng trên, đầu năm 2018, Phú Yên là một trong những tỉnh tiên phong trên cả nước khai trương Điểm kết nối cung - cầu công nghệ tại địa chỉ 107 Nguyễn Trãi, phường 4, TP Tuy Hòa. Đây là một trong những chỉ đạo có định hướng của Sở KH-CN nhằm thiết lập sự gắn kết chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, người dân ở trong và ngoài tỉnh để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất và kinh doanh; phát triển năng lực cạnh tranh dựa trên công nghệ cho các doanh nghiệp nói chung... Điểm kết nối cung - cầu công nghệ được kỳ vọng sẽ là đơn vị cung cấp, môi giới để đưa các kết quả nghiên cứu KH-CN lan tỏa vào đời sống, sản xuất.
 
Theo bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc trung tâm, từ khi khai trương Điểm kết nối cung - cầu công nghệ, ngoài làm công tác chuyển giao công nghệ, trung tâm không ngừng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm KH-CN hoàn chỉnh. Để tìm kiếm thị trường cho những sản phẩm này, thời gian qua, trung tâm đã liên hệ với nhiều đối tác trong và ngoài ngành, trong và ngoài nước. Kết quả là trong năm 2018, trung tâm đã ký kết hợp tác với một số đơn vị của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ để phân phối các mặt hàng của trung tâm tại các tỉnh, thành này.
 
Nằm trong hoạt động quảng bá và giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, vừa qua, trung tâm đã có cuộc gặp gỡ với đoàn tham quan Khu du lịch Tràm Chim của tỉnh Đồng Tháp. Sau cuộc gặp, hai bên đã ký kết hợp tác nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm KH-CN của trung tâm đến các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Đồng Tháp, du khách tham quan Khu du lịch Tràm Chim. Việc đưa sản phẩm KH-CN vào các khu du lịch là hướng đi mới, được kỳ vọng sẽ góp phần hình thành mạng lưới liên kết cung - cầu công nghệ giữa hai tỉnh Phú Yên và Đồng Tháp nói riêng, Phú Yên và cả nước nói chung để thương mại hóa sản phẩm KH-CN nhanh và hiệu quả.
 
Sản phẩm phải có tính cạnh tranh
 
Theo bà Đặng Thị Thủy, thời gian qua, trung tâm đã nghiên cứu để phát triển rất nhiều sản phẩm chất lượng. Với rất nhiều nỗ lực, hiện những sản phẩm trung tâm đưa ra thị trường đều có đầy đủ các yếu tố cần thiết để có thể cạnh tranh được với sản phẩm của các doanh nghiệp.
 
Năm 2018, trung tâm đã phát triển, đưa ra thị trường 36 sản phẩm gồm: cây giống, trà, chế phẩm sinh học. Những mặt hàng này được trung tâm nghiên cứu, phát triển hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Trong các sản phẩm được phân phối, trà gai leo, nấm linh chi, cây ba kích là các sản phẩm chủ lực; chuối cấy mô, dứa cấy mô, sung magic cấy mô, gừng cấy mô, ba kích tím cấy mô là các cây giống chủ lực.
 
Không chỉ chú trọng về chất lượng, để giúp sản phẩm phát triển nhanh và có chỗ đứng trên thị trường, các sản phẩm của trung tâm được giới thiệu đến người tiêu dùng đều dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây là loại tem áp dụng công nghệ mã số mã vạch cho phép người dùng sử dụng ứng dụng quét barcode, QR code trên smartphone để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, các thông tin liên quan đến sản phẩm mà nhà sản xuất niêm yết. Tem truy xuất nguồn gốc hiện đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Theo ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Khu du lịch Tràm Chim, đối tác mới của trung tâm, Đồng Tháp là xứ thuần nông nên các mặt hàng đặc sản của địa phương này chủ yếu là các sản phẩm liên quan đến sen và các loại mắm. Vì vậy, khi đến Phú Yên, ông Long rất bất ngờ khi các sản phẩm ở đây nhiều về số lượng; phong phú về chủng loại và chất lượng được đảm bảo. Tại Khu du lịch Tràm Chim hiện có 10 gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh Đồng Tháp và một số tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nhưng rất thiếu các sản phẩm của khu vực miền Trung để phục vụ du khách. Trong năm 2017, Vườn quốc gia Tràm Chim thu hút hơn 134.000 lượt khách. Với lượng khách đông đảo như trên, việc đưa các sản phẩm đặc trưng của Phú Yên vào trưng bày không chỉ giúp Đồng Tháp có thêm nhiều sản phẩm phong phú phục vụ cho du khách mà còn là cơ hội để những sản phẩm này của Phú Yên được du khách trong và ngoài nước biết đến.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 8
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.750
account_box Trong năm: 20.510
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.830