Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

Dâng tràn cảm xúc và niềm tự hào quê hương

Cập nhật lúc:   14:19:50 - 02/04/2019 Số lượt xem:   801 Người đăng:   Administrator
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng và kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh - Ảnh: THIÊN LÝ Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng và kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh - Ảnh: THIÊN LÝ
Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng tỉnh Phú Yên (1/4/1975-1/4/2019) không chỉ tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng, bất khuất của dân tộc, mà còn truyền tải tình cảm, hình ảnh quê hương, con người Phú Yên đến du khách thập phương. Qua đó mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Về đây đất phú trời yên” do nhạc sĩ Huỳnh Tấn Phát, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, chỉ đạo nghệ thuật và kịch bản; NSND Nguyễn Hữu Từ làm tổng đạo diễn; NSƯT Bùi Thanh Hải, Phó Giám đốc nhà hát, đạo diễn âm nhạc; thu hút khoảng 40 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát tham gia biểu diễn. Chương trình có hơn 10 tiết mục ca múa nhạc, là sự kết hợp hoàn hảo giữa âm thanh, ánh sáng và màu sắc với kết cấu 2 phần: phần một kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng Phú Yên, phần hai là những tiết mục vui tươi, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước và con người Phú Yên.
 
Chương trình mở màn đầy ấn tượng với bản khí nhạc “Bài ca Phú Yên” mang âm hưởng trầm hùng, gợi hình ảnh hào hùng, bất khuất của nhân dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mùa xuân năm 1975, hòa cùng khí thế sục sôi của cả nước, quân và dân Phú Yên đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, tinh thần sáng tạo làm nên chiến thắng Đường 5 vang dội, tiến đến giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975, góp phần cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Tiếp bước những người đi trước, thế hệ trẻ hôm nay không ngừng phấn đấu xây dựng đất nước giàu đẹp, viết tiếp bài ca Phú Yên anh dũng kiên cường như lời Bác đã nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”: Từ đốm lửa hồng chiếu rọi những năm ba mươi/ Cờ sao tung bay trong gió năm nào còn đó/ Muôn người như một vùng lên dù bao hy sinh/ Nguyện cùng đắp xây bài ca Phú Yên kiên cường...
 
Không những gây ấn tượng với khán giả bằng màn tái hiện một giai đoạn hào hùng bất khuất, mối quan hệ máu thịt, tình quân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển còn mang đến những bài hát ca ngợi vẻ đẹp tình đất, tình người và những thắng cảnh nổi tiếng, những lễ hội mang đậm bản sắc vùng sông nước… qua ca khúc “Sông Cầu quê em” (sáng tác: Vũ Trung), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (sáng tác: Châu Đăng Khoa)... Những tiết mục múa minh họa, hoạt cảnh tái hiện cảnh ra khơi, nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương... cũng góp phần quảng bá hình ảnh Phú Yên đến với bạn bè gần xa về một xứ sở được mọi người gọi bằng cái tên mỹ miều “hoa vàng cỏ xanh”.
 
Điểm nhấn của phần hai trong chương trình nghệ thuật là màn hòa tấu trống khai hội. Màn trống khai hội mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khi tiếng trống hội vang lên giục giã như gọi bao người nhanh bước tụ về đây.
 
Tiết mục tốp ca nam “Ra khơi” (sáng tác: NSƯT Cao Hữu Nhạc) đã miêu tả một cách sinh động nghề đánh bắt hải sản của ngư dân Phú Yên. Với tiết tấu và những âm thanh, tiếng động dung dị, gần gũi của đời sống bà con làng chài, các diễn viên hóa thân vào những chàng trai mạnh mẽ, rắn rỏi, luôn sẵn sàng vươn khơi; nối tiếp nghề truyền thống ông cha để lại, tự hào được làm chủ vùng biển quê hương.
 
Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến tiết mục múa cầu ngư “Nam Hải tôn thần sắc phong” (âm nhạc: NSƯT Thanh Hải, biên đạo: NSND Hữu Từ). Đây là một nét văn hóa dân gian tiêu biểu của ngư dân ven biển Nam Trung Bộ, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân. Hay tiết mục hát bài chòi “Ba mươi năm một ngày về”, mượn loại hình nghệ thuật dân gian bài chòi độc đáo để tâm tình về khoảng thời gian 30 năm - một mốc thời gian cần thiết để nhìn nhận những đổi thay của mảnh đất Phú Yên. Xứ Nẫu bây giờ khác xưa nhiều lắm, TP Tuy Hòa ngày càng hiện rõ vóc dáng của một thành phố trẻ trung năng động. Nhà nhà, người người khắp nơi rộn ràng với nhịp sống sôi động của một xã hội văn minh, hiện đại...
 
Chương trình nghệ thuật như lời mời gọi, rủ rê ngọt ngào bạn bè phương xa tìm đến mảnh đất quê hương Phú Yên, nơi luôn rộng mở vòng tay chào đón bạn bè và du khách, về với những ngọn núi trong thành phố, những đầm nước trong veo được ôm ấp bởi bờ biển hoang sơ: Về quê anh Phú Yên đi em/ Về đi nghe bài chòi ngày xuân/ Về quê anh Phú Yên đi em/ Cùng chung tay xây dựng ngày mai... (Về đây quê anh).
 
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, du khách đến từ Quảng Nam, vui vẻ nói: “Tôi đã xem nhiều chương trình nghệ thuật nhưng đây là lần đầu tiên tôi thưởng thức một chương trình hoành tráng ở Phú Yên. Tôi thấy rất đặc sắc, chu đáo và công phu, để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, một cảm xúc đẹp về quê hương của các bạn”.
 
 
Các nghệ sĩ đã chuyển tải trọn vẹn nội dung của các ca khúc, điệu múa... làm toát lên nét truyền thống và những đổi thay trên quê hương đất Phú cũng như quảng bá vẻ đẹp quê hương, con người, tiềm năng du lịch của Phú Yên.
 
Nhạc sĩ Huỳnh Tấn Phát, Phó Giám đốc phụ trách
Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 83
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 268.725
account_box Trong năm: 20.485
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.805