Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

Nở rộ mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

Cập nhật lúc:   15:59:28 - 10/04/2019 Số lượt xem:   1019 Người đăng:   Administrator
Một mô hình trồng tiêu ở huyện Sông Hinh - Ảnh: HÀ ANH Một mô hình trồng tiêu ở huyện Sông Hinh - Ảnh: HÀ ANH
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do MTTQ tỉnh tổ chức vừa qua có nhiều khu dân cư (KDC) được biểu dương khen thưởng nhờ có những mô hình hay. Nổi bật là các mô hình về phát triển kinh tế (PTKT) mang lại những hiệu quả thiết thực, giảm nghèo bền vững.
Phong phú mô hình, hiệu quả thiết thực
 
Thôn Phú Long (xã An Mỹ, huyện Tuy An) hiện có 125 hộ làm nghề tráng bánh với 117 lò tráng thủ công, 1 tổ hợp tác sản xuất bánh tráng gạo, 8 lò tráng bánh máy với quy mô lớn và đa dạng sản phẩm. Sản lượng bình quân hàng ngày cho ra khoảng 2-3 tấn bánh. 2/3 số bánh được tiêu thụ ở ngoài huyện và các tỉnh lân cận.
 
Đến nay, mặt hàng bánh tráng Hòa Đa đã có mặt ở hầu khắp siêu thị, chợ đến các nhà hàng sang trọng. Nhờ vậy, thu nhập của các hộ sản xuất bánh tráng khá ổn định, từ 3-6 triệu đồng/tháng/lao động. Làng nghề đã giải quyết việc làm cho 450 lao động tại chỗ.
 
Ông Nguyễn Minh Dung, Trưởng Ban CTMT thôn Phú Long cho biết: “Để xây dựng mô hình “Làng nghề bánh tráng Hòa Đa”, từ năm 2015, Ban CTMT phối hợp với các chi hội, đoàn thể của xã mạnh dạn tín chấp với Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Tuy An cho bà con vay vốn để đầu tư sản xuất với 380 triệu đồng. Đồng thời phối hợp với ngành chức năng huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 175 hộ để phát triển sản xuất”.
 
Ở 2 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên và chính quyền vận động người dân PTKT gia đình, giảm nghèo bền vững bằng các loại cây trồng như tiêu, chè, cà phê, mía và chăn nuôi bò. Đặc biệt, ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), người dân đã lấy cây mía và con bò lai làm cây - con chủ lực.
 
Nhờ người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và các biện pháp thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên đã tăng năng suất cây trồng vật nuôi. Như cây mía ở xã này có năng suất bình quân 75 tấn/ha; riêng thôn Nguyên Trang, tổng đàn bò hiện có hơn 200 con, trong đó bò lai chiếm 80%. Hộ ông Cao Văn Bốn trồng trên 10ha mía, bình quân mỗi năm cho thu nhập 400 triệu đồng.
 
Ông Bốn cho biết: “Nhờ chú trọng trồng cây mía và nuôi bò mà thôn Nguyên Trang có 50/267 hộ khá, giàu. Đa số người dân có thu nhập ổn định, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm mạnh. Riêng gia đình tôi chủ yếu tập trung cho cây mía. Tôi đã mạnh dạn mua sắm thêm các loại máy móc để phục vụ cho sản xuất”.
 
Khu phố Long Hải Đông (phường Xuân Yên, TX Sông Cầu), là một trong những KDC được Mặt trận các cấp triển khai mạnh mẽ phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo đó, nhiều mô hình về PTKT, giảm nghèo bền vững đã được xây dựng và mang lại hiệu quả cao, như: “Nhiều người giúp một người”, “Con heo đất tiết kiệm”, “Tổ tiết kiệm xoay vòng vốn”, “Giúp vốn để sản xuất chăn nuôi”….; hàng năm giúp hàng chục hộ nghèo được vay vốn, tạo công ăn việc làm ổn định, từng bước thoát nghèo.
 
Phát huy tinh thần nỗ lực thoát nghèo
 
Từ hiệu quả thiết thực của việc xây dựng các mô hình PTKT đã nhân lên tinh thần vượt khó, nỗ lực thoát nghèo trong cộng đồng các KDC. Bà Trần Thị Huê ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) phấn khởi nói: “Gia đình có quỹ đất rộng và 5 lao động chính nhưng nhiều năm qua lại bỏ đất hoang.
 
Từ khi chọn được mô hình PTKT đúng hướng, bằng sức lao động của mình đã làm nên cả rừng cao su, tiêu. Không còn bó hẹp trong việc chỉ biết nuôi mấy con heo thả rông, đến nay người dân đã nuôi luôn heo rừng, bò đàn, xây dựng chuồng trại, được tiêm phòng cẩn thận. Không gì vui bằng là mình có thu nhập ổn định trên chính mảnh đất của mình”.
 
Gia cảnh của chị Nguyễn Thị Lên ở phường Xuân Yên (TX Sông Cầu) rất khó khăn. Chồng bị bệnh hiểm nghèo, một mình chị dù đã cố gắng làm lụng nhưng luôn thiếu trước hụt sau. Từ khi được Hội Phụ nữ cho vay vốn, chị mạnh dạn mở một tiệm tạp hóa nhỏ, nuôi thêm heo và các loại gia cầm khác. Hai đứa con của chị tranh thủ thời gian rỗi giúp chị tăng gia, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.
 
“Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình PTKT. Các mô hình này đã phát huy tinh thần nỗ lực trong nhân dân, cố gắng vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, Trưởng Ban Phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh Phan Hấn khẳng định.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 80
accessibility Hôm qua: 80
account_circle Trong tháng: 275.234
account_box Trong năm: 23.857
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.177