Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu đẹp

Cập nhật lúc:   16:14:55 - 01/07/2019 Số lượt xem:   400 Người đăng:   Administrator
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt đọc diễn văn tại buổi lễ - Ảnh: TRẦN QUỚI Đồng chí Huỳnh Tấn Việt đọc diễn văn tại buổi lễ - Ảnh: TRẦN QUỚI
(Trích diễn văn lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên (1/7/1989-1/7/2019) của đồng chí Huỳnh Tấn Việt, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)
Phú Yên là một vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng vẻ vang. Trải qua các thời kỳ lịch sử, các thế hệ người Phú Yên đã nối tiếp nhau không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ và hy sinh để bảo vệ và phát triển vùng đất thân yêu này. Từ những ngày đầu khi mới xác lập danh xưng Phú Yên, cộng đồng các dân tộc anh em trên vùng đất này đã đoàn kết, gắn bó, chung lưng đấu cật để ứng phó với thiên tai, địch họa, xây dựng và bảo vệ xóm làng ngày càng yên vui, trù phú. Người dân Phú Yên cần cù, sáng tạo trong lao động, giàu lòng yêu nước, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Từ khi có Đảng, nhân dân Phú Yên luôn đi theo Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực hưởng ứng, thực hiện các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo và giành được nhiều thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, Phú Yên là vùng đất anh hùng, không ngại mất mát, hy sinh, gian khổ, vượt qua mưa bom, bão đạn, lập nhiều chiến công hiển hách, chia lửa cho các mặt trận trên khắp cả nước, góp phần cùng quân và dân cả nước hoàn thành thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
 
Tháng 11/1975, sau 7 tháng giải phóng Phú Yên, tỉnh Phú Yên được sáp nhập với tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh. Qua gần 14 năm tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương và bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới, trước yêu cầu phát triển đất nước, tại Kỳ họp thứ 5 ngày 30/6/1989, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tách và tái lập một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, tỉnh Phú Khánh được chia thành 2 tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa; và ngày 1/7/1989 trở thành một dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của tỉnh Phú Yên.
 
Những ngày đầu tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên đứng trước bao bộn bề, khó khăn. Xuất phát điểm là một tỉnh nghèo thuần nông với hơn 80% hộ dân sống bằng nghề nông, thu nhập bình quân đầu người rất thấp; cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng yếu kém; giao thông chưa phát triển, các tuyến đường bộ chủ yếu là đường đất, đá, đi lại khó khăn; nhiều địa bàn vào mùa mưa thường bị chia cắt dài ngày. Hạ tầng cảng biển, ga hàng không chưa có; ga xe lửa, bến xe chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh lúc bấy giờ khoảng 420 tỉ đồng, thu ngân sách năm đầu tiên sau tái lập tỉnh chưa đến 30 tỉ đồng, hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cấp tỉnh mới được hình thành, chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu; công tác lãnh đạo, quản lý chưa kịp thích ứng với giai đoạn đầu chuyển đổi kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc hết sức khó khăn…
 
Trong bối cảnh đó, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết; năng động, sáng tạo, từng bước khắc phục khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, đề ra những giải pháp đúng đắn, sát hợp với tình hình thực tiễn để bắt tay xây dựng mọi mặt đời sống nhân dân; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
 
Sau 30 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh thuần nông, độc canh cây lúa, đến nay, kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá, bình quân giai đoạn 1990-2018 đạt khoảng 9%/năm, cơ bản thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo vào năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; lĩnh vực nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thu ngân sách bình quân hàng năm tăng 21,8%; đến năm 2018 thu ngân sách hơn 4.570 tỉ đồng, tăng gấp 156 lần so với năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt hơn 39,7 triệu đồng, tăng gấp 11,6 lần so với năm đầu tái lập tỉnh.
 
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư và có bước phát triển đáng kể; nông thôn và đô thị không ngừng được đổi mới, có nhiều khởi sắc, tốc độ đô thị hóa được đẩy nhanh. Thị xã Tuy Hòa trở thành thành phố - đô thị loại II; huyện Sông Cầu trở thành thị xã và vừa được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh; hầu hết các thị trấn huyện lỵ, thị tứ được đầu tư mở rộng khang trang.
 
Hạ tầng giao thông được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại, thông suốt với các địa phương trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh có các tuyến đường chính như: Quốc lộ 1; quốc lộ 25, quốc lộ 29 nối với các tỉnh Tây Nguyên; quốc lộ 19C nối 3 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk và nhiều tuyến đường Đông - Tây, Nam - Bắc khác kết nối các địa phương trong tỉnh. Cảng hàng không Tuy Hòa duy trì ổn định hai đường bay nối Phú Yên với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với lượng hành khách trong những năm gần đây liên tục tăng cao; đã phối hợp đầu tư hệ thống phục vụ các chuyến bay đêm và xúc tiến mở đường bay quốc tế từ Liên Bang Nga đến Phú Yên và ngược lại. Hiện nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, xe ô tô có thể đến được hầu hết các thôn, buôn; 100% thôn, buôn có điện lưới quốc gia; sóng viễn thông, phát thanh, truyền hình cơ bản phủ kín toàn tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực; đến nay đã có 53,4% số xã toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 1 huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, đang trình cấp thẩm quyền xem xét, công nhận và mới đây vào ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận huyện Tây Hòa là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Công nghiệp, dịch vụ có bước phát triển khá nhanh. Toàn tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung và một số cụm công nghiệp ở các địa phương; có Khu Kinh tế Nam Phú Yên diện tích hơn 20.700ha nằm trong vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia; có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích giai đoạn 1 hơn 460ha, là một trong 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước. Các ngành dịch vụ phát triển cả về quy mô và chất lượng, nhất là dịch vụ, du lịch. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh tăng cao qua các năm; đến năm 2018, đạt gần 1,7 triệu lượt.
 
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển; đã thu hút được nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư, triển khai trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho sự phát triển của tỉnh.
 
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội cũng được quan tâm thực hiện, có nhiều chuyển biến, khởi sắc, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố và phát triển; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt; nhiều chỉ số cơ bản về y tế và sức khỏe của nhân dân đạt mức tốt so với bình quân chung cả nước. Quy mô, chất lượng giáo dục - đào tạo không ngừng được mở rộng và nâng cao, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của tỉnh. Công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên và thay đổi rõ nét; Phú Yên cơ bản không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo đến nay giảm còn 5,8%.
Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc. Các cấp ủy, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được mở rộng, hình ảnh Phú Yên được quảng bá ngày càng rộng rãi đến bạn bè trong và ngoài nước.
 
Công tác xây dựng Đảng bộ đạt nhiều thành tựu quan trọng. Các chủ trương của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên ngày càng được nâng lên. Đến nay, 100% thôn, buôn, khu phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn, trường học từ mầm non công lập trở lên có chi bộ đảng. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Những thành tựu, kết quả đạt được nêu trên một lần nữa khẳng định tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, quyết tâm vượt khó đi lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên trên con đường hội nhập và phát triển.
 
Phấn khởi, tự hào trước những thành tựu đổi mới và phát triển của tỉnh nhà trong 30 năm qua, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; cảm ơn các tỉnh, thành trong cả nước đã hỗ trợ, giúp đỡ đối với sự phát triển của tỉnh Phú Yên trong thời gian qua.
 
Chúng ta cùng chia vui, chúc mừng sự đổi mới và phát triển với tỉnh Khánh Hòa anh em; chúng ta sẽ luôn luôn ghi nhớ những tình cảm tốt đẹp, sự gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi của cán bộ, nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong 14 năm hợp nhất.
 
Cảm ơn các tổ chức, cá nhân và con em Phú Yên trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài đã chung tay, góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới và phát triển của quê hương trong suốt 3 thập kỷ qua.
 
Xin trân trọng gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; các gia đình có công với nước; đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp; các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ và nhân dân trong toàn tỉnh những tình cảm quý trọng và lòng biết ơn sâu sắc nhất về những cống hiến, đóng góp to lớn đối với sự phát triển của tỉnh.
 
30 năm là thời gian không dài đối với lịch sử ra đời và phát triển hơn 400 năm của vùng đất Phú Yên, nhưng đó là sự đánh dấu một chặng đường đầy nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ và nhân dân Phú Yên. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng những thành tựu, kết quả đạt được trong 30 năm qua rất đáng phấn khởi, tự hào, đó là nền tảng quan trọng để Phú Yên tiếp tục bứt phá, phát triển nhanh, mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.
 
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Phú Yên nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng đặt ra không ít gian nan, thách thức. Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
---------
(*) Đầu đề do tòa soạn đặt
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 36
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.282
account_box Trong năm: 23.905
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.225