Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

Bảo vệ mình bằng “5K”

Cập nhật lúc:   08:45:16 - 23/11/2020 Số lượt xem:   1001 Người đăng:   Administrator
Người dân rửa tay trước khi vào một cơ sở y tế. Ảnh: YÊN LAN Người dân rửa tay trước khi vào một cơ sở y tế. Ảnh: YÊN LAN
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang “oanh tạc” ở hàng trăm quốc gia, một số hãng dược trên thế giới công bố đã có vắc xin ngừa COVID-19 đạt hiệu quả thử nghiệm cao. Vui đấy, nhưng người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là các biện pháp phòng lây nhiễm bởi còn phải qua một quãng đường dài…
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống COVID-19, tính đến 22/11, Việt Nam đã trải qua 81 ngày không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, đã 113 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng, còn Hà Nội đã 96 ngày không ghi nhận ca mắc. 
Những con số trên khẳng định thành quả chống đại dịch của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận gần 57,3 triệu ca bệnh tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, 1,37 triệu người tử vong do COVID-19. Châu Á đang “dẫn đầu” thế giới về tổng số ca mắc (hơn 15,46 triệu ca, gần 273.000 ca tử vong). Trong vòng 24 giờ, toàn châu lục ghi nhận hơn 107.000 ca nhiễm mới, 1.720 ca tử vong. Châu Âu cũng đã ghi nhận xấp xỉ 15 triệu ca mắc, hơn 342.000 ca tử vong - cao thứ hai thế giới, sau Bắc Mỹ. 
Tốc độ lây nhiễm COVID-19 trong khu vực và trên thế giới nhanh đến chóng mặt. Tổng số ca mắc do Việt Nam ghi nhận tiếp tục tăng vì hầu như ngày nào cũng có ca bệnh từ những người nhập cảnh. Trong 3 ngày 19, 20 và 21/11, Việt Nam ghi nhận 6 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh từ Đức, Canada và Anh, được cách ly ngay. Trước đó, ngày 18/11, có đến 12 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh. Cả nước hiện có gần 15.600 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe. 
Trong bối cảnh đại dịch đang “oanh tạc” ở hàng trăm quốc gia, ngày 9/11, Hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) mang đến tin vui khi tuyên bố đã có loại vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới đạt hiệu quả thử nghiệm đến 90%. Hai ngày sau, Trung tâm Dịch tễ học và vi sinh Gamaleya cùng Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga loan báo vắc xin Sputnik-V của Nga đạt hiệu quả bước đầu 92%. 
Ngày 16/11, Hãng dược Mỹ Moderna công bố vắc xin mRNA-1273 ngừa COVID-19 do họ phát triển cho hiệu quả phòng bệnh tới 94,5% trong các đánh giá ban đầu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba - giai đoạn kiểm tra khả năng phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2 trong thực tế. Đáng chú ý, vắc xin mRNA-1273 của Moderna không cần giữ ở nhiệt độ siêu lạnh như vắc xin của Pfizer mà chỉ cần được bảo quản ở nhiệt độ gần như tủ lạnh gia đình. 
Bức tranh xám xịt của COVD-19 đã có gam màu sáng. Một số nước nhanh chóng ban hành hướng dẫn ưu tiên tiêm chủng mới, cho dù đến thời điểm này chưa có loại vắc xin nào được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại các nước phương Tây. 
Trên trang web The Conversation (Pháp), một chuyên gia virus học và tiêm chủng học - TS Marie-Paule Kieny, Chủ tịch Ủy ban Khoa học về vắc xin COVID-19 thuộc Bộ Y tế Pháp, nói: “Cộng đồng của chúng tôi không hình dung tỉ lệ lớn như thế đối với các loại vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên. Đây là thông tin rất tốt, giúp chúng ta lạc quan nhìn về tương lai. Dù vậy, chúng ta vẫn chưa biết một số thông số rất quan trọng”. 
Theo TS Marie-Paule Kieny, có hai vấn đề chưa rõ: Vắc xin ngừa COVID-19 bảo vệ trong bao lâu, và có bảo vệ tốt người cao tuổi hay không? Nhà khoa học từng là trợ lý tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng vắc xin phải ngăn ngừa bệnh tật trong thời gian dài, có thể là suốt đời… 
Tại Phú Yên - địa phương còn 11 người đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, tính toán: Với vắc xin của Mỹ - Đức, cả năm 2021 họ ước tính chỉ sản xuất được 1,3 tỉ liều, tiêm cho 650 triệu người (0,65 tỉ). 
Thế giới có khoảng 7,8 tỉ người thì cần 12 năm mới sản xuất đủ vắc xin để tiêm! Nếu WHO cho dùng 2 loại vắc xin của Mỹ - Đức và Nga thì cần ít nhất 6 năm, hoặc để đạt miễn dịch cộng đồng 75% (theo hiệu quả vắc xin) thì cần ít nhất là 4,5 năm! “Nói chung sớm nhất cũng phải đến 2 năm nữa chúng ta mới có tia hy vọng. Trong khi chờ đợi, ta chớ có chủ quan, phải thực hiện thông điệp “5K” phòng bệnh thôi!”, bác sĩ Nguyễn Thành Lãm nhắc nhở.
Trong khi chờ đợi, ta chớ có chủ quan, phải thực hiện thông điệp “5K” (Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tiếp xúc nếu không cần thiết và khai báo y tế - PV) phòng bệnh thôi! 
BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 62
accessibility Hôm qua: 85
account_circle Trong tháng: 275.136
account_box Trong năm: 23.759
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.079