Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

Chương trình nông thôn - miền núi: Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng

Cập nhật lúc:   10:13:01 - 18/01/2021 Số lượt xem:   1151 Người đăng:   Administrator
Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương tại TX Sông Cầu mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: THÁI HÀ Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương tại TX Sông Cầu mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: THÁI HÀ
Những năm qua, nhiều dự án thuộc Chương trình nông thôn - miền núi đã được triển khai thực hiện tại tỉnh Phú Yên, giúp đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao trình độ sản xuất và cải thiện đời sống người dân vùng khó khăn.
Nâng cao đời sống người dân 
Thông qua việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình nông thôn - miền núi, nông dân đã tiếp nhận được nhiều tiến bộ KH-CN áp dụng vào sản xuất; đời sống tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 
Năm 2012-2014, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN Phú Yên) thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại tỉnh Phú Yên”. Thời gian đầu, các mô hình trồng nấm được triển khai thí điểm ở 5 huyện, thị, thành phố với khoảng 10 hộ dân tham gia mô hình. Đến nay, nhận thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại, hàng trăm hộ ở cả 9 huyện, thị, thành phố đã tham gia trồng các loại nấm linh chi, nấm sò, nấm rơm… 
Bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ cho biết: Hiện nay, nhu cầu phôi giống nấm sò của tỉnh là hơn 500.000 bịch/năm; tuy nhiên, trung tâm và một số cơ sở sản xuất phôi nấm ở xã Sơn Long, Sơn Định (huyện Sơn Hòa) chỉ cung cấp được khoảng 200.000 bịch phôi; số còn lại phải mua ở các tỉnh ngoài. Do nhu cầu nấm ăn trong tỉnh rất lớn nên hiện nay, sản phẩm chỉ mới đủ tiêu thụ trên địa bàn. 
Gia đình chị Hồ Thị Ái (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) có 5 năm sản xuất nấm rơm, nấm sò, nhờ đó mà kinh tế gia đình dần ổn định. Chị Ái chia sẻ: “Chồng tôi bị tai nạn giao thông, phẫu thuật nhiều lần nên sức khỏe yếu, không thể lao động nặng. Nhiều năm trước, tôi đã thử nuôi bò, gà, vịt đẻ nhưng có năm được năm mất, lại phải nuôi 3 con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên gia đình rất khó khăn. 
Cách đây 5 năm, tôi học kỹ thuật trồng nấm, tham quan mô hình và trồng thử. Sau khi đã nắm vững kỹ thuật, tôi mạnh dạn đầu tư thêm. Hiện tôi trồng 4.000 bịch phôi trên diện tích 300m2. Ngày rằm, đầu tháng gia đình tôi thu được tầm 450kg nấm/ngày. Thời điểm có giá, tôi bán sỉ tầm 53.000 đồng/kg; thời điểm rẻ thì cũng được tầm 37.000 đồng, nên cho thu nhập ổn định”. 
Tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực 
Từ năm 2011 đến nay, Phú Yên đã được Bộ KH-CN phê duyệt thực hiện 8 dự án thuộc Chương trình nông thôn - miền núi. Các nhiệm vụ đề xuất tham gia chương trình đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và tập trung vào các cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương. 
Năm 2015, Phú Yên thực hiện dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến. Kết quả của dự án đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh nhà, mở thêm hướng mới cho phát triển kinh tế bền vững, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ở địa phương và góp phần đa dạng hóa vật nuôi, tạo thêm sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao. 
Năm 2017, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ chủ trì thực hiện dự án Xây dựng mô hình Ứng dụng tiến bộ KH-CN trong sản xuất bắp và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi bò trong nông hộ và trang trại. Mô hình hiện đã triển khai trên diện tích 200ha tại huyện Tây Hòa với gần 100 hộ tham gia. 
Mỗi tháng, vùng trồng bắp này cung cấp khoảng 1.500 tấn bắp ủ chua cho các công ty sữa Vinamilk, TH, Nutifood. Ngoài các mô hình trên, tỉnh cũng đang triển khai các dự án khác về nuôi hàu Thái Bình Dương; ương nuôi cá chình hoa; xây dựng mô hình sản xuất cua lột theo chuỗi từ sản xuất giống, ương nuôi cua nguyên liệu đến sản xuất cua lột thương phẩm phục vụ xuất khẩu... 
Ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho rằng, thời tiết diễn biến bất thường cùng với việc phải cạnh tranh với bắp nhập khẩu khiến bắp thương phẩm có phần “thất thế”. Từ khi mô hình trồng bắp sinh khối thuộc Chương trình nông thôn - miền núi triển khai tại huyện Tây Hòa, người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng, được bao tiêu sản phẩm với giá thu mua hợp lý… Địa phương rất mong muốn có thêm những dự án thuộc Chương trình nông thôn - miền núi khác để cải thiện cuộc sống của người dân nơi đây.
Chương trình nông thôn - miền núi đã giúp các cơ quan khoa học tiếp cận, chuyển giao nhanh nhất những sản phẩm khoa học của mình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng nông thôn miền núi. 
Thời gian tới, Phú Yên mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chương trình để phát triển các loại cây, con đặc sản; duy trì phát triển các nghề truyền thống nhằm nâng cao giá trị và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

 
                                  Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 46
accessibility Hôm qua: 70
account_circle Trong tháng: 274.882
account_box Trong năm: 23.505
supervisor_account Tổng truy cập: 3.163.825