Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

EVFTA - cơ hội cho sản phẩm chủ lực của tỉnh

Cập nhật lúc:   14:52:28 - 14/04/2021 Số lượt xem:   251 Người đăng:   Administrator
Cá ngừ đại dương là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh Phú Yên trong những năm qua. Ảnh: PV Cá ngừ đại dương là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh Phú Yên trong những năm qua. Ảnh: PV
Trong hội nghị về Cơ hội cho nông, lâm, thủy sản và các mặt hàng chủ lực của Phú Yên tại thị trường châu Âu do Sở Ngoại vụ phối hợp với Quỹ FNF Cộng hòa liên bang Đức tổ chức mới đây, những vấn đề về cách thức tiếp cận thị trường châu Âu, tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), các khuyến nghị khi tiếp cận thị trường châu Âu đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản và các mặt hàng chủ lực của tỉnh… đã được các chuyên gia đề cập khá chi tiết. Báo Phú Yên lược ghi một số nội dung trọng tâm được các đại biểu trình bày, thảo luận tại hội nghị này.
BÀ ĐỖ NGỌC THỦY, GIÁM ĐỐC SỞ NGOẠI VỤ: Nỗ lực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp 
Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản hay các mặt hàng chủ lực mà Phú Yên có thế mạnh như cá ngừ, tôm hùm, sắn, mía, gạo… đã và đang có nhu cầu phát triển lớn, có thể nâng cao giá trị kinh tế cho tỉnh và sẽ có rất nhiều lợi thế khi tham gia hội nhập, xuất khẩu, giao thương với các nước. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, ngành chức năng, địa phương của tỉnh luôn nỗ lực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế. 
Đặc biệt trong điều hiện hiện nay, EVFTA được thực hiện, mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, địa phương. Tại Phú Yên, Sở Ngoại vụ cùng với các sở, ban ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề về hợp tác, thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế… nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tận dụng hiệu quả EVFTA, tiếp cận với thị trường châu Âu; từ đó có đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp, của tỉnh, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các đối tác nước ngoài. 
ÔNG PHẠM HÙNG TIẾN, PHÓ GIÁM ĐỐC QUỸ FNF CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC TẠI VIỆT NAM: Cải thiện môi trường đầu tư, tạo thế cạnh tranh cho doanh nghiệp 
EVFTA có hiệu lực và các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tiếp cận tốt hơn với thị trường châu Âu dưới góc độ là hàng rào phi thuế quan đối với các mặt hàng mà tỉnh có thế mạnh cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Về cơ bản, việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu với thuế suất ưu đãi, giảm xuống còn 0%, nhưng để đạt được những lợi thế mà hiệp định mang lại, chúng ta còn nhiều việc phải làm. 
Trước hết, các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản phải nhận định rõ về năng lực công nghệ, sản xuất, bán hàng của chính doanh nghiệp. Từ đó có sự đầu tư, làm mới cho chính sản phẩm của mình trước khi giới thiệu, phục vụ đối tác. Cùng với đó, chính quyền các địa phương, hiệp hội ngành nghề, hội doanh nghiệp… cần thiết tổ chức nhiều cuộc trao đổi, tư vấn về các chuyên đề liên quan đến hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại…; đồng thời tăng cường cung cấp thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng quy định tích cực trong môi trường kinh doanh mới; giảm dần các thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, tạo thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tỉnh nhà. 
ÔNG PHAN ĐỨC HIẾU, PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG ICEM: Chủ động tìm hiểu, vận dụng những quy định mới vào sản xuất, kinh doanh 
Tiếp cận thông tin, nắm bắt những quy định, luật kinh doanh… là việc làm không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp. Trong điều kiện hội nhập sâu vào các nền kinh tế, Luật Doanh nghiệp 2020 đã mở ra nhiều lợi thế cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Luật này có tác động rất lớn vào khả năng cạnh tranh, lợi ích, khả năng quản trị… của chính các doanh nghiệp. 
Luật Doanh nghiệp 2020 chủ yếu tập trung vào 2 tác động cơ bản, đó là trao quyền tự do cho doanh nghiệp và có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị cả trong khu vực và quốc tế khi họ tham gia hội nhập. Do đó chỉ cần doanh nghiệp quản trị tốt, hạn chế rủi ro thì dễ dàng tiếp cận đối tác, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, để có được những tác động tích cực khi vận dụng môi trường kinh doanh mới thì doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, áp dụng những quy định mới vào trong kinh doanh, tạo thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. 
TS BÙI VIỆT HƯNG, ĐẠI DIỆN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU, VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM: Nắm bắt thông tin tiêu dùng, xây dựng chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế 
EU đang là thị trường lớn thứ ba của ngành Nông nghiệp Việt Nam khi chiếm 11,75% thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; trong khi thị phần của nông sản Việt Nam ở EU còn rất khiêm tốn. Để thâm nhập thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng cần nắm bắt về nhu cầu, thị hiếu, hành vi, văn hóa tiêu dùng… tại EU. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cập nhật thêm thông tin về hệ thống các kênh phân phối, bán hàng, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, công nghệ đóng gói, nhãn hiệu… để hoàn thiện sản phẩm, hàng hóa. 
Nếu vận dụng triệt để EVFTA, doanh nghiệp sẽ có rất nhiều cơ hội trong kinh doanh, nhưng cũng gặp phải những thách thức không nhỏ, nhất là về khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ và chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ, sử dụng lao động và các áp lực cạnh tranh khác. Do đó, khi tham gia cung cấp, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, hay các mặt hàng địa phương, doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế; đáp ứng quy định về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, công bố chất lượng… 
BÀ NGUYỄN THỊ ĐÀI TRANG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH CÀ PHÊ HUY TÙNG: Cần những chính sách thực tế, sát với doanh nghiệp nhỏ và vừa 
Cùng với việc cung cấp cho thị trường trong nước, cà phê Huy Tùng đang hoàn thiện các khâu để tập trung cho cà phê hạt. Công ty đang chọn lọc sản phẩm, đầu tư công nghệ, bao bì, làm mới mẫu mã… tạo điểm mới cho sản phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân. Mục tiêu đối với sản phẩm của công ty trong thời gian sắp tới là xuất khẩu sang thị trường các nước. Do vậy, chúng tôi đang tìm hiểu, lựa chọn thị trường phù hợp để việc xuất khẩu được thuận lợi. 
Trong quá trình tiếp cận thị trường mới, bản thân doanh nghiệp nhận thấy còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ngoài những nỗ lực của chính mình, doanh nghiệp mong muốn tỉnh có những chính sách thực tế, sát với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là vấn đề thông tin để doanh nghiệp có thể cập nhật, tiếp cận với thị trường chung của cả nước và quốc tế. 
VÕ PHÊ (thực hiện)
Nguồn: Báo Phú Yên
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 115
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.857
account_box Trong năm: 20.617
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.937