Tin tức & Sự kiện Tin tức & Sự kiện

Phòng chống dịch chủ động bằng vắc xin

Cập nhật lúc:   09:16:10 - 19/04/2021 Số lượt xem:   274 Người đăng:   Administrator
Một nhân viên y tế được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: YÊN LAN Một nhân viên y tế được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: YÊN LAN
Phú Yên đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đây là bước khởi đầu trên hành trình thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2022, nhằm phòng chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng.
Chiến dịch tiêm chủng đặc biệt 
Trong đợt đầu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19, với 5.600 liều được Bộ Y tế phân bổ, Sở Y tế ưu tiên cho lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch: nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế bao gồm cả hệ điều trị và hệ dự phòng, lực lượng tham gia phục vụ tại các khu cách ly tập trung của tỉnh, của các huyện; thành viên các tổ COVID cộng đồng; các phóng viên phụ trách công tác y tế hoạt động trên địa bàn tỉnh... 
Mục tiêu của ngành Y tế Phú Yên là đảm bảo từ 95% trở lên đối tượng nguy cơ được tiêm chủng đủ mũi vắc xin trong chiến dịch; đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Đợt tiêm chủng đầu tiên sẽ kết thúc vào ngày 26/4. 
Để tổ chức chiến dịch tiêm chủng này, Sở Y tế đã rà soát, lập danh sách các đối tượng ưu tiên theo quy định, tập huấn các nội dung liên quan đến công tác tiêm chủng cho nhân viên y tế ở tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn, chú trọng đến cách xử lý các phản ứng sau tiêm. 
Trong đợt 1, Sở Y tế chỉ bố trí 10 điểm tiêm tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên và 8 trung tâm y tế tuyến huyện. Đồng thời, Sở Y tế bố trí Tổ cấp cứu lưu động do Bệnh viện Đa khoa Phú Yên và Trung tâm Cấp cứu 115 phụ trách thường trực 100% tại các điểm tiêm. 
Điểm tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên được bố trí ở nơi rất khang trang. Bác sĩ Nguyễn Như Ý, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Bệnh viện chuẩn bị cơ sở vật chất cho điểm tiêm, tổ chức 3 bàn khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm, nếu trường hợp nào có phản ứng phụ thì xử trí kịp thời. Khoa Cấp cứu của bệnh viện cũng đã chuẩn bị để xử trí những trường hợp diễn biến nặng, nếu có. 
Những người đi tiêm vắc xin được tiếp đón, làm thủ tục và ký giấy cam kết đồng ý tiêm chủng, sau đó được khám sàng lọc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc khám sàng lọc nhằm phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng. 
Nhân viên y tế khám sàng lọc sẽ hỏi tiền sử bệnh, đánh giá lâm sàng và kết luận sau khám sàng lọc (chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng; trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có các yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng; chuyển tiêm và theo dõi tại bệnh viện những trường hợp có các yếu tố thận trọng; không chỉ định tiêm cho những người có chống chỉ định tiêm chủng). 
“Sau khi khám sàng lọc, những người đủ điều kiện tiêm được mời sang phòng tiêm vắc xin, tiêm xong thì sang khu vực theo dõi sau tiêm, lưu lại từ 30-45 phút để theo dõi trước khi ra về. Người được tiêm vắc xin sẽ tiếp tục tự theo dõi sức khỏe, nếu có vấn đề gì thì báo hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất”, bác sĩ Lê Huỳnh Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa cho biết. 
Có khoảng 20 nhân viên y tế hệ dự phòng của Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa làm nhiệm vụ tại điểm tiêm ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, phụ trách 3 bàn tiêm. Nhân viên y tế Trần Thị Ngọc Lan chia sẻ rằng tiêm chủng là công việc quen thuộc của chị, nhưng chiến dịch tiêm chủng này rất đặc biệt nên chị có chút hồi hộp khi tiêm liều vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên cho đồng nghiệp của mình. 
Giải pháp tối ưu để “dập” dịch 
Trong ngày đầu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 (16/4), giám đốc và các phó giám đốc Sở Y tế Phú Yên là những người tiên phong. Bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: “Lãnh đạo Sở Y tế sắp xếp công việc, đi tiêm vắc xin trước tiên để gửi thông điệp: Người dân, cộng đồng hãy tham gia tiêm phòng khi có vắc xin để đẩy nhanh tiến độ đạt được miễn dịch cộng đồng. Có như vậy chúng ta mới đẩy lùi được đại dịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”. 
Bác sĩ Mộng Ngọc cho biết không có loại thuốc, vắc xin, phương pháp y học nào tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên, các thầy thuốc luôn cân nhắc giữa yếu tố nguy cơ và lợi ích mang lại, lựa chọn phương án có ích nhất cho sức khỏe các cá nhân và sức khỏe cộng đồng. Vắc xin cũng vậy, có một tỉ lệ nhất định có những phản ứng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế đã cân nhắc giữa yếu tố nguy cơ và lợi ích mang lại cho từng cá nhân, cho cộng đồng và khuyến cáo đây là giải pháp tối ưu để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19. 
Bác sĩ Nguyễn Thành Lãm, Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - người từng “bám trụ” tại khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 - rất hào hứng khi được tiêm vắc xin. 
Bác sĩ Lãm nói: “COVID-19 là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, cách tác động tốt nhất để “cắt” dịch là tác động vào khối cảm nhiễm (tất cả những người khỏe mạnh, nếu chưa có miễn dịch đều có thể cảm nhiễm với các bệnh nhiễm khuẩn...; một khi các cá thể trong khối cảm nhiễm bị mắc bệnh thì họ lại trở thành nguồn truyền nhiễm và quá trình dịch lại tiếp diễn). Tiêm vắc xin nhằm tạo miễn dịch chủ động. Chỉ bằng cách tiêm vắc xin thì chúng ta mới dập được dịch. Trên thế giới đang xuất hiện “trào lưu” chống vắc xin cho nên một số người e ngại. Mình làm trong ngành Y, mình đã hiểu mọi chuyện mà không tiêm thì làm sao khuyên người dân tiêm vắc xin một khi có vắc xin?”. 
Về việc tiêm vắc xin có thể có phản ứng phụ, bác sĩ Lãm nói: Ngay cả thức ăn cũng gây dị ứng. Rất nhiều người ăn hải sản thì không sao nhưng có một số ít người ăn vào lại bị dị ứng, thậm chí nguy hiểm. Thuốc men cũng vậy. Kháng sinh sau khi được nghiên cứu và lưu hành đã cứu rất nhiều người nhưng cũng gây phản vệ ở một số trường hợp. Chúng ta không vì thế mà bỏ kháng sinh. Vắc xin cũng vậy. Cho nên chúng ta phải tiêm khi có điều kiện. 
Bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi vì được tiêm vắc xin, tạo miễn dịch để phòng COVID-19. Tôi mong cộng đồng sẽ hưởng ứng, tham gia khi có vắc xin”. 
Vì tỉ lệ tiêm chủng trong giai đoạn đầu còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng nên bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên khuyến cáo người dân không lơ là chủ quan, hãy tuân thủ thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.
YÊN LAN
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 40
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.782
account_box Trong năm: 20.542
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.862