Tăng cường công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới

Cập nhật lúc:   14:56:09 - 29/06/2018 Số lượt xem:   588 Người đăng:   Administrator
Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Nghiêm Vũ Khải phát biểu khai mạc Hội thảo. Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Nghiêm Vũ Khải phát biểu khai mạc Hội thảo.
Sáng 27/6 tại Tp. Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân trong tình hình mới” nhằm cập nhật các quy định, chính sách liên quan của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại nhân dân.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp Việt Nam, Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Nghiêm Vũ Khải cho biết, Đối ngoại nhân dân (ĐNND) là một bộ phận cấu thành của ngoại giao nước ta và có vị trí rất quan trọng. Việc thực hiện ĐNND thông qua các hoạt động giao lưu hợp tác của quần chúng nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo ông Bùi Quốc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại nhân dân – Ban Đối ngoại Trung ương, lực lượng tham gia vào ĐNND là toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là MTTQ, 5 đoàn thể và 3 Liên hiệp của nước ta với nhân dân các nước, nhằm chia sẻ thông tin, hiểu biết, những mối quan tâm chung và tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước khác.

Ông Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh, là một tổ chức chính trị - xã hội, Liên hiệp Hội là đầu mối tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức, với 63 Liên hiệp Hội địa phương, 80 hội khoa học và kỹ thuật ngành toàn quốc và 436 tổ chức khoa học công nghệ đã đóng góp tích cực cho công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất về hợp tác khoa học công nghệ, vận động nguồn lực quốc tế để góp phần hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính, nâng cao năng lực hoạt động cho các cơ quan. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho hoạt động khoa học kỹ thuật, đồng thời cũng là nhịp cầu thúc đẩy hợp tác quốc tế, góp phần phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong nước. Ông cũng đề xuất Liên hiệp Hội nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tình hình, kết quả hoạt động ĐNND của các tổ chức thành viên và trực thuộc để tham mưu cho Đảng, Nhà nước về cơ chế, biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả.

Trợ lý Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế - Bộ Ngoại giao Trần Chí Thành thông tin đến các đại biểu Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) về sự tham gia của Việt Nam và vai trò của các tổ chức nhân dân trong tiến trình này. Với mục tiêu cải thiện và thúc đẩy việc thực hiện các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền, UPR là cơ chế liên Chính phủ của HĐNQ, có nhiệm vụ rà soát tổng thể các vấn đề về nhân quyền tại tất cả các nước thành viên LHQ. Việt Nam thực hiện UPR lần đầu vào tháng 5/2009; nhận được 182 khuyến nghị; chấp thuận 147 khuyến nghị, 4 khuyến nghị khác đã và đang được thực hiện tại thời điểm rà soát về quyền con người. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiến hành tham vấn rộng rãi với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức nhân dân, chuyên gia để lấy ý kiến đối với Báo cáo UPR.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe những chia sẻ cập nhật thông tin về Cộng đồng ASEAN và sự tham gia của các tổ chức nhân dân, về Diễn đàn nhân dân ASEAN năm 2018 tại Singapore.
 
dn12
Ông Nguyễn Văn Liệt – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai chia sẻ tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Đồng Nai Nguyễn Văn Liệt chia sẻ, tại Đồng Nai hiện nay, vấn đề xử lý Dioxin ở Sân bay Biên Hòa đã được các hệ thống chính trị, tổ chức chính trị - xã hội kêu gọi các phái bộ của Mỹ thực hiện và việc di dân đã triển khai. Hay như Cơ chế UPR Việt Nam đã chấp nhận 147/182 khuyến nghị của các nước thì phải nói rõ các khuyến nghị còn lại thuộc vấn đề nào để cùng giải quyết. Ông Nguyễn Văn Liệt cũng đề nghị, Cơ chế UPR lấy ý kiến của của tổ chức chính trị - xã hội thì nên lấy ý kiến đóng góp sớm trước 1 năm hoặc 6 tháng.

Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, Liên hiệp Hội có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện, tham mưu Luật về Hội làm sao để tạo điều kiện cho các Hội, các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp phát triển mạnh và bền vững theo đúng pháp luật; để cống hiến được nhiều nhất cho sự phát triển của vùng miền, đất nước./.
 
Tác giả bài viết: Huy Tùng
Nguồn: www.vusta.vn ngày 28/6/2018
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 19
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.371
account_box Trong năm: 23.994
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.314