Góp ý dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Cập nhật lúc:   10:22:49 - 12/06/2020 Số lượt xem:   375 Người đăng:   Administrator
TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc
Ngày 11/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam và TS Phan Tùng Mậu – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo.
Phát biếu khai mạc tại hội thảo, TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, việc sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp vào thời điểm này là rất cần thiết, vì một số nội dung của Luật 2014 hiện hành không còn phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay, thậm chí nhiều quy định còn gây phiền hà, cản trở và làm lãnh phí thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp.
TS Tân cho biết thêm, việc sửa đổi này đáp ứng yêu cầu cấp thiết phải thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
TS Phạm Sỹ An – Viện Kinh tế Việt Nam trình bày báo cáo tổng quan Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Tại hội thảo, TS Phạm Sỹ An – Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều bất cập Một số quy định của Luật Doanh nghiệp chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật có liên quan và với thực tiễn mới phát sinh. Ví dụ, Luật yêu cầu một số chức danh quản lý trong doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn, bằng cấp nhất định (khoản 2, Điều 65). Các yêu cầu này hiện nay vừa không có hiệu lực thực tế, hạn chế cơ hội việc làm và nhà đầu tư trong tham gia quản lý doanh nghiệp, tác động bất lợi đến khởi nghiệp, sáng tạo. Tuy nhiên những bất cập này vẫn giữ nguyên trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014, thì khái niệm doanh nghiệp nhà nước mới chỉ bao gồm doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chưa có quy định xác định loại doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối.
Các quy định về tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối cũng cần được rà soát lại để bổ sung, sửa đổi để thực hiện các mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, trong đó gồm cả doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu chi phối vốn điều lệ và doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, TS An cho biết.
TS An cho biết thêm, Dự thảo Luật hiện được xây dựng với bố cục gồm 10 chương với 213 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty và hộ kinh doanh.
Quang cảnh buổi hội thảo

Đối tượng áp dụng của Luật là: các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Dự luật cũng nêu lên quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như: Cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khác trái với quy định của Luật này; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty. Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp...
Theo ý kiến của TS Trần Việt Hùng – Nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, mỗi loại hình doanh nghiệp lại được quy định trong một chương riêng. Như vậy, Dự thảo Luật đã giành 7/11 chương quy định cho 7 loại hình doanh nghiệp, một khối lượng khá lớn. Theo tôi, doanh nghiệp Nhà nước chỉ là trường hợp đặc biệt của loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần khi nhà nước là chủ sở hữu của hơn 50% vốn pháp định của công ty (theo Dự thảo Luật). Doanh nghiệp nhà nước cũng không được nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này! Mặt khác, quy định khi nhà nước nắm giữ trên 50% vốn pháp định của công ty mới được coi là công ty nhà nước cũng không chính xác, để lọt một lượng lớn vốn nhà nước nằm ở các công ty mà nhà nước chỉ nắm dưới 50% vốn pháp định của công ty. Hiện nay, Chính phủ đã thành lập và giao cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước quản lý toàn bộ lượng vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp. Đây là một nét mới chúng ta cần nghiên cứu đưa vào luật sửa đổi kỳ này.
Còn đối với ý kiến của TS Trần Duy Khanh – Viện trưởng, Viện nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC cho rằng, doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 87a Luật này. Đây là sự bất bình đẳng ngay từ tên gọi, nhà nước tham gia vốn vào các doanh nghiệp khác trên 50% những các doanh nghiệp này là Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Công ty Cổ phần… Các doanh nghiệp này sẽ hoạt động theo mô hình nào, mô hình doanh nghiệp nhà nước hay công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn? theo tôi cơ cấu tổ chức, hoạt động của các doanh nghiệp này phải tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp, người được nhà nước bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp trước nhà nước. Cho nên, việc có trên 50% vốn của nhà nước ở các công ty có khung quản trị như trên mà lại quy định tổ chức hoạt động như doanh nghiệp nhà nước là mâu thuẫn và không phù hợp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đa chiều, tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, đã có nhiều luật có những quy định đặc biệt khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp ở vùng kinh tế khó khăn như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật cạnh tranh, Luật Đầu tư… Đề nghị Ban biên tập nên có thêm các quy định mang tính hướng dẫn, giới thiệu để doanh nghiệp thực hiện.
Tin, ảnh: HT
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 10
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.752
account_box Trong năm: 20.512
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.832